Đáp ứng nhu cầu rút tiền của chủ thẻ trong dịp Tết

09:54, 04/02/2013

Hiện nay, số lượng người sử dụng thẻ ATM trên địa bàn rất lớn (hàng vạn chủ thẻ), trong khi đó, số lượng máy ATM tuy đã được trang bị và bố trí trên toàn địa bàn tỉnh với 115 máy ATM, nhưng cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền vào lúc cao điểm như dịp lễ, Tết. Đó là chưa kể, một số máy ATM thi thoảng còn bị trục trặc do hết tiền đột xuất hoặc máy tạm dừng để bảo dưỡng; hoặc giao dịch bị lỗi làm cho nhiều chủ thẻ không rút được tiền ngay.

Vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm tăng cao, nên số lượng người đến giao dịch rút tiền qua thẻ ATM cũng sẽ tăng cao. Dự báo được tình hình trên và khắc phục các sự cố nêu trên, chủ thẻ không thể rút được tiền, năm nay, các ngân hàng trên địa bàn đã chuẩn bị khá kỹ về trang thiết bị máy móc; đội ngũ kỹ thuật viên đến lượng tiền cung ứng tại các máy ATM nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng; hạn chế tối đa các sự cố.

 

 

Anh Đặng Trung Kiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Chi nhánh có 13 máy ATM đang hoạt động, tập trung tại các nơi trung tâm như: thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên và khu Gang thép. Hiện tại, Chi nhánh đang có trên 3 vạn chủ thẻ giao dịch với ngân hàng, khách hàng chủ yếu là công nhân ở các doanh nghiệp; cán bộ, công nhân, viên chức. Để đảm bảo cho các chủ thẻ rút được tiền bất cứ lúc nào, trước, trong và sau Tết, Ngân hàng đã bố trí cán bộ trực ở Hà Nội để xử lý các vấn đề thuộc kỹ thuật cao; ở Thái Nguyên, tại các máy ATM đều có số điện thoại hỗ trợ trực tiếp khách hàng, giải quyết các vướng mắc phát sinh; có hệ thống camera giám sát; thuê bảo vệ đảm bảo an ninh các máy, tiền và người rút tiền. Trong những ngày gần đây, lượng người rút tiền khá đông, bình quân mỗi ngày Ngân hàng phải nạp tiền trên dưới 1 tỷ đồng/máy, có lúc cao điểm lên đến 1,6 tỷ đồng/máy. Vì vậy, Ngân hàng đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra và tiếp quỹ đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

 

Còn ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Thái Nguyên cho hay: Chi nhánh có 14 máy ATM đang hoạt động từ địa bàn thành phố Thái Nguyên đến tất cả các huyện, thị với 48 nghìn chủ thẻ. Khách hàng chủ yếu là các cơ quan trả lương qua tài khoản; khách hàng buôn bán nhỏ và học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khách hàng buôn bán thường có nhu cầu rút lượng tiền cao trong ngày (cao nhất tới 50 triệu đồng/ngày). Bình quân mỗi ngày, Ngân hàng cũng nạp từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/máy. Trong dịp Tết nguyên đán, Ngân hàng cũng đã bố trí con người trực theo dõi và sắn sàng tiếp quỹ; tổ chức tốt mạng lưới theo dõi và khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra đối với hệ thống máy móc và khách hàng; ký kết với lực lượng an ninh đảm bảo an toàn tài sản và các chủ thẻ đến rút tiền. Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên, hiện tại cũng đang có 15 máy đang hoạt động với hàng trăm nghìn khách hàng có thẻ. Khách hàng của Ngân hàng đa phần là học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức ở các cơ quan và cán bộ, công chức nghỉ hưu. Trong đó có 2 máy  ở cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và tại Hội Sở ngày thường cũng rất đông khách hàng đến rút tiền. Vì vậy, Ngân hàng đã bố trí cán bộ tực, theo dõi, tiếp quỹ kịp thời và đáp ứng đủ cơ cấu mệnh giá từ cao đến thấp để phục vụ nhu cầu rút tiền của chủ thẻ trong dịp Tết.

 

Tuy nhiên, qua khuyến cáo của các ngân hàng, hiện nay trên địa bàn  đã lắp đặt rất nhiều thiết bị thanh toán qua POS (159 pos) tại các cửa hàng siêu thị, khách sạn, shop hàng hóa, các chủ thẻ nên tận dụng để thanh toán khi mua hàng dịch vụ để giảm rút tiền mặt qua ATM. Đồng thời, các chủ thẻ cũng nên rút tiền dần để chi tiêu không nên đợi để “dồn toa” đến cận ngày Tết dễ gây nghẽn mạng, phải chờ đợi lâu.