Sản xuất chè an toàn: Người nông dân được lợi

09:12, 28/02/2013

Hiện nay, huyện Đại Từ có 3 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP là xóm 11, xã Tân Linh; xóm Vân Long, xã Hùng Sơn và Hợp tác xã (HTX) chè Phương Đông, xóm Lũng 1, xã Phú Lạc. 3 tháng sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chè an toàn, người trồng chè đã nhận thấy rõ hiệu quả từ mô hình, đồng thời quyết tâm duy trì và nhân rộng mô hình chè sạch.

Chúng tôi tới HTX Chè Phương Đông vào dịp đầu xuân khi những đồi chè đang đâm chồi nảy lộc. Ông Trần Trung Tấn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Sau khi HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và nhất là sau Lễ hội Trà Đại Từ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Gần đây nhất, chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Liên minh tiếp thị trực tuyến - Chi nhánh Hà Nội, địa chỉ tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, HTX cũng đã có thêm hơn 20 đại lý tiêu thụ chè tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận”. Theo ông Tấn, việc đạt tiêu chuẩn VietGap và đóng chè trong túi hút chân không có nhãn mác rõ ràng khiến giá chè được tăng lên đáng kể, trung bình chè của HTX cao hơn chè trồng theo phương pháp truyền thống từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg. Cùng với HTX chè Phương Đông, hai tổ hợp tác sản xuất chè an toàn ở xã Tân Linh và xã Hùng Sơn cũng đã đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc tiêu thụ chè sạch. Khi tham gia mô hình chè VietGAP, các tổ sản xuất được dự án hỗ trợ vốn mua máy hút chân không giúp chè giữ được chất lượng, hương thơm. Ông Trần Khắc Tư, tổ viên Tổ hợp tác chè VietGap, xóm 11, xã Tân Linh nói: “Chè của gia đình tôi đóng gói bằng máy hút chân không. Mỗi gói chè in rõ thương hiệu và tổ hợp tác. Nhờ đó, những khách hàng quen của gia đình đều tin tưởng, chấp nhận giá chè tăng 50 nghìn đồng/kg”. Ông Tư cho biết thêm: mặc dù sau Tết nhưng lượng tiêu thụ chè vẫn cao. Gia đình ông hiện bán với giá từ 170 đến 220 nghìn đồng/kg.

 

Sau một thời gian sản xuất theo tiêu chuẩn mới, người dân đã thấy rõ lợi ích của mô hình như giá chè tăng, môi trường trong sạch và an toàn hơn nên đều có tâm lý đồng lòng, quyết tâm xây dựng. Cụ thể như tổ hợp tác sản xuất chè an toàn của xã Tân Linh bao gồm 56 hộ trên diện tích 18,26 ha. Diện tích nhỏ với số lượng hộ dân lớn nên ban dầu công tác tuyên truyền quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Ban đầu, chúng tôi gặp khó khăn trong quản lý nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã tổ chức thống nhất bàn bạc, soạn thảo ra các quy chế giám sát cộng đồng. Quy định này được cả tổ đồng tình hưởng ứng và nghiêm túc chấp hành. Cho đến nay, các thành viên trong tổ đều thực hiện trồng chè đúng kỹ thuật, các công đoạn chế biến, bảo quản, tiêu thụ đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP”.

 

Thấy rõ lợi ích trong sản xuất và tiêu thụ, người nông dân đã thay đổi được tư duy trong cách trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè. Ông Hoàng Văn Nhẫn, tổ viên Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn cho biết: Gia đình trồng chè từ đời ông nội tôi, đến nay đã được gần 60 năm. Trước kia, gia đình tôi chăm sóc chè theo kinh nghiệm ông cha truyền lại. Khi tham gia mô hình VietGAP, gia đình tôi được mời tham gia ở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật ở huyện, gặp vấn đề khó thì có cán bộ nông nghiệp về tận nơi hướng dẫn. Ban đầu, tôi thấy phức tạp, nhiều khâu như xử lý phân trước khi bón, phương pháp tưới nước… cầu kỳ không cần thiết. Nhưng sau vài lứa chè, tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất và chất lượng chè đều tăng lên, tiết kiệm phân bón, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật hơn. Như năm vừa qua, gia đình tôi trồng 0,7ha chè được hơn 1,5 tấn chè khô cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

 

Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả, mô hình chè VietGAP cũng có một số bất cập cần sớm giải quyết như: Thị trường tiêu thụ còn hẹp, nhiều người tiêu dùng chưa biết đến thương hiệu chè an toàn nên một số hộ chưa bán được chè với giá cao hơn chè truyền thống; vẫn còn một số người dân quên không ghi sổ nông hộ ngay nên nhiều thông tin trong sổ chỉ mang tính tương đối.

 

Nói về mô hình chè VietGap, ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các mô hình chè VietGAP và chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, tư vấn kỹ thuật và giải đáp thắc mắc cho nhân dân. Huyện cũng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và khắc phục những tồn tại trong mô hình chè VietGAP. Trong năm nay, Đại Từ đang tiếp tục thí điểm nhân rộng mô hình chè an toàn tại 2 xã Phú Xuyên và La Bằng. Huyện phấn đấu đến cuối năm, sẽ có hơn 100ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.