Dệt may - Từ truyền thống đến hiện đại

08:32, 15/03/2013

Tại  Hội thảo Quốc tế nghề Dệt truyền thống các nước ASEAN lần thứ IV với 2 chủ đề “Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ” và “Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng” có nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề dệt truyền thống. Thái Nguyên Điện tử lược ghi những một số ý kiến tham luận giới thiệu cùng bạn đọc.

Phát huy các giá trị truyền thống của nghề dệt may

 

PGS,TS Lê Ngọc Thắng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich: Tiếp cận và nhận diện nghề Dệt may truyền thống và nghề Dệt may hiện nay là một vấn đề cơ bản trên cả bình diện kinh tế và văn hóa; truyền thống và hiện đại…liên quan đến tầm văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia thời mở cửa, hội nhập.

 

Trong xã hội hiện đại, nghề Dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác (công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp…) với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật…dệt, may. Song dù thế nào chăng nữa thì tính sáng tạo của nghề Dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh “tiền công nghiệp” ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai. Những sự phủ định các giá trị truyền thống của nghề Dệt may sẽ tạo ra sự phát trriển không đúng hướng, “méo mó” trong tư duy và lối sống của một “xã hội tiêu dùng” mà hàm lượng văn hóa và giá trị nhân bản thấp…

 

Sáng tạo và đổi mới trong kỹ thuật dệt

 

 

Imam Budijono, S. Teks (Đại diện Công ty Tenum Imam INDONESIA): Những năm gần đây, Công ty Tenum Imam đã có sự sáng tạo và đổi mới trong kỹ thuật dệt. Công ty nhận được sự  đánh giá cao của khách hàng và nhận giải thưởng quan trọng trong sự kiện “Vải lụa Đông Nam Á và Cuộc thi thiết kế thời trang” (ASEAN Silk Fabric and Fashion Design Competition) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào năm 2009 và 2010.  Hiện nay, Công ty Tenun Imam đang phát triển những kỹ thuật dệt sau: kỹ thuật dệt tạo lỗ; kỹ thuật dệt giả lông thú; kỹ thuật thêu dệt; kỹ thuật dệt sợi dọc Lurik; kỹ thuật dệt cekcek... Trong những kỹ thuật đã được đề cập trên đây, kỹ thuật dệt cekcek đòi hỏi thợ dệt phải có tay nghề cao để những chấm dệt thẳng hàng trên bề mặt vải, vì vị trí những chấm này không thể tính trước được chỉ có phụ thuộc vào đôi mắt tinh tường và kỹ thuật của người dệt mà thôi.

 

Trong quá trình làm phong phú thêm di sản dệt may của người Indonesia thì việc gìn giữ và phát huy được những đặc tính nổi bật của nghề dệt truyền thống là điều rất quan trọng. Họa tiết bản địa của các vùng miền cần phải được bảo vệ và duy trì bởi những các họa tiết này đều thể hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng, phong tục sinh hoạt truyền thống hay một ý nghĩa triết lý sâu sắc...

 

Hướng tới đa dạng hóa, tăng giá trị sản phẩm

 

Barooah Neera - Đại học Mumbai, Ấn Độ: Ấn Độ có một truyền thống rất phong phú và thừa hưởng di sản quý báu về nghề dệt, đặc biệt lịch sử của nghề dệt Ấn Độ khởi nguồn từ khoảng thiên niên kỷ thứ 5 và thứ 4 trước Công nguyên trong thời kỳ nền văn minh sông Ấn. Di sản phong phú của nghề dệt vẫn được người dân bản địa lưu truyền cho đến nay, mặc dù tầm ảnh hưởng đã không nhiều như trước.

 

Tuy nhiên, do tính thương mại hóa của dịch vụ du lịch, sợi quay thủ công đã gần như biến mất khỏi thị trường. Sự cạnh tranh gay gắt từ nhà máy sản phẩm nhập khẩu giá rẻ là mối đe dọa cho sự sống còn của nghề Dệt truyền thống này, dẫn đến sự suy giảm trong sản xuất cũng như sử dụng các mẫu thiết kế và họa tiết truyền thống.

 

Theo chúng tôi, để  nghề Dệt bản địa của Ấn Độ và các nước trên thế giới phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung hướng tới xu hướng đương đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ và thân thiện với môi trường nhằm giúp nâng cao doanh thu và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đây là việc làm hữu hiệu nhất để chống lại các mối đe dọa, đồng thời thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghề Dệt.

 

Cần bảo tồn nghề Dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm Ninh Thuận

 

ThS. Nguyễn Thị Hảo - Phan Mạnh Dương: Những năm gần đây, cùng với phát triển của công nghệ dệt hiện đại, cộng với nền kinh tế mở rộng đã góp phần vào xu hướng thống nhất về cách ăn mặc, nhưng đồng thời cũng làm thu hẹp dần chất liệu, mẫu mã cũng như hình thức của các loại vải truyền thống. Đây là mối lo lắng của các cụ già người Chăm, họ lo con cháu người Chăm sau này không còn biết đến sản phẩm dệt truyền thống của dân tộc mình, lo cho văn hóa người Chăm dần bị mai một.

 

Chính vì vậy, muốn bảo tồn nghề Dệt truyền thống Chăm, theo chúng tôi cần có những giải pháp sau: Tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, khơi dậy ý thức của cộng đồng, bảo tồn có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa Chăm; Nhà nước cần có chính sách đầu tư kinh phí cho các chuyên gia, các nhà khoa học để họ có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, góp phần phát huy nghề Dệt truyền thống; việc đầu tư, quảng bá thương hiệu cũng rất cần thiết, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ đắc lực từ phía các cơ quan chức năng nhằm góp phần phát huy nghề Dệt truyền thống người Chăm…            


 

Phát huy nghề thêu, nghệ thuật thêu Việt Nam

 

Th.s Lê Thị Tuyết: Qua khảo sát làng nghề và người tiêu dùng cho thấy hiện nay nghề Thêu truyền thống vẫn được lưu giữ trong một số làng nghề. Làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) - một làng nổi tiếng là sớm nhất trong lịch sử nghề Thêu Việt Nam còn một số nghệ nhân giữ được nghề Thêu tay của tiền nhân. Có thể chỉ ra một số điển hình như: Bà Hoàng Thị Khương, ông Hoàng Viết Chỉnh… họ vẫn giữ được nghề và sống được bằng nghề. Cá biệt, có người đã làm giàu được bằng nghề, đó là trường hợp ông Bùi Trần Dùng một trong những doanh nghiệp đã góp phần quan trọng giữ gìn và phát triển nghề Thêu truyền thống của làng.

 

Để gìn giữ và phát triển nghề Thêu cổ truyền, tăng thêm nguồn thu nhập cho  một bộ phận dân cư đã và đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người chuyên gia và nhà nghiên cứu. Với trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, chúng ta cần phải có những giải pháp để hỗ trợ nghệ nhân duy trì và phát triển nghề Thêu tay truyền thống mà cụ thể là đưa ra những đề án sản xuất phát huy được sức sáng tạo của mọi lứa tuổi nhằm trau dồi tình cảm, thẩm mỹ, nhân cách của con người và thông qua đó phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân làm nghề.

 

Sản phẩm Dèng - điểm nhấn văn hóa của người Tà Ôi

 

Nguyễn Phước Bảo Đàn, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế: Tà Ôi là tộc người chủ thể của khu vực núi rừng A Lưới, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa bàn cư trú của họ tạo thành một khu đệm chen lẫn vào giữa khối Tà Ôi Lào ở phía Tây và người Việt (Kinh) ở phía đông. Trong quá khứ, người Tà Ôi sống trong thời kỳ kinh tế tự nhiên - tước đoạt (kinh tế nguyên thuỷ), và lưu dấu của loại hình kinh tế này vẫn còn rơi rớt cho đến hiện nay trong mọi mặt của đời sống văn hoá, kinh tế, lẫn tín ngưỡng của cộng đồng tộc người.

 

Sau thời gian nghiên cứu, khảo sát trên địa bàn cư trú của người Tà Ôi, có thể khẳng định hệ giá trị bất biến của sản phẩm dệt Dèng truyền thống. Việc phát triển tấm Dèng thành một dạng sản phẩm du lịch đặc thù, một điểm nhấn trên những quầy hàng lưu niệm ở Huế và khu vực miền Trung là một việc làm đáng được quan tâm. Vì vậy, nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển văn hoá của người Tà Ôi, trong đó nòng cốt là các sản phẩm dệt của họ chính là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của người Tà Ôi trong giai đoạn hiện nay

 

Bảo tồn nghề dệt và trang phục cổ truyền của dân tộc Cơ Tu

 

Nguyễn Văn Sơn, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: Nghề Dệt thổ cẩm hiện còn lưu truyền tại hầu hết các làng đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, nhưng tập trung nhiều nhất ở các địa phương như: Xã Tà Bhing, La Dêê (huyện Nam Giang); xã Tà Lu (huyện Đông Giang); xã A Tiêng, Bha Lêê (huyện Tây Giang)... Tại đây, du khách sẽ rất thích thú khi được những người phụ nữ Cơ Tu ân cần chỉ dẫn từng động tác dệt thổ cẩm với những khung dệt đơn giản làm từ các thanh gỗ, thanh tre, thanh nứa kết hợp lại.

 

Trong những năm gần đây, do cuộc sống dựa vào núi rừng với nền kinh tế vẫn còn mang nặng tính tự cung tự cấp, đặc biệt do nền kinh tế hàng hóa đang chi phối mạnh đến mọi mặt đời sống nên người Cơ Tu không có điều kiện để tiếp tục phát triển nghề Dệt thổ cẩm nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy nghề Dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, thiết nghĩ Nhà nước cần có chính sách bao tiêu, trợ giá sản phẩm thổ cẩm, đảm bảo ở mức đủ sống đối với các nghệ nhân chuyên nghiệp; cần đầu tư lâu dài, có trọng điểm cho một số địa phương có điều kiện bảo tồn nghề Dệt và chế tạo trang phục truyền thống…