Giá cả thị trường sau Tết vẫn giữ ổn định

16:05, 18/02/2013

Theo đánh giá chung của nhiều người tiêu dùng từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ giá cả thị trường không tăng nhiều so với trước Tết. Các mặt hàng rau xanh, hoa tươi và các loại thịt gà, bò, lợn, hải sản tăng không đáng kể, thậm chí một vài mặt hàng còn giảm giá so với ngày bình thường.

Bà Nguyễn Thị Đông, hộ buôn bán nhỏ ở chợ Thái T.P Thái Nguyên cho biết: Theo thường lệ mọi năm, cứ sau Tết (khoảng mùng 2 Tết) là một số chợ đã hoạt động, mọi người đến chợ thường mua, bán các mặt hàng rau xanh, hải sản và thịt tươi sống để “đổi bữa” sau những ngày liên tục ăn bánh chưng, đồ cất giữ đông lạnh. Vì vậy, các mặt hàng trên giá rất đắt do người mua nhiều, người bán ít. Nhưng năm nay, thị trường lại có sự thay đổi ngược lại so với mọi năm. Giá một số mặt hàng tăng nhưng không đáng kể. Ví dụ: thịt bò giá tăng cao nhất, dao động từ 270 nghìn đồng/ 300 nghìn đồng/kg (ngày thường 220 nghìn đồng/kg); thịt lợn từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng; cá chép loại to 85 nghìn đồng/kg (ngày thường 65 nghìn đồng); đậu phụ 5 nghìn đồng/ bìa (ngày thường bán 3 nghìn đồng); rau bắp cải 7 nghìn đồng/kg; xà lách 5 nghìn đồng/kg; xu hào 7 nghìn đồng/kg; súp lơ 5 nghìn đồng/cái; măng tươi 8 nghìn đồng/kg (trước Tết giá 15 đến 20 nghìn đồng/kg); gà trống ta 170 nghìn đồng/kg... Nhưng giá các mặt hàng trên cũng nhanh chóng giảm dần xuống, hầu hết các mặt hàng trở về giá như ngày thường, thậm chí có một số mặt hàng còn rẻ hơn.

 

 

Qua khảo sát thị trường ngày mùng 8 và 9/1, một số mặt hàng như: cá trắm giòn chỉ có 160 nghìn đồng/kg (trước Tết là 200 nghìn đồng); ngao 20 nghìn đồng/kg (trước Tết là 30 nghìn đồng/kg); cá trôi 45 nghìn đồng/kg; gà ta 160 nghìn đồng/kg; thịt lợn 80 nghìn đồng/kg. Các loại hoa quả được người tiêu dùng mua nhiều là dưa hấu có tăng chút ít (từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg); các loại quả khác giữ nguyên giá như: cam 20 - 25 nghìn đồng/kg; lê quả 30 nghìn đồng/kg; xoài Thái giảm từ 100 nghìn đồng/kg xuống còn 80 nghìn đồng/kg. Giá các loại rau xanh liên tục giảm: đến ngày mùng 9 Tết chỉ còn 3 nghìn đồng/kg su hào; 3 nghìn đồng/kg bắp cải; 5 nghìn đồng/kg cà chua; 3 nghìn đồng/chiếc súp lơ; măng tươi còn 4 nghìn đồng/kg…Còn các mặt hàng khác như hàng công nghệ phẩm, tiêu dùng, quần áo, giày dép; bánh, mứt, kẹo, các quầy, cửa hàng, siêu thị chỉ mở hàng “cho vui”, không mấy ai hỏi mua và giá cả vẫn giữ ổn định.

 

Chị Phạm Thị Mùi, một người dân ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) xuýt xoa với tôi: Những năm trước, gia đình tôi cứ sợ sau Tết giá cả tăng cao, nhất là các thức ăn ra Giêng ai cũng mua nhiều như thịt bò, rau xanh, cá tươi nên tôi hay dự trữ nhiều để khỏi phải mua đắt. Nhưng năm nay, ra Tết giá cả cái gì cũng rẻ, một vài mặt hàng có tăng cũng không đáng kể. Tình hình này, sang năm chẳng tội gì phải “tích trữ” đồ ăn cho khổ.

 

Thị trường ổn định là do năm nay hàng hóa được cung cấp dồi dào hơn so với mọi năm: Số lượng các siêu thị được tăng lên (ngoài các siêu thị hiện có, riêng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, 2 siêu thị: Minh Cầu và Tôn Mùi mở thêm cơ sở 2 để đáp ứng nhu cầu của người dân). Hàng hóa ở các siêu thị vừa ổn định giá, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng đã có chiều hướng chuyển sang mua hàng tại siêu thị nhiều hơn. Ở các chợ “cóc”, chợ tạm số người tham gia buôn bán tăng hơn, nhưng cũng chủ yếu bán rau xanh, thịt, hải sản tươi sống. Trong khi đó nhu cầu của người tiêu dùng lại giảm, một mặt do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn nên người dân có tâm lý tiết kiệm; mặt khác số đông người lao động khó khăn thực sự nên nhu cầu tiêu dùng cũng giảm so với Tết Nhâm Thìn. Hơn nữa, ra Tết, thời tiết ấm áp hơn nên thuận lợi cho rau xanh, hoa tươi phát triển cũng là một trong những yếu tố làm cho giá rau xanh, hoa tươi liên tục giảm. Khi khảo sát đến 15 người tiêu dùng là cán bộ, công chức Nhà nước thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Từ Tết đến giờ chưa hề đi chợ vì trước Tết dự trữ hàng hóa nhiều, sự ăn uống cũng đã “quá tải” nên không biết giá cả biến động như thế nào. Đây cũng là lý do hàng hóa sau Tết tiêu thụ chậm.

 

Giá thị trường sau Tết ổn định còn do công tác dự báo cung, cầu của các doanh nghiệp khá chính xác nên việc dự trữ hàng hóa vừa phải, đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Một số doanh nghiệp đã giữ chữ tín với khách hàng bằng việc bán hàng có chất lượng, giá ổn định. Tỉnh cũng đã có cơ chế giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để bình ổn giá. Hàng hóa thiết yếu phục vụ trong dịp Tết như: điện, nước, xăng dầu được bình ổn, tất cả đã góp phần tạo nên sự bình ổn giá chung trên thị trường, làm cho đời sống người dân đỡ chật vật hơn trong lúc khó khăn.