Ngành thủy sản nội địa và vấn đề đặt ra

08:10, 21/02/2013

Thời gian gần đây, hiện tượng nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, bị chết hàng loạt do dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi đã gây thiệt hại lớn cho ngành thuỷ sản. Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã phải chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, tiêu thoát nước đô thị yếu kém, sự mở rộng của ngành du lịch và sử dụng sông hồ, ao ngòi làm nơi đổ chất thải rắn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước. Một lượng lớn nước thải không được xử lý đã xả thải bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

 

Sản lượng khai thác giảm nhanh

 

Ngành thuỷ sản ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện theo hình thức nuôi trồng và đánh bắt. Hoạt động đánh bắt thuỷ sản ở Việt Nam có thể phân thành khai thác biển và khai thác nội địa. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước thường được đề cập tới liên quan trực tiếp đến nghề cá nội địa.

 

Theo số liệu của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có khoảng 2.360 con sông, trong đó có 106 sông chính, từ 3 - 5 nghìn hồ chứa các loại, trên 700 loài và phân loài thuỷ sản, cho thấy đây là tiềm năng nguồn lợi thủy sinh nội địa rất phong phú và đa dạng. Nghề cá nội địa, nhất là trên các đồng bằng hay xuất hiện lũ, vùng canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, là một nguồn quan trọng cung cấp các sản phẩm thủy sản, đem lại dinh dưỡng và thu nhập thời vụ cho người dân nông thôn. Qua một số nghiên cứu cho thấy, nghề cá nội địa có ý nghĩa quan trọng lớn đối với người nghèo ở nhiều vùng của Việt Nam, không chỉ đối với các ngư dân chuyên nghiệp mà còn đối với những gia đình lựa chọn việc đánh bắt cá là một phần trong các chiến lược mở rộng sinh kế. Mặt khác, nghề cá nội địa cũng đã góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

 

Cũng theo số liệu của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, bình quân các bãi đánh bắt khai thác thủy sản nội địa ước tính khai thác được khoảng 200.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, Ủy hội Sông Mêkông lại ước tính bình quân sản lượng khai thác thủy sản nội địa ở các vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam có thể lên đến từ 300.000 đến 900.000 tấn/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng khai thác thuỷ sản ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng hiện nay, sản lượng khai thác thủy sản nội địa lại đang có xu hướng giảm, nhất là ở trên các sông, hồ lớn. Nếu như sản lượng khai thác nội địa năm 2001 đạt 243.000 tấn, thì đến năm 2012, con số này chỉ còn 204.000 tấn.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sản lượng thuỷ sản khai thác nội địa có xu hướng ngày càng giảm, như: Sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ đánh bắt không theo đúng quy định… Nhưng trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước, làm cho môi trường thuỷ sinh thay đổi. Nhìn chung, hiện tượng ô nhiễm bắt nguồn từ việc sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp và các dự án kiểm soát lũ làm mất môi trường sinh sản và sinh trưởng của các loài cá tại địa phương, cá di trú cũng như các loài thủy sinh khác. Những mối đe dọa này đặc biệt nghiêm trọng đối với các hộ nghèo có sinh kế phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt thủy sản.

 

Do vậy, để đảm bảo tính bền vững của ngành đánh bắt khai thác thủy sản nội địa, cần có những biện pháp như: Tiếp tục đánh giá tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế quốc dân, với nông dân địa phương và ngư dân nghèo, cân bằng với các nhu cầu khác, chẳng hạn như phòng chống lũ cho nông nghiệp; xác định các biện pháp quản lý thích hợp như: Sử dụng ngư cụ phù hợp và quy định mùa cấm đánh bắt tại một số nơi; xây dựng các chuôm cá để bảo vệ môi trường sinh sản và sinh trưởng chính cho cá, đồng thời duy trì hoặc tăng năng suất khai thác, nhưng vẫn đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Năng suất nuôi trồng cũng có xu hướng giảm

 

Với hình thức nuôi trồng thủy sản, đã có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 12% kể từ năm 1990 đến nay. Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại cũng đã đạt khoảng 1 triệu ha với tổng sản lượng năm 2012 đạt trên 3,1 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2011. Các sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ yếu là sản phẩm nước ngọt, đặc biệt là cá da trơn nuôi trên sông, nhưng hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ mới đem lại giá trị xuất khẩu chủ yếu (và phần lớn nguồn thu này xuất phát từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long). Các hộ sản xuất nhỏ chiếm đa số trong ngành nuôi trồng thủy sản, với diện tích ao nuôi khoảng 0,1 ha mỗi hộ. Nuôi trồng thủy sản chiếm trên 50% tổng sản lượng ngành thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2012 ước đạt 3,1 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2011, trong đó cá đạt 2,4 triệu tấn, tăng 6,5%; tôm 473,9 nghìn tấn, giảm 1%..., còn lại là các loài khác như: Cua và các loài thân mềm khác.

 

Tiểu ngành thủy sản nước ngọt vẫn đóng vai trò chi phối và chiếm khoảng 65 - 70% tổng sản lượng toàn ngành. Riêng sản lượng cá da trơn vượt trên 1,2 triệu tấn trong năm 2012, tăng 3% so với năm 2011. Thực tiễn cho thấy, con số tăng này chưa phù hợp, vì trong năm 2012, tổng diện tích nuôi cá tra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 4.876 ha, tăng 9% so với năm 2011, trong khi sản lượng chỉ tăng 3%. Vấn đề này cũng được biểu hiện ở năng suất nuôi bình quân có xu hướng giảm. Nếu năm 2011, năng suất nuôi bình quân đạt 314 tấn/ha, thì năm 2012, con số này đã giảm xuống, chỉ còn 254 tấn/ha. Điều này được lý giải là tình hình dịch bệnh của thuỷ sản nuôi trồng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản, cũng như nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đúng mức.

 

Ngoài ra, các mối lo ngại về môi trường liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam như: Ô nhiễm nước cục bộ do nồng độ các chất trong nguồn nước ngọt và các trại nuôi cá lồng trên biển, chưa chú ý đến sức tải của dòng chảy; các nguy cơ mắc bệnh và tác động đến đa dạng sinh học thủy sinh khi nhập các loài ngoại lai mới cho ngành thủy sản; tình trạng mất nhiều vùng rừng ngập mặn và đất ngập nước do chuyển đổi các vùng ven biển và cửa sông thành trại nuôi tôm; các ổ dịch ở các loài thủy sản, xâm nhập mặn do các yếu kém trong quy hoạch và quản lý nuôi tôm ở các vùng đất cát và đất nông nghiệp; xu hướng tăng đáng kể tỷ lệ cá tạp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt và ở biển… Những tương tác môi trường như vậy cần được xem xét thận trọng khi thúc đẩy nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam và cần được giải quyết thông qua cải tiến quy hoạch môi trường và các thông lệ quản lý cũng như tăng cường năng lực quản lý.

 

Nuôi trồng thuỷ sản có ý nghĩa thiết yếu trong việc đáp ứng nhu cầu về sản phẩm thuỷ sản trong tương lai. Do vậy, song song với việc mở rộng nuôi trồng thủy sản để tạo nguồn cung cho các thị trường trong nước và xuất khẩu, cần phải quan tâm đến các vấn đề như: Sự hạn chế của năng lực trong nước nhằm thúc đẩy và hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước biển. Các mối quan tâm chính gồm có: Chất lượng và nguồn cung cấp giống và thức ăn, kiểm soát dịch bệnh, quản lý các tác động môi trường; trong đó, bao gồm cả sự hiểu biết về sức tải của biển, vùng nước nội địa, các dịch vụ khuyến nông, các kênh tiếp thị và hệ thống kiểm soát chất lượng. Cần nhấn mạnh hơn nữa đến việc sử dụng nuôi trồng thủy sản để giảm nghèo. Chất lượng của sản phẩm từ trước đến nay vẫn là mối lo ngại ở một số thị trường xuất khẩu và các vụ kiện chống bán phá giá đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của ngành, do các yếu tố bên ngoài liên quan đến thương mại quốc tế…