Năm 2013, giá năng lượng có theo thị trường?

08:49, 16/02/2013

Để đưa được giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế thị trường trong năm 2013 đòi hỏi nhiều việc làm cấp bách.

Thiết lập chính sách đảm bảo an ninh năng lượng

 

Nhìn lại năm 2012, ngành năng lượng Việt Nam đã làm được khá nhiều việc với những sản phẩm đầu tiên được nhắc tới trong nhu cầu thiết yếu của đời sống sinh hoạt và phục vụ phát triển kinh tế là điện và xăng dầu, tiếp đến là than và dầu, khí. Những sản phẩm này tác động trực tiếp tới không chỉ các ngành năng lượng hay các ngành kinh tế khác - mà còn là vấn đề của cân đối cung - cầu; xuất - nhập khẩu; thu - chi ngân sách và an ninh năng lượng quốc gia.

 

Ngay trong những ngày đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Điều này theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), là cơ sở pháp lý quan trọng hoạch định chiến lược, bước đi cho ngành than trong giai đoạn tăng tốc phát triển công nghiệp hóa.

 

“Ngày 9/1/2012 Thủ tướng chính phủ đã có QĐ số 60 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam cùng các giải pháp đồng bộ như vấn đề vận chuyển than, vấn đề cảng khu vực phía Bắc, phía Nam, vấn đề nhập khẩu than như thế nào để đáp ứng nhu cầu trong nước, mà trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề than cho điện” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

 

Một chính sách vĩ mô nữa thuộc về lĩnh vực điện năng, Luật Điện lực (sửa đổi) đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13. Việc chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7/2012 - sau tròn 1 năm Bộ Công thương nhấn nút khởi động thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (1/7/2011).

 

Các Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tập đoàn năng lượng của Chính phủ; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015…

 

Những việc làm này cho thấy quyết tâm của Chính phủ, điều hành chính sách thực hành tiết kiệm năng lượng trong vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Bất cập vẫn gia tăng

 

Mặc dù đã qua năm 2012, ngành năng lượng vẫn còn nhiều bất cập trong thực thi những chính sách cụ thể, từ điều chỉnh giá than cho điện còn chậm chễ, hay điều hành giá xăng dầu chưa theo đúng cơ chế thị trường dẫn đến nhiều hệ lụy - mà cụ thể là việc tiếp diễn chuyện bù chéo, bù lỗ giữa than với điện hay đầu cơ găm hàng chờ giá, gian lận trong kinh doanh xăng dầu…

 

Một điều đáng bàn khác của ngành điện sau khi chính vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Trong khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) - với tổng nguồn phát lớn nhất, lại là đơn vị được mua buôn và bán lẻ duy nhất của ngành điện thông báo sản xuất và kinh doanh có lãi lớn trong năm 2012, rất nhiều công ty phát điện ngoài EVN lại đang trong tình trạng điêu đứng.

 

Ông Ngô Trí Thịnh - TGĐ Tổng công ty điện lực - Vinacomin cho biết, kể từ khi vận hành thị trường điện, các nhà máy nhiệt điện của Vinacomin chỉ chạy được huy động được khoảng 30% công suất, nhiều tổ máy phải dừng hoạt động, mà theo tính toán, mỗi lần khởi động lại mỗi tổ máy này tốn kém vài ba tỷ đồng.

 

Trước những khó khăn này, cộng với những bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch ngành Điện, Than và Khí.. ngày 24/10/2012, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã gửi văn bản “Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam”, trong đó chỉ rõ sự không thống nhất giữa quy hoạch điện và quy hoạch than, giữa quy hoạch điện và quy hoạch khí… đồng thời, kiến nghị có cơ chế vốn để thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng đã được phê duyệt.

 

Trong khi khả năng thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than còn đang là một ẩn số, thiếu than cho Quy hoạch điện VII đang là một trong những nút thắt của ngành năng lượng - thì việc giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 10% kể từ tháng 9/2012 để tháo gỡ khó khăn cho ngành than trong trước mắt - được coi như việc chẳng thể đặng đừng.

 

“Giảm thuế thì sẽ hợp lý hơn nhưng cũng chỉ trong trước mắt chứ không phải lâu dài. Hiện tại năng lực sản xuất của ngành than đang vượt nhu cầu tiêu dùng, nhưng trong tương lai thì sẽ không đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước đang ngày càng tăng nhanh, chủ yếu cho sản xuất điện cho nên phải nhập khẩu. Đây là những nghịch lý chưa thể tháo gỡ” - ông Đinh Tiến Dũng - Viện trưởng Viện năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định.

 

Giá năng lượng liệu có theo giá thị trường

 

Trước rất nhiều những tồn tại của ngành năng lượng trong năm 2012 và khó khăn đối với doanh nghiệp với nền kinh tế trong năm 2013, trong khi yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2013 tất cả các mặt hàng năng lượng như điện, than, xăng dầu phải tuân thủ theo chính sách giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị:

 

“Chính sách giá năng lượng từ 2013-2015 phải tính đến 2 yếu tố: Một là nâng dần mức bù đắp chi phí sản xuất, nói cách khác là nâng dần giá bán lẻ để cho nó phù hợp với mức chi phí thực tế. Hai là cần tăng cường sức cạnh tranh thị trường trên cơ sở tự do hóa các nguồn năng lượng và các thành phần tham gia để tạo ra chi phí thấp hơn thay vì chi phí độc quyền thì bao giờ cũng đắt đỏ. Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý đến xu hướng của thế giới, Việt Nam không thể một mình một giá, lội ngược dòng với giá thế giới, cùng theo mức giá thế giới để có sự điều chỉnh cho phù hợp”.

 

Bước sang năm 2013 - năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) và cũng là năm thực hiện việc đưa giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi chỉ tiêu kiềm chế giá tiêu dùng chỉ khoảng 6% và tăng trưởng GDP phải đạt cao hơn năm 2012, để thực hiện yêu cầu này đòi hỏi một quyết tâm chính trị trong điều hành giá năng lượng.

 

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của các tập đoàn trong ngành năng lượng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là một yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, nếu không làm chủ được thì sẽ thất bại ngay chính trên sân nhà. Và để làm được điều đó, tất yếu phải đưa được giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế giá thị trường.

 

Một dẫn chứng được đưa ra đối với mặt hàng than cung cấp cho ngành điện mới bằng khoảng 70% giá thành sản xuất và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác bằng 90% giá xuất khẩu. Trong khi, để nhập khẩu 1 tấn than ở thời điểm hiện tại phải mất tới 150 USD/tấn, nghĩa là gấp tới hơn 2 lần so với giá xuất đi (trung bình giá than đá xuất khẩu cuối năm 2012 hơn 65 USD/tấn).

 

Bù lỗ của ngành than cho các ngành kinh tế không chỉ hạn chế đầu tư của ngành, mà giá than không theo kịp với giá thị trường đã làm méo mó sức cạnh tranh thực tế của các ngành nghề, doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

 

Điều này càng thể hiện rõ hơn khi giá điện trung bình của Việt Nam đang ở đâu đó 7 cent/kWh (7,2 cent/kWh) - trong khi khả năng nhập khoảng 30 triệu tấn than vào năm 2020 cho sản xuất điện khó khả thi - để bảo đảm an ninh năng lượng, một kế hoạch sản xuất điện từ khí hóa lỏng (LPG) với mức giá lên tới 16 cent/kWh cũng đã được tính tới.

 

Thế nhưng, không chỉ ngành than vẫn phải bù qua giá cho điện hơn 6.500 tỷ đồng trong năm 2012, ngành điện cũng đang phải bù giá cho những hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng. Theo công bố giá thành sản xuất điện của EVN năm 2011, mỗi kWh điện sản xuất ra khi bán đến hộ tiêu dùng đã lỗ tới 56 đồng/kWh.

 

Tại Hội thảo về Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013, Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam - Nguyễn Tiến Thỏa  cho rằng, việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá cần phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, linh hoạt theo diễn biến kinh tế. Và để bảo đảm lạm phát ở mức 6% trong năm 2013, việc điều hành các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm, không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

 

Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực có quan hệ gắn kết chặt chẽ không thể tách rời như than và điện, với tỷ trọng nhiệt điện than hiện nay chiếm tới hơn 50% công suất nguồn phát, nếu đưa giá than theo thị trường đối với sản xuất điện vào năm nay, ắt hẳn dẫn tới áp lực tăng giá điện lớn hơn.

 

Làm sao để đưa giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng theo đúng mục tiêu của Chính phủ và đúng với quy luật của thị trường, nhưng bảo đảm kiểm soát lạm phát, tránh sốc đối với doanh nghiệp và người dân - đòi hỏi cần một sự tính toán khoa học thời điểm, lộ trình tăng giá đối với từng mặt hàng, ngành hàng ngay từ những ngày đầu năm này.

 

Nhưng cao hơn cả, cần một quyết tâm chính trị bởi vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá sẽ quyết định có hay không, sớm hay muộn một thị trường năng lượng cạnh tranh và minh bạch.