Thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế chống phá giá rất cao đối với các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam khiến cả doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra đứng ngồi không yên.
Theo quyết định vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng trung bình gấp nhiều lần so với mức thuế suất trung bình của đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 7.
Cụ thể mức thuế phổ biến của các doanh nghiệp tự nguyện là 0,77 USD/tấn, các doanh nghiệp bắt buộc gồm Vĩnh Hoàn là 0,19 USD/tấn, Angifish là 1,34 USD/tấn, và các doanh nghiệp khác là 2,11 USD/tấn.
Theo ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần đầu tư Thương mại thủy sản: “Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ quan ngại nhất là vấn đề thuế, thuế chống bán phá giá. Điều này làm cho doanh nghiệp không yên tâm sản xuất, không biết được ngày mai như thế nào, phần chi phí đó không được xác định trước”.
Mức thuế mới sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết, mức thuế mới sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với các doanh nghiệp. Riêng 14 doanh nghiệp đang xuất khẩu cá tra số lượng lớn sang Mỹ, mỗi doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền thuế đến vài triệu USD. Hiệp hội đã có có ý kiến phản đối Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Việc Bộ Thương mại Mỹ đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá tăng cao một cách vô lý, trên 100% đối với cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định: “Kết quả xem xét của Bộ Thương mại Mỹ trong việc ra phán quyết chống bán phá giá sản phẩm cá tra Việt Nam là hết sức vô lý. Cách đây 6 tháng Bộ Thương mại Mỹ trong quyết định sơ bộ của mình đã công nhận Việt Nam không bán phá giá, và lựa chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính mức áp thuế. Việc Bộ Thương mại Mỹ đột ngột chọn Indonesia thay thế Bangladesh trong khi các số liệu ngành nuôi cá tra của Indonesia không có điểm tương thích với điều kiện nuôi cá tra và xuất khẩu cá tra để áp thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam khiến kết quả áp thuế rất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu được với mức áp thuế này”.
Ông Trương Đình Hòe cũng cho biết, Hiệp hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong danh sách chịu thuế nhanh chóng cùng luật sư kiểm tra lại thông tin để chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.
Đây là lần thứ 7 trong 8 năm liên tiếp cá tra, cá ba sa Việt Nam bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá.
Cá tra Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường gần 135 quốc gia trên thế giới, năm 2013 dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 2 tỷ USD chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn thứ 2 của Việt nam sau Liên minh châu Âu.