Những năm qua, huyện Phú Bình đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân mở rộng diện tích thâm canh cây trồng vụ đông, đưa những giống cây trồng mới, năng suất cao vào sản xuất, đặc biệt là giống khoai tây. Mặc dù hiệu quả kinh tế của giống cây trồng này đã dần được khẳng định song việc mở rộng diện tích khoai tây vụ đông trên địa bàn huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Cây khoai tây được trồng trên đồng đất Phú Bình từ nhiều năm nay và đã từng bước khẳng định được ưu thế so với các loại cây trồng vụ đông khác bởi hiệu quả kinh tế vượt trội của nó. Tuy nhiên, hàng năm, diện tích trồng khoai tây của huyện vẫn đạt rất thấp. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đa dạng hóa cây trồng trong vụ đông của người nông dân, tháng 10/2012, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình sản xuất khoai tây vụ đông tại một số xã với giống Solara có ưu điểm khả năng chịu rét, kháng sâu bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao... Tham gia mô hình, người nông dân được hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá vật tư và được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Kết quả cho thấy, giống khoai tây Solara có thời gian sinh trưởng ngắn (80-85 ngày), thích nghi rộng và cho hiệu quả kinh tế cao. Năng suất trung bình đạt 5,5 tạ/sào. Với giá bán 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào khoai tây cho thu lãi khoảng 3,9 triệu đồng/vụ, tương đương với khoảng 110 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 lần so với trồng ngô, khoai lang…
Đánh giá về hiệu quả mô hình, bà Bùi Thị Hợp, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình cho biết: Mô hình trồng khoai tây vụ đông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của người nông dân về vai trò của sản xuất vụ đông trong cơ cấu mùa vụ ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm nên giá cả bếp bênh, nông dân vẫn chưa yên tâm sản xuất khiến việc mở rộng diện tích khoai tây vụ đông hằng năm của huyện gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Liên, xóm Xuân Minh, xã Tân Khánh cho biết: 2 sào khoai tây vụ đông vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1 tấn củ. Với giá bán 10 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi được lãi khoảng 8 triệu đồng. So với các loại cây trồng vụ đông khác thì cây khoai tây vượt trội hơn hẳn về hiệu quả kinh tế. Nhưng do chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm nên tôi vẫn phải mang ra chợ bán cả chục phiên mới hết. Giá như có doanh nghiệp nào đó đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm thì chúng tôi mới yên tâm mở rộng diện tích…
Hiện nay, sản phẩm khoai tây ở Phú Bình chủ yếu vẫn tiêu thụ tự do, giá bán bấp bênh. Việc doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn ít. Thực tế, đã có 1 số doanh nghiệp đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng lại không phát triển được. Điển hình là việc Công ty Sản xuất và Thương mại Quang Núi (địa chỉ ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Vụ đông năm 2011, Công ty này đã cung ứng hàng chục tấn giống khoai tây Atlantic trả chậm cho nông dân xã Xuân Phương, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá sàn là 3,5 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, cuối vụ, giá khoai tây trên thị trường tăng lên 6-7 nghìn đồng/kg, nhiều nông dân sau khi thu hoạch đã không bán sản phẩm cho công ty như đã cam kết mà đem bán ra ngoài thị trường để thu lãi lớn hơn. Trước tình trạng đó, UBND xã Xuân Phương đã phải vận động bà con không vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ hợp đồng, làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương. Tuy nhiên, sau đó, Công ty cũng chỉ thu mua được một lượng rất ít. Đây cũng chính là lý do khiến không ít công ty, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân vì sợ bị phá vỡ hợp đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Bên cạnh những khó khăn về thị trường tiêu thụ, hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn chưa có kho lạnh để bảo quản giống khoai tây nên người nông dân phải mua giống với giá khá cao (trên 20 nghìn đồng/kg). Với giá giống như vậy cộng với chi phí vật tư, phân bón, làm đất..., để trồng 1 sào khoai tây đến khi được thu hoạch, nông dân phải đầu tư khoảng 1,5- 1,7 triệu đồng (cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng vụ đông khác như: ngô, khoai lang…) điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mở rộng diện tích khoai tây vụ đông trên địa bàn huyện. Chi phí đầu tư cao nên người nông dân còn tâm lý trông chờ, ỷ nại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế cho thấy, vụ đông nào có chính sách hỗ trợ thì diện tích khoai tây sẽ mở rộng, ngược lại không có chính sách hỗ trợ thì diện tích giảm…
Trước những khó khăn trên, để đưa cây khoai tây trở thành giống cây trồng mũi nhọn trong sản xuất vụ đông, huyện Phú Bình cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả kinh tế cũng như ưu thế vượt trội của cây khoai tây so với các loại cây trồng vụ đông truyền thống khác. Từ đó, khuyến khích người dân mạnh dạn đưa cây khoai tây vào sản xuất đại trà, dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền các xã, thị trấn cũng cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Mặt khác, để các doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì người nông dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc giữ chữ “tín” sau khi ký kết hợp đồng.