Giáp Tết Nguyên đán 2013, tuy lượng khách đặt hàng tăng hơn khá nhiều so với thời điểm trước nhưng theo phản ánh của các chủ cơ sở sản xuất của cả 2 làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ xã Xuân Phương và Phú Lâm, xã Kha Sơn (Phú Bình) thì so với năm 2011, sức tiêu thụ chỉ bằng 50-60%. Điều này được xem là dự báo về một năm còn gặp nhiều khó khăn đối với các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn…
Có mặt tại xưởng sản xuất của anh Nghiêm Xuân Tùng – một trong những xưởng lâu năm, có uy tín của Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm (chuyên sản xuất bàn ghế, giường, tủ, kệ, sập… theo mẫu mã Đồng Kỵ) vào sáng 18 tháng Chạp, chúng tôi không còn được chứng kiến không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương như nhiều năm về trước cũng vào thời điểm này. Cả xưởng chỉ có 2 thợ thuê ngoài và 2 vợ chồng anh Tùng làm việc. Hơn nửa số thợ của anh hôm đó nghỉ để đi ăn cỗ, bởi họ không phải quá lấn bấn với công việc đầy ăm ắp của “gia chủ”. Mặc dù còn 10 ngày nữa mới đến Tết, nhưng về cơ bản, đến thời điểm này, số lượng các đơn đặt hàng đã được hoàn tất. Anh Nghiêm Xuân Tùng cho biết: Nếu như mọi năm, phải đến chiều 30 Tết, cơ sở của anh Tùng mới cho thợ nghỉ thì năm nay, chỉ khoảng 24, 25/12 (âm lịch) là chúng tôi đã giao được hết hàng cho khách. Tính chung cả năm 2012, số đơn hàng xưởng nhận được chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua của thị trường giảm mạnh. Cùng với đó là ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất mới và các cơ sở cũ thì mở rộng quy mô. Ngay cơ sở sản xuất của anh Tùng trong năm qua cũng mở rộng quy mô lên gấp 2 lần nhưng do không có nhiều khách đặt nên số thợ anh thuê làm giảm gần 1 nửa so với trước. Anh Tùng cho biết thêm: Cơ sở của tôi là một trong 2 cơ sở nhiều năm liền được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chọn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ do tỉnh tổ chức. Nếu như năm 2011, sau hội chợ, tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, thì sau Hội chợ năm 2012, gần như không có đơn hàng nào.
Theo ông Nguyễn Văn Bẩy, Trưởng xóm Phú Lâm: Xóm hiện có 104 hộ, với hơn 400 nhân khẩu (trong đó có 87 hộ, với hơn 300 nhân khẩu có mặt tại địa phương), thì có 16 hộ mở xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ (tăng 3 xưởng so với năm 2011). Tuy nhiên, số hộ tham gia nghề mộc lại chiếm đại đa số (người thì đi làm thuê, người thì nhận gia công sản phẩm tại nhà). Những tháng giáp Tết là thời gian cao điểm của làng nghề nhưng năm nay, trung bình mỗi xưởng chỉ thuê từ 3-6 lao động (chưa kể lao động đánh giấy ráp), giảm từ 1/3 đến 1/2 so với năm 2011.
Cũng chung cảnh ảm đạm như làng nghề Phú Lâm, các cơ sở sản xuất của làng nghề Phương Độ năm qua cũng gặp không ít khó khăn. Anh Dương Nghĩa Thành, chủ cơ sở sản xuất có tiếng của làng nghề cho biết: Những năm trước, cơ sở của anh cũng như các cơ sở khác nhận được đơn đặt hàng rải đều trong cả năm, thì năm 2012 chỉ nhận được nhiều từ tháng 10 âm lịch (tuy nhiên, so với cùng thời điểm của năm 2011, số đơn đặt hàng vẫn giảm đáng kể), còn những tháng khác rất ảm đạm, mặc dù giá thành các sản phẩm năm nay không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ so với mọi năm. Do ai cũng muốn lấy hàng trước Tết nên thời gian để làm ra sản phẩm không nhiều, vì thế anh cũng chỉ dám nhận một lượng đơn đặt hàng nhất định. Anh Thành cho rằng thị trường đồ mộc mỹ nghệ chắc chắn sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2013 này.
Không chỉ người sản xuất, những người kinh doanh sản phẩm này cũng gặp không ít khó khăn. Gia đình chị Dương Thị Phú, xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương ngoài việc trực tiếp làm ra sản phẩm còn mở thêm cửa hàng kinh doanh các loại đồ mộc mỹ nghệ ngay trên tuyến Quốc lộ 37, với diện tích cả trăm m2. Chị Phú cho biết: Cả tháng qua, cửa hàng của tôi chỉ bán được 2 chiếc kệ. Hàng chục bộ bàn ghế, tủ thờ, cây đồng hồ… theo kiểu dáng Đồng Kỵ đều “án binh bất động”. Nhiều khách vào xem, hỏi giá, rồi… đi. Nếu từ nay đến Tết mà không bán được thì gia đình tôi cầm chắc “lỗ” vì sản phẩm đã hoàn thiện để lâu sẽ giảm màu sắc. Trước Tết không bán được, ra Giêng, sức tiêu thụ càng trầy trật.
Trên thực tế, không riêng gì người làm nghề mộc thủ công ở Phú Bình hay ở các nơi khác năm qua và ngay cả giáp Tết phải đối mặt với những khó khăn do sức mua của thị trường giảm, mà đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế. Nắm được thực trạng này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tìm ra cho mình các giải pháp phù hợp để thích nghi.