Hiệu quả kinh doanh kém do điều hành kinh tế?

10:35, 15/03/2013

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 vừa được công bố đã cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đánh giá rằng chất lượng điều hành kinh tế đã có sự sụt giảm mạnh, đặc biệt ở các địa phương trước đây có chất lượng điều hành tốt. Vậy chính sách điều hành kinh tế có phải là nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả kinh doanh?

Theo kết quả điều tra PCI, mối quan hệ giữa chất lượng điều hành kinh tế và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện khá chặt chẽ, dù rằng khó khẳng định rõ đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả.

 

 

Một mặt, chất lượng điều hành kinh tế giảm sút có thể tác động xấu đến hiệu quả kinh doanh, làm tăng chi phí giao dịch, khiến việc mở rộng kinh doanh rủi ro hơn và cuối cùng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng tình hình kinh tế khó khăn trong mấy năm vừa qua và kết quả kinh doanh giảm sút đã khiến cảm nhận của doanh nghiệp ảm đạm đi nhiều. Họ trở nên dễ hoài nghi hơn về các quyết định chính sách của chính quyền địa phương, dễ phàn nàn về chính sách đất đai và lao động, đồng thời kém kiên nhẫn hơn với các trở ngại do thủ tục hành chính.

 

Trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh chóng 2005 – 2008, các doanh nghiệp làm ăn khấm khá và có nhiều cơ hội kinh doanh, vì thế những doanh nghiệp tham gia điều tra PCI “dễ tính” hơn và sẵn sàng bỏ qua những điểm chưa hài lòng về điều hành chính sách. Còn hiện tại, khi các doanh nghiệp phải rất chật vật để tồn tại thì các quyết định tùy hứng của cơ quan công quyền khiến họ dễ bất bình hơn, sự nhẫn nại của họ với những trở ngại do chính sách cũng giảm sút đi nhiều.

 

Điều tra năm 2012 cho thấy quá trình cải cách đang chậm lại ở những chỉ số quan trọng như tính minh bạch, chi phí không chính thức và đào tạo. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được quảng bá rộng rãi nhằm làm tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng năm 2008 và phòng chống tham nhũng tiếp tục được coi là một giải pháp trọng tâm của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/2012, doanh nghiệp vẫn cảm thấy việc tiếp cận tài liệu kế hoạch của địa phương còn nhiều khó khăn và không công bằng. Ngoài ra, chi phí phi chính thức vẫn gây không ít trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp.

 

Cũng theo khảo sát, các khoản chi phí chính thức đã có những thay đổi. Các khoản “lót tay” trong đăng ký kinh doanh, hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất và giá trị. Năm 2006, 70% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI cho biết chi phí không chính thức là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, chiếm tới 30% doanh thu của doanh nghiệp.  Năm chỉ 53% doanh nghiệp nhận định đây là chi phí phổ biến, và chỉ chiếm 6,4% doanh thu.

 

Mặt khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định, chính sách của chính phủ được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trục lợi và trả hoa hồng trong các hợp đồng với chính phủ vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối.

 

Không chỉ sụt giảm chất lượng điều hành chung, báo cáo PCI 2012 còn cho thấy xu hướng hội tụ điểm số trung bình. Các tỉnh vốn có chỉ số năng lực cạnh tranh cao giảm điểm, trong khi các tỉnh thuộc nhóm thấp tăng điểm, thể hiện sự lúng túng của các địa phương trong quá trình cải cách. Mặc dù nhiều địa phương đã tiếp tục có cải thiện ở những lĩnh vực dễ cải cách như giảm chi phí đăng ký kinh doanh, giảm số lần thanh kiểm tra, song những lĩnh vực quan trọng nhất của điều hành kinh tế như bảo vệ quyền tài sản, tham nhũng, tính năng động của chính quyền tỉnh chưa ghi nhận sự cải thiện.

 

Đặc biệt, điều tra cho thấy sự sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Tính năng động của chính quyền tỉnh và Thiết chế pháp lý. Năm nay các doanh nghiệp có cái nhìn bi quan hơn về những lĩnh vực trên so với thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.

 

Trên thực tế, hiệu quả kinh doanh kém có thể tác động đến cảm nhận của doanh nghiệp, khiến họ đánh giá chất lượng điều hành thấp hơn thực tế. Tâm lý tiêu cực từ kết quả kinh doanh kém cũng có thể là nguyên nhân khiến chỉ số PCI sụt giảm năm nay. Phân tích cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và cảm nhận về thái độ của chính quyền tỉnh. Các doanh nghiệp kinh doanh tốt sẽ đánh giá công tác điều hành tích cực hơn trong khi các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc giảm quy mô đều cho điểm chất lượng điều hành thấp. Xét cho cùng, đây thực sự là mối quan hệ “con gà và quả trứng”.

 

Trong một nghiên cứu của McCulloch và cộng sự (2013) cho thấy loại hình cải cách điều hành kinh tế duy nhất có thể kích thích đầu tư mới là tính minh bạch. Tăng hay giảm một đơn vị trong chỉ số 10 điểm minh bạch có thể dẫn đến mức tăng 6,5% đầu tư của doanh nghiệp. Việc tăng thêm một điểm là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của chính quyền tỉnh.

 

Điều này đã mở ra một tia sáng trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam đều rất ảm đạm. Đó là có những lĩnh vực cải cách có thể giúp tăng cường thu hút đầu tư và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang nằm ngay trong tầm tay của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh dư địa chính sách cho những cải cách “mềm” không còn nhiều.