Phát triển thương mại: Cái khó còn “bó” cái khôn

15:12, 01/03/2013

Theo Chương trình phát triển thương mại của tỉnh giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến năm 2015, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ thị trường xã hội đạt 29 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân cả giai đoạn là 25%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 230 triệu USD, tăng bình quân cả giai đoạn là 25%. Song, qua 2 năm thực hiện, các chỉ tiêu trên đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Một số chỉ tiêu phát triển thương mại năm 2013:

+ Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ thị trường xã hội đạt 18.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2012.

+ Kim ngạch xuất khẩu đạt 186 triệu USD, tăng 36,2% so với năm 2012.

+ Tổng kim ngạch nhập khẩu đến đạt 365 triệu USD, tăng 14% so với năm 2012.

 

 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên: “Tỉnh cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để các DNTM có cơ sở đầu tư hợp lý, có hiệu quả cao”.

 

 

Nhìn lại hoạt động của các doanh nghiệp thương mại

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 959 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng, tăng 9,23% so với năm 2011. Nhìn chung, các doanh nghiệp thương mại (DNTM) trong hai năm qua liên tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: chi phí đầu vào tăng; sức mua giảm; hàng tồn kho lớn; lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao nên đã gây không ít khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp… Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngành Công thương và các ngành liên quan đã có những động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giữ cho hoạt động thương mại - dịch vụ ổn định và phát triển như: thực hiện chính sách giãn, giảm thuế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường... Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử. Xây dựng hệ thống kết nối giao lưu trực tuyến nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và quảng bá tiềm năng của tỉnh. Tổ chức cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có hoạt động xuất nhập khẩu. Thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Về phía các doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng tìm kiếm thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

 

 Với sự nỗ lực từ nhiều phía nên hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và mở rộng, song so với chỉ tiêu đề ra còn đạt thấp: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thị trường xã hội năm 2012 đạt 13.805 tỷ đồng, tăng 18,9% (so với năm 2011), tăng bình quân cả giai đoạn 2011-2015 là 21,9%, so với mục tiêu đề ra đến năm 2015, thấp hơn 3,1%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm 3,97% so với năm 2011. Kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 siêu thị, tăng 21,4% so với năm 2011, tăng bình quân 30,4%/năm. Tuy nhiên, doanh thu từ các siêu thị còn thấp, bình quân đạt 300 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 2,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Ngoài ra, theo thống kế sơ bộ còn có khoảng 54 cửa hàng tự chọn, chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công. Trong 2 năm đã có thêm 17 chợ được xây dựng mới và cải tạo, nâng tổng số chợ hiện có trên địa bàn tỉnh lên 137. Tuy nhiên, số lượng khách sạn lại giảm so với năm 2011 (giảm 26,9%); số lượng khách phục vụ trong năm 2012 là 800 nghìn lượt người, tăng bình quân 23,3%.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Từ tìm hiểu hoạt động ở Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Thái Nguyên, được biết: Công ty có mạng lưới hoạt động rộng, từ thành phố đến các huyện, chủ yếu kinh doanh hàng công nghệ phẩm và mặt hàng xăng dầu (riêng mặt hàng xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 60 đến 65% tổng doanh thu). Ngay từ năm 2005, Công ty đã có định hướng đầu tư xây dựng khu văn phòng hiện tại (diện tích 2.500m2) để xây dựng trung tâm thương mại hiện đại; ở các huyện sẽ lựa chọn một số vị trí thuận tiện xây dựng siêu thị nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cổ đông chủ yếu là người lao động đã bao nhiêu năm gắn bó với Công ty từ thời bao cấp, thu nhập thấp nên không có điều kiện góp vốn. Những năm gần đây lại suy thoái kinh tế, sức mua giảm, vốn vay ngân hàng lãi suất cao; Công ty làm ăn thua lỗ (chủ yếu lại lỗ từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu nên Công ty cũng chỉ tập trung đầu tư những hạng mục có hiệu quả ngay; những nơi cơ sở vật chất quá xuống cấp. Vì vậy, dự kiến của Công ty bao năm nay vẫn chỉ là dự kiến. Với sức mua như hiện nay, Công ty cũng xác định kinh doanh “co cụm” để duy trì sự ổn định của doanh nghiệp.

 

Đối với Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Thái Nguyên, đang thực hiện kinh doanh nhà nghỉ, các mặt hàng công nghệ thực phẩm và sản xuất muối. Những năm qua, Công ty cũng cố gắng duy trì hoạt động để đảm bảo thu nhập cho gần 80 lao động. Công ty cũng đang rất khó khăn về vốn, trong khi hai năm qua, do tình hình khó khăn chung, sức mua giảm nên kinh doanh không có lãi. Công ty cũng mong muốn có vốn để đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung vốn kinh doanh, nhưng vay vốn ngân hàng thì lãi suất cao, tài sản cũng không đủ để thế chấp. Vì vậy, Công ty đành chấp nhận làm ăn nhỏ để “nuôi nhau”. Cho đến bây giờ, Công ty cũng chưa biết làm thế nào để “bứt phá” lên được. Đây không phải là tình trạng của riêng 2 đơn vị trên mà qua trao đổi với một số giám đốc doanh nghiệp kinh doanh thương mại, họ đều có chung khó khăn là về vốn. Do không có vốn nên mọi định hướng, phướng án chỉ nằm trên giấy và hoạt động theo kiểu: “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” nhằm vượt qua khó khăn, giữ được doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động với mức lương đủ sống đã là hạnh phúc. Đây cũng là lý do cơ bản khiến một số DNTM Nhà nước có vị trí đắc địa ngay trong lòng thành phố như hai đơn vị nêu trên và Công ty cổ phần Thương nghiệp I, cơ sở vật chất cũ nát không thể có vốn để đầu tư khang trang. Có đơn vị như Công ty cổ phần Thương nghiệp I và Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Thái Nguyên đã chuyển giao cho một doanh nghiệp tư nhân từ gần 5 năm nay nhưng bộ mặt không hề thay đổi. Cả tỉnh chưa có khách sạn nào được đầu tư đạt tiêu chuẩn đến 4 sao. Kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn lại càng khó có điều kiện đầu tư. Thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng do năng lực cạnh tranh hạn chế. Công tác quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch phát triển thương mại còn nhiều bất cập. Sức mua đã thấp do nền kinh tế khó khăn lại thêm “nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh”, làm cho cung vượt cầu là điều không tránh khỏi. Cơ chế kinh doanh mặt hàng chính sách (xăng dầu, muối) còn nhiều bất cập. Đây là bài toán khó mà nhiều DNTM đang lúng túng chưa biết xoay sở ra sao? 

 

Giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu về phát triển thương mại

 

Để hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển, bên cạnh tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (hỗ trợ về quảng bá, xúc tiến thương mại, thông tin...), mở rộng thị trường nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa; thúc đẩy xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng và cải tạo các chợ, nhất là tập trung đầu tư cho các chợ nông thôn để thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thì phải quan tâm đến công tác quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch. Ông Ngô Đình Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Tổng hợp Thái Nguyên cho rằng: “Doanh nghiệp phải tự mình cứu lấy mình trước. Sau đó cũng rất mong tỉnh tạo điều kiện cho các DNTM nhà nước được hưởng chính sách hỗ trợ vốn vay không lãi để có thêm vốn kinh doanh và đảm bảo bình ổn giá cả thị trường”. Tuy nhiên, tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư, cùng với doanh nghiệp xây dựng cơ sở vật chất thương mại ở những nơi có vị trí đắc địa để tạo mỹ quan đô thị cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm theo hướng hiện đại, tiện ích của nhân dân đô thị và các vùng trung tâm.