Có thể đánh giá chung như vậy về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong Khối doanh nghiệp tỉnh năm qua. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều đơn vị đã tìm ra giải pháp, hướng đi để đứng vững trong “cơn bão” suy thoái.
Bức tranh có gam màu tối
Nhìn vào bức tranh tăng trưởng của các DN năm 2012, gam màu tối chiếm phần lớn. Trong số 64 DN của Khối, có gần 31% không hoàn thành kế hoạch năm. Trong số này cá biệt có đơn vị hoàn thành dưới 60% như: Công ty Lâm nghiệp (52%), Công ty Cổ phần Vật liệu và xây dựng Tân Long (59%), Công ty CP Dược và vật tư y tế (58%)… Toàn Khối có gần 45% đơn vị sản xuất, kinh doanh không có lãi, trong đó có 3 đơn vị lợi nhuận “âm” là: Công ty CP Phát triển thương mại: lỗ 1,8 tỷ đồng; Công ty CP Lương thực lỗ 4 tỷ đồng; Công ty CP Kim khí Bắc Thái: lỗ 2,4 tỷ đồng. Toàn Khối còn 5,78% số người lao động chưa có đủ việc làm. Điển hình như Công ty CP Cơ điện Luyện kim chỉ có 600/820 người có việc làm thường xuyên; CT Lâm nghiệp: 39/65 người; CTCP Xây dựng và phát triển nông thôn: 21/48 người… Trong số 42 DN hoạt động theo mô hình Công ty CP, có 19 DN không có cổ tức, nhiều đơn vị cổ tức rất thấp như Công ty Du lịch thương mại: 1,87%, Công ty CP Thủy điện Hồ Núi Cốc: 0,2%.
Nguyên nhân của tình hình trên, theo đánh giá của ông Hoàng Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thì chủ yếu là do những yếu kém nội tại của các DN như lúng túng trong xác định chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, việc chỉ đạo, điều hành DN chưa thực sự quyết liệt, năng lực tài chính hạn chế, giá thành, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao…
Nhưng vẫn lấp lánh điểm sáng
Nhìn ở góc độ khác, các DN trong Khối đã có nhiều cố gắng. Đó là việc 100% số DN thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, đạt hơn 561 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch. Trong đó nhiều đơn vị hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nộp ngân sách, như: Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG vượt 68%, Công ty CP Giấy xuất khẩu vượt 87%; Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Việt Bắc vượt 41%; Công ty CP Bê tông và Xây dựng vượt 92%...
Đã có DN tăng trưởng bền vững như Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ. Năm qua, đơn vị này đạt doanh thu 226 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 9,4 tỷ đồng, lãi 5,775 tỷ đồng, 267 lao động có việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi đã thật sự trăn trở tìm hướng đi mới. Ngoài sản phẩm truyền thống là giấy bao gói xi măng vẫn được đơn vị duy trì, không để tồn kho, chúng tôi đã đầu tư 19 tỷ đồng vào dây chuyền làm bìa cát-tông, đổi mới công nghệ, khép kín quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định DN đang tăng trưởng bền vững, có nhiều hứa hẹn trong năm 2013.
Công ty CP Xuất nhập khẩu lại “chèo lái” con thuyền kinh doanh vượt qua “sóng gió” bằng giải pháp tăng vốn điều lệ. Sau đợt phát hành cổ phiếu thắng lợi, số vốn điều lệ của đơn vị tăng lên 32,4 tỷ đồng. Đủ vốn kinh doanh, chỉ trong quý IV năm 2012, doanh số của đơn vị đã bứt phá, tăng 2 lần so với 9 tháng đầu năm. Kết thúc năm 2012, tổng doanh thu đạt 256 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch, nộp ngân sách 4,2 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011, đơn vị ra khỏi danh sách thua lỗ, “được” các ngân hàng quan tâm đặc biệt.
Không chỉ chú trọng đẩy mạnh sản xuất, nộp ngân sách Nhà nước, nhiều đơn vị còn quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động và các hoạt động xã hội khác như Công ty TNHH Than Khánh Hòa: Đơn vị đã trồng 20 nghìn cây xanh trong khu vực mỏ nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động; đóng góp các quỹ xã hội 533 triệu đồng, tham gia xây dựng nông thôn mới 18 tỷ đồng bằng công trình cấp nước sạch cho nhân dân làng Ngò (An Khánh, Đại Từ), làm đường bê tông từ Quốc lộ 3 vào mỏ…
Những DN vượt qua khó khăn để đứng vững và phát triển đã khẳng định quan điểm của nhiều người “đứng mũi chịu sào” làm kinh doanh trong thời điểm khó khăn này: “Cứ đi sẽ đến, đừng ngồi hay nằm xuống là chết”.