Sử dụng đất và những vấn đề đặt ra: Bài 1: Nhiều dự án sai phạm

09:56, 11/03/2013

“Sử dụng đất kém hiệu quả” là cụm từ chung để chỉ sự chậm trễ trong triển khai dự án đã thu hồi đất hoặc chưa sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, để đất lãng phí…, nhất là đối với những dự án có thu hồi đất nông nghiệp. Mặc dù không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng việc “sử dụng đất kém hiệu quả” vẫn luôn được xem là vấn đề nóng bỏng trên các diễn đàn cũng như trong dư luận xã hội hiện nay.

 

 

Trong 134 tổ chức có sai phạm về sử dụng đất đai trên địa bàn, ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành xử phạt hành chính 17 tổ chức với số tiền 127,4 triệu đồng; truy thu trên 4 tỷ đồng tiền thuê đất đối với 74 tổ chức; kiến nghị thu hồi 8,72ha đất của 20 tổ chức; yêu cầu bổ sung hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ thi công... đối với 20 tổ chức.

 


Những sai phạm được nói ở đây chính là việc chủ dự án chưa đưa đất vào sử dụng hoặc đưa đất vào sử dụng chậm so với tiến độ được duyệt; sử dụng đất sai mục đích; tự ý chuyển mục đích sử dụng; sử dụng đất không hiệu quả hoặc lấn chiếm, chuyển nhượng, cho thuê đất trái pháp luật và chưa đền bù giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói là từ năm 2008 đến hết năm 2012, số tổ chức sử dụng đất có những sai phạm ở tỉnh ta chiếm tới 84,81% so với tổng số tổ chức được giao đất, cho thuê đất.

 

 Kiểm tra là thấy sai phạm

 

Từ năm 2008 trở lại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường các cuộc thanh, kiểm tra đối với các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn. Kết quả, có tới 134 tổ chức sử dụng đất có sai phạm với diện tích trên 484ha. Tuy diện tích đất sai phạm chỉ chiếm 3,41% trong tổng diện tích đất được giao và cho thuê, nhưng có thể nói tỷ lệ các tổ chức sai phạm là rất lớn. Thực trạng trên cho thấy, hễ cứ kiểm tra (dù nhiều hay ít) đều phát hiện các sai phạm về đất đai. Qua các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, đối với hành vi chưa đưa đất vào sử dụng có 34,62ha vi phạm, chiếm 0,24% tổng diện tích đất được giao, cho thuê; sử dụng đất sai mục đích có 69,01ha, chiếm 0,47%; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất là 23,26ha; chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ dự án được duyệt có 18,93ha, chiếm 0,13%; sử dụng đất không hiệu quả có 5,10ha, chiếm 0,04%; các sai phạm khác (như lấn chiếm đất, nhận chuyển nhượng trái pháp luật...) có diện tích 333,42ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Anh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hầu hết các trường hợp sai phạm đều nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng theo các kết luận thanh tra, đồng thời nộp phạt đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện theo kết luận thanh tra vì lý do chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong, hoặc khó khăn về vốn đầu tư...

 

Những trường hợp “điển hình”

 

Dự án xây dựng bãi rác thải xã Minh Đức (Phổ Yên) được triển khai từ năm 2005 do Công ty TNHH Thương mại Hải Việt làm chủ đầu tư. Dự án được bố trí diện tích 9,2ha tại xóm Ba Quanh và xóm 2. Sau hơn 6 năm chủ đầu tư không triển khai thực hiện Dự án, đến năm 2011, UBND tỉnh đã chính thức rút Giấy phép đầu tư của Công ty TNHH Thương mại Hải Việt và giao cho Công ty TNHH Thành Đồng - LMĐ, nhưng rồi cho đến nay doanh nghiệp này cũng bỏ không Dự án. Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: Hiện tại, HTX môi trường Ba Hàng - Trung Thành vẫn đổ rác tràn lan mà không chôn lấp được, gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường xung quanh. Cả xã đang mong chờ Dự án sớm được triển khai, hoàn thiện, tránh bức xúc trong nhân dân.

 

Tháng 5/2007, Công ty TNHH Thân Hoa Thúy, có địa chỉ ở phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên), được tỉnh giao đất, cho thuê đất để thực hiện Dự án xây dựng khách sạn, nhà nghỉ với tổng diện tích 3.421m2. Năm 2010, qua thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện doanh nghiệp này chỉ sử dụng 220m2 đất đúng quy định pháp luật, diện tích còn lại bỏ trống. Do để chậm tiến độ thực hiện Dự án quá 24 tháng, Công ty bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2 triệu đồng. Tương tự trường hợp trên, năm 2007, Công ty TNHH Một thành viên Mai Vàng, có trụ sở tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), được tỉnh giao 6.940m2 đất để thực hiện Dự án xây nhà làm việc và nhà hàng, nhà nghỉ, kho bãi. Tuy nhiên, sau 32 tháng, đơn vị này vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, buộc tỉnh phải tiến hành các thủ tục thu hồi đất, thu hồi Dự án. Tiếp đó, năm 2011, một trường hợp vi phạm được xem là “điển hình” nhất từ trước đến nay chính là việc Công ty CP Khách sạn du lịch hồ Núi Cốc đã tự ý đổ đất lấp 8.500m2 mặt hồ Núi Cốc để chuyển mục đích sử dụng từ đất lòng hồ sang đất xây dựng. Tình trạng vi phạm trên bị phát hiện và ngành chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên 12,7 triệu đồng đối với Công ty này. Cũng trong năm 2011, Doanh nghiệp Phương Thu, ở phường Tích lương (T.P Thái Nguyên), được giao đất thực hiện Dự án xây dựng xưởng sửa chữa ô tô và lắp ráp các loại máy công cụ. Doanh nghiệp này đã sử dụng đất sai mục đích diện tích 2.130m2, tự ý chuyển mục đích sử dụng 1.054m2 đất. Sau khi bị xử phạt hành chính, Doanh nghiệp này đã chuyển sang ngành nghề khác là sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất.

 

Có thể kể tên nhiều trường hợp khác chưa sử dụng đất theo đúng quy định, để đất lãng phí hoặc chậm tiến độ thực hiện dự án, như: Dự án Trung tâm hội nghị dịch vụ cao cấp khách sạn 5 sao Thái Nguyên, Dự án Toà nhà hội chợ triển lãm và dịch vụ trung tâm tại khu vực phường Trưng Vương của Công ty CP Trung Tín; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ văn phòng cho thuê, Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thuỵ của Công ty CP Châu Á Thái Bình Dương APEC; Dự án Trung tâm dịch vụ tổng hợp sông Cầu (T.P Thái Nguyên) của Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình; Dự án xây trường mầm non tư thục An Dương của Công ty TNHH Hoàng Ân; Dự án xây dựng nhà máy luyện than cốc của Công ty TNHH Nam Hoa; Dự án xây dựng nhà máy bao bì của Công ty CP Thương mại và Sản xuất giấy Hoa Sơn…

 

Sẽ xử lý cương quyết

 

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì trước đây, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, ngành chức năng chỉ chủ yếu tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với khung hình phạt thấp. Việc thu hồi dự án cũng đã có, song còn ít và chưa thực sự quyết liệt. Sự phối hợp giữa chủ dự án và các địa phương trong tỉnh nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn về mặt bằng cho dự án còn chưa thường xuyên. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được kịp thời... Điều đó cho thấy nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như ý thức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp về việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai còn hạn chế; trình độ, năng lực quản lý điều hành của chính quyền, cũng như một số cán bộ công chức ở nhiều địa phương còn bất cập...

 

Để giải quyết vấn đề này, hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu với tỉnh các giải pháp xử lý quyết liệt và mang tính lâu dài hơn. Cụ thể là, tỉnh sẽ cho rà soát lại toàn bộ các dự án đã được giao đất để phát hiện các trường hợp sử dụng đất không hiệu quả (kể cả các dự án khai thác mỏ). Sau đó, một mặt yêu cầu các chủ dự án thực hiện đúng tiến độ đã được duyệt, mặt khác kiên quyết thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện. Các dự án đã thu hồi sẽ được công khai, minh bạch, trong đó công khai cả việc chủ dự án đã đầu tư bao nhiêu, đầu tư như thế nào, tiến độ ra sao. Các dự án bị thu hồi sẽ mang ra đấu giá để tránh tình trạng vòng vo, chuyển nhượng ngầm dự án. Đây là cách làm mà từ trước đến nay chúng ta ít sử dụng và nếu có cũng chưa thật sự cương quyết, mang lại hiệu quả… Chính các giải pháp mạnh tay này sẽ giúp tỉnh ta sàng lọc được những nhà đầu tư thiếu năng lực, chây ỳ, đồng thời mời gọi được những doanh nghiệp tâm huyết, có năng lực thực sự vào đầu tư trên địa bàn.

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc ngành tham mưu cho tỉnh xử lý kiên quyết, mạnh tay theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức có sai phạm trong sử dụng đất lần này tin chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội…


 

Ông Phạm Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Lục Ba (Đại Từ): Ở xã tôi cũng có dự án để chậm tiến độ, gây thiệt hại không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả chính quyền địa phương và những hộ dân trong vùng dự án. Chúng tôi rất mong tỉnh, huyện có chế tài xử lý cương quyết, thấu tình đạt lý đối với những trường hợp vi phạm trên…


 

Ông Nguyễn Văn Trung, xóm 2, xã Minh Đức (Phổ Yên): Việc để một dự án chậm tiến độ, đến 6, 7 năm như Dự án xây dựng bãi rác thải ở xã tôi là không thể chấp nhận được. Chúng tôi rất bức xúc và mong muốn tình trạng này sớm được giải quyết…