Tổ chức tín dụng và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ các tổn thất.
Đây là một trong những nội dung của Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng và đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ thông qua.
TCTD và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN cho biết, mục tiêu của Đề án là xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD, thị trường tiền tệ.
Theo Đề án, về nguyên tắc, do nợ xấu hiện nay tăng lên mức khá lớn và là vấn đề kinh tế vĩ mô sinh ra từ nhiều nguyên nhân, do đó xử lý nợ xấu phải khẩn trương, quyết liệt, đồng thời phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, bằng nhiều biện pháp, đặt trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trước hết, TCTD và khách hàng vay phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu phát sinh và chia sẻ tổn thất trong việc xử lý nợ xấu. Nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thông qua ban hành các cơ chế, chính sách và tổ chức, quản lý có hiệu quả thị trường mua bán nợ. Giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Một trong những khó khăn chủ yếu trong việc xử lý nợ xấu mà ngành Ngân hàng gặp phải là việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD không có sự hỗ trợ tài chính trực tiếp của ngân sách nhà nước do ngân sách nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế, nợ công lớn và đang tăng nhanh trong khi nhu cầu chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội rất lớn.
Do đó, về nguồn vốn xử lý nợ xấu, quan điểm thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ và NHNN về xử lý nợ xấu của các TCTD là huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xử lý nợ xấu và hạn chế việc sử dụng vốn ngân sách cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Các giải pháp xử lý nợ xấu
Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đưa ra các giải pháp xử lý nợ xấu. Trong đó, giải pháp hàng đầu là, TCTD chủ động xử lý nợ xấu thông qua tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; tích cực đôn đốc, thu hồi nợ; xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển hệ thống quản trị rủi ro và các chiến lược kinh doanh, chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo và vấn đề lợi ích nhóm của TCTD.
Đề án cũng nêu rõ, khách hàng vay phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với TCTD xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; Các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước tích cực, chủ động đề xuất và triển khai phương án tái cơ cấu theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Chính phủ.
Đề án cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. NHNN điều hành linh hoạt, chặt chẽ, thận trọng chính sách tiền tệ và lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát, đồng thời bảo đảm an toàn thanh khoản của hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lý.
NHNN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng hợp lý. Hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tháo gỡ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các TCTD. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cơ cấu các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém, hoạt động kém hiệu quả.
Ngoài ra, Đề án còn chỉ rõ cần giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường bất động sản. Các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước;
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn và tổng công ty nhà nước; tăng cường hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường tiền tệ, quy hoạch và phát triển đô thị.
Cũng theo các giải pháp trong đề án, thành lập và đưa vào vận hành Công ty Quản lý tài sản Việt Nam. NHNN đang tích cực triển khai hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thành lập và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản, bao gồm cả việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (trong tháng 3/2013).