Người lao động trở lại công việc, mang theo khí thế và quyết tâm cùng chủ doanh nghiệp (DN) hướng đến một năm sản xuất, kinh doanh thắng lợi. Sự biến động về nhân lực do một bộ phận lao động tự ý bỏ việc không đáng kể và ít hơn so với các năm… Đó là những điều chúng tôi ghi nhận được tại Khu công nghiệp Sông Công I (thị xã Sông Công) ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý tỵ 2013.
Lâu nay, tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán luôn làm “đau đầu” các nhà quản lý, sử dụng lao động tại nhiều khu công nghiệp (KCN) và thành phố lớn. Những đơn vị sử dụng nhiều lao động phổ thông thường đối mặt với sự biến động về nhân lực, bởi không ít người lao động có tư tưởng coi đó là những công việc tạm thời, hoặc do bản thân không đáp ứng được yêu cầu (vì thông thường họ chưa được đào tạo chuyên môn), tác phong công nghiệp còn hạn chế… Đó là lý do mà các đơn vị này phải tăng cường tuyển dụng sau mỗi dịp Tết và không hiếm trường hợp phải co hẹp, thậm chí ngưng sản xuất do không tuyển đủ lao động. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: “Tuyển dụng lao động là hoạt động thường xuyên của Công ty và càng trở thành vấn đề quan trọng sau mỗi dịp Tết Nguyên đán…”
Tuy nhiên, sự biến động về nhân sự của TNG (đặc biệt là tại Nhà máy May TNG Sông Công đơn vị hiện đang sử dụng trên 3.300 lao động) qua mỗi dịp Tết ngày càng ít. Ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), các chi nhánh, nhà máy của Công ty đồng loạt ra quân với lực lượng lao động gần 8.000 người, theo thống kê chi tiết thì số lao động vắng mặt không lý do chỉ là 1,3%, trong khi cùng kỳ là trên 3% (những năm trước thường cao hơn, có khi đến 15%). Cũng theo ông Nguyễn Văn Thời thì chế độ phúc lợi đối với người lao động ngày càng được Công ty quan tâm, đảm bảo, cùng với việc duy trì chế độ khen thưởng, động viên kịp thời. Được biết, ngay ngày làm việc đầu tiên, Công đoàn Công ty đã cử đại diện liên lạc hoặc đến tận nhà những lao động tự ý nghỉ việc nhằm tìm hiểu thông tin và động viên họ.
Trong không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp tại các dây chuyền cắt, may và các phân xưởng chuyên môn của Nhà máy May TNG Sông Công những ngày đầu xuân mới, chúng tôi có dịp trao đổi với một số công nhân đang làm việc. Anh Trịnh Huy Phương (27 tuổi) ở xã Điềm Thụy, Phú Bình đã làm việc tại Phân xưởng bông 4 năm, phấn khởi: “Công việc ổn định, thu nhập trung bình 4 triệu đồng mỗi tháng và mọi chế độ được đảm bảo khiến em gắn bó với TNG và cùng phấn đấu cho sự phát triển của Công ty, bởi trong đó có quyền lợi của chính mình”. Được biết Phân xưởng bông của Nhà máy có 30 công nhân thì 100% có mặt trong ngày ra quân đầu xuân. Cũng với suy nghĩ như vậy, 2 vợ cồng anh Nguyễn Minh Cảnh và chị Trần Thị Lanh (xã Tân Phú, Phổ Yên) đã yên tâm làm việc tại Nhà máy liên tục nhiều năm nay, anh chị được Công ty tạo điều kiện cho thuê nhà ở tại chỗ…
Tìm hiểu thực tế tại một số DN sản xuất công nghiệp nặng (chủ yếu là sắt thép) trong KCN Sông Công, chúng tôi cũng được chứng kiến hàng trăm lao động đang hăng say làm việc với khí thế phấn chấn trong những ngày đầu xuân. Anh Đỗ Ngọc Quang (xã Đồng Tiến, Phổ Yên) là công nhân kỹ thuật điện cơ của Công ty TNHH Hương Đông cho biết: “Thu nhập hiện tại của tôi là 5 triệu đồng/tháng, Công ty luôn đảm bảo lương và các chế độ cho chúng tôi, mặc dù năm 2012 việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó càng làm tôi tin tưởng và yên tâm phấn đấu, góp phần đưa Công ty ngày càng phát triển..”. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty thì cùng với những giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn ưu tiên đảm bảo việc làm, thu nhập và mọi chế độ theo quy định cho người lao động. Đó là lý do quan trọng khiến ngày ra quân sản xuất đầu xuân (mùng 6 Tết), toàn bộ trên 130 lao động của Công ty có mặt tại công trường bắt tay thực hiện nhiệm vụ (cùng kỳ những năm trước, không hiếm trường hợp người lao động của Công ty tự ý vắng mặt, hoặc bỏ việc sau dịp nghỉ Tết).
Theo thống kê thì các đơn vị sản xuất kinh doanh tại KCN Sông Công I đang sử dụng trên 5.300 lao động, giảm không đáng kể so với giữa năm 2012 (giảm trên 100 lao động). Ông Lê Văn Khôi, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, tình hình lao động tại KCN Sông Công I vài năm trở lại đây thường ít có sự biến động, kể cả sau dịp nghỉ Tết. Bởi đa số các đơn vị đã đi vào sản xuất ổn định, tuy đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng các DN vẫn duy trì hoạt động tương đối tốt, đồng thời quan tâm chăm lo đến quyền lợi cho người lao động, tác phong công nghiệp của người lao động cũng được cải thiện nhiều so với trước. Đó là những lý do chính khiến họ gắn bó với DN, có trách nhiệm hơn với sự tồn tại và phát triển của DN nơi họ đang làm việc…