Tận dụng cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra

15:32, 25/02/2013

Nhiều doanh nghiệp lớn và chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, năm 2013 là thời điểm khó khăn cho cá tra nhưng cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu.

Có thể thấy, sự tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm của ngành cá tra vừa là thành quả nhưng cũng là nguyên nhân khó khăn hiện nay. Tính đến nay, công suất chế biến là 2,5 triệu tấn, trong khi sản lượng cá nguyên liệu hằng năm chỉ đạt 1,2 triệu tấn. Sản xuất phát triển quá nhanh trong khi năng lực nuôi trồng và mở rộng thị trường không theo kịp là nguy cơ dẫn đến "đổ vỡ" dây chuyền.

 

 

Dự báo xuất khẩu cá tra quý I/2013 chỉ đạt khoảng 230 - 250 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ và hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Mexico… đều giảm.

 

Theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá nuôi quý I/2013 có thể chỉ đạt khoảng 100.000-150.000 tấn, giảm 30-50% so với cùng kỳ do giá cá tra ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi có xu hướng "treo ao".

 

Doanh nghiệp thua lỗ, ép giá người nuôi. Người nuôi thua lỗ, treo ao. Cả doanh nghiệp và người nuôi thua lỗ làm ngân hàng mất niềm tin, gây khó trong vay vốn. Thiếu vốn, đương nhiên cả sản xuất, chế biến, xuất khẩu bị đình trệ.

 

Theo số liệu mới nhất từ các cuộc khảo sát cho thấy, ĐBSCL có hơn 64 công ty chế biến, 72 công ty thương mại hoạt động liên quan đến chế biến xuất khẩu cá tra, song trong đó khoảng 20 công ty đang hoạt động cầm chừng hoặc thua lỗ. 

 

Vì thế, không ít chuyên gia và doanh nghiệp cùng cho rằng, trước các nguy cơ sụt giảm trên, ngành nên tái cấu trúc lại và năm 2013 là cơ hội để tái cấu trúc ngành. Một số biện pháp để tái cấu trúc ngành cũng đã được nêu lên.

 

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nguyên nhân của khó khăn ngành cá tra nằm ở hai mấu chốt. Thứ nhất, sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như chế biến. Thứ hai, sự thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng và quan hệ lỏng lẻo của quy trình sản xuất - chế biến và tiêu thụ.

 

Vì vậy, tái cơ cấu ngành cá tra trước hết cần thực hiện nghiêm quy hoạch cả về diện tích và sản lượng. Đồng thời cần xác định rõ là lấy hiệu quả kinh tế đạt được là chính chứ không phải lấy số chỉ tiêu "sản lượng năm sau cao hơn năm trước". Không thể cứ mãi tăng về lượng mà cần chú trọng đến giá trị gia tăng. Hiện nay đa phần lượng cá tra là xuất khẩu thô. Chỉ có tỷ lệ rất thấp sản phẩm qua chế biến đạt giá trị gia tăng cao. Như vậy, dù xuất khẩu có tăng lượng bao nhiêu thì chất cũng không cải thiện được.

 

Những cơ hội cần tận dụng

 

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm vẫn có nhiều tín hiệu khả quan cho ngành. Năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) không khuyến khích ngành cá tra tăng sản lượng mà sẽ điều tiết sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

 

Bộ NN & PTNT cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần tập trung nâng cao giá trị để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, phát triển bền vững, khuyến khích doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn với các hộ nuôi nhiều.

 

Để đạt các tiêu chí nhập khẩu của các thị trường khó tính, việc đạt các chứng nhận quốc tế cho cá tra cần được mở rộng. Tín hiệu vui cho việc này là tại vùng ĐBSCL đã có 13 trại nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC. VASEP cho biết, mới đây nhất đã có thêm nhiều công ty đạt chứng nhận này.

 

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, các ngân hàng cũng tích cực vào cuộc cho vay nuôi và chế biến cá tra. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, dư nợ cho vay cá tra đã đạt hơn 5.300 tỷ đồng, chiếm 89% tổng dư nợ cho vay thủy sản. Các ngân hàng tại địa phương Đồng Tháp vẫn đang tiếp tục cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đủ điều kiện được vay vốn để phát triển.