Hiệu quả của phương pháp gieo cấy bằng mạ khay

09:19, 04/03/2013

Nếu như trước đây, vào mùa vụ, những hộ làm nông nghiệp ở Đồng Hỷ phải tốn nhiều thời gian và “còng lưng” cấy lúa cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đúng khung thời vụ mỗi khi thời tiết diễn biến bất thường thì hơn 3 năm trở lại đây, việc áp dụng phương pháp gieo cấy bằng mạ khay đã khắc phục được những khó khăn trên của bà con.

Đi thăm những cánh đồng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ dịp nông dân ở các xã, thị trấn đang khẩn trương xuống đồng làm đất, cấy lúa cho vụ xuân năm nay, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là phần lớn bà con đã  biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu gieo cấy. Thay vì phải nhúng tay xuống ruộng để cấy lúa thì người nông dân chỉ cần cầm theo một chiếc khay gieo mạ và nhổ từng dảnh mạ trên khay ném xuống ruộng. Chị Diệp Minh Thuận, ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng đang thoăn thoắt ném mạ trên thửa ruộng nhà mình cho chúng tôi biết: Làm mạ khay thuận tiện hơn gieo mạ trên sân rất nhiều. Nếu gieo mạ trên sân mỗi sào tốn gần 3kg thóc giống thì gieo mạ khay chỉ mất khoảng 1,5kg. Đặc biệt, gieo mạ khay tỷ lệ thóc nảy mầm rất cao, năng suất lúa cũng tăng từ 5-10% so với cấy lúa theo phương pháp truyền thống bởi mạ khay nhanh bén rế và đẻ nhánh khỏe. Với 6 sào ruộng của gia đình, 3 năm trở lại đây, tôi đều cấy bằng phương pháp ném mạ, năng suất trung bình đạt trên 2 tạ/sào.

 

 

Anh Trần Văn Bảy đang vận chuyển mạ gần đấy cũng vui vẻ góp chuyện: Nhờ “anh” mạ khay này mà gia đình tôi đỡ tốn một khoản tiền thuê nhân công. 2 năm trước chưa áp dụng cấy mạ khay, cứ đến vụ cấy, gia đình tôi đều phải thuê người, mỗi công mất gần 200 nghìn đồng mà tiến độ vẫn rất chậm. Từ khi cấy bằng mạ khay, hơn chục sào ruộng của gia đình tôi chỉ làm trong 2 ngày là xong bởi nếu cấy theo kiểu truyền thống thì một người chỉ có thể cấy được 1 sào ruộng/ngày, còn cấy bằng mạ khay thì một người làm nhanh có thể cấy được 5 sào/ngày.

 

Qua trò chuyện với bà con chúng tôi được biết: Thông thường, mỗi sào ruộng cần đầu tư khoảng 50.000 đồng để mua khay gieo mạ bằng nhựa, nhưng khay này có thể sử dụng trong vòng 5-6 vụ sản xuất. Kỹ thuật làm mạ khay không quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý chọn bùn trước khi đổ vào khay, bùn phải có độ dẻo vừa phải, không được loãng quá hay đặc quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mạ. Thóc giống cần được ngâm 2 ngày và ủ 1 đêm, sau khi nảy mộng sẽ đem rắc vào khay sao cho thật đều tay và thưa hạt. Được khoảng một tuần, khi mạ lên 3 lá thì có thể mang ra ruộng ném. 

 

Vụ xuân năm nay, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch gieo cấy trên 2.400ha lúa. Tính đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện đã gieo cấy được trên 80% diện tích với các giống lúa lai mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: HT1, HT9, TBR 45; VL 20; Bio 404; Syn 6… Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: Cùng với sự thuận lợi của điều kiện thời tiết, việc áp dụng gieo cấy bằng phương pháp ném mạ cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo khung thời vụ. Nếu như gieo, cấy mạ theo cách cổ truyền tốn nhiều thời gian lại khiến mạ dễ bị chết khi gặp thời tiết rét đậm, khô hạn, khi nhổ mạ người dân phải giũ đất cho mạ nên gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và năng suất của cây lúa sau này thì gieo mạ khay vừa có sức chống chọi với những bất lợi của thời tiết, sâu bệnh vừa đảm bảo được chất lượng. Đến nay, khoảng 80% số hộ trên địa bàn huyện cấy bằng phương pháp ném mạ.

 

Có thể thấy, việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất không chỉ giúp bà con huyện Đồng Hỷ nâng cao thu nhập và giá trị nông sản mà còn tiết kiệm được thời gian, giải quyết hiệu quả khâu thiếu lao động làm nông nghiệp. Trong những ngày tới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ đồng loạt gieo cấy lúa xuân để phấn đấu hoàn thành công việc này trước ngày 15/3.