Cha ông ta thường ví những diện tích thuận lợi để gieo cấy lúa như “bờ xôi, ruộng mật”, cần được giữ gìn, bảo vệ. Giờ đây, khi vấn đề an ninh lương thực ngày càng được xem trọng thì việc giữ ổn định diện tích đất trồng lúa ở các địa phương càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Và, trong bối cảnh tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, liệu việc giữ “bờ xôi, ruộng mật” có dễ?
Ông Hoàng Thanh Giao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Việc giữ đất lúa trong điều kiện hiện nay không phải dễ, nhưng cũng không phải không giữ được. Chúng ta phải hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa vào mục đích khác, những dự án nào thật sự cấp bách phải sử dụng đất lúa thì mới dùng đến, nhưng phải lập phương án bù lại diện tích đất lúa đã lấy… |
Ông Dương Văn Ân, nông dân xóm Trung 2, xã Điềm Thuỵ (Phú Bình): Nông dân chúng tôi không bao giờ muốn mất đất trồng lúa, nhưng vì chủ trương lớn của tỉnh là xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thuỵ để phát triển kinh tế địa phương nên gia đình tôi đã bàn giao 4 sào ruộng để Dự án được triển khai thực hiện nhanh chóng… |
Hầu hết các dự án đều sử dụng đất nông nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đang có gần 600 dự án, công trình được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn lên tới 181.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đã và đang triển khai. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì hầu hết các công trình, dự án trên đều liên quan đến thu hồi và sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có một phần lớn là đất lúa. Cuối năm 2012, tỉnh ta đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt 86 công trình, dự án có sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi phục vụ các công trình, dự án này là 1.297,44ha. Tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 380,75ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chiếm tới 328,45ha, còn lại là đất rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh đã tồn tại một số dự án lớn sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp, như: Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo, Dự án Khu tổ hợp Yên Bình; các khu công nghiệp tập trung ở T.X Sông Công, Điềm Thuỵ (Phú Bình), Phổ Yên; các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị lớn như: Khu đô thị hồ Xương Rồng, Khu dân cư ở các phường Túc Duyên, Hoàng Văn Thụ, Đồng Quang, Gia Sàng, Tân Lập (T.P Thái Nguyên) và các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh, văn hoá, du lịch khác… Những số liệu trên phần nào cho chúng ta thấy việc sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa để phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay nay là khá lớn.
Bảo vệ nghiêm ngặt 41.000ha đất lúa
Hiện nay, toàn tỉnh đang có gần 48.000ha đất trồng lúa. Theo kế hoạch Trung ương giao thì bằng mọi giá chúng ta phải giữ được 41.000ha đất lúa để phục vụ sản xuất lương thực. Như vậy là còn khoảng gần 7.000ha đất lúa trong diện được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hà, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì trong gần 7.000ha đất lúa đó không phải muốn chuyển đổi là được. Nếu vì thực hiện các dự án, công trình hoặc sử dụng đất vào bất kỳ mục đích gì mà phải chuyển đổi đất lúa thì đều phải xin ý kiến đồng ý của Chính phủ. Như vậy là diện tích đất trồng lúa gần như phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Để tìm hiểu rõ hơn việc triển khai bảo vệ những diện tích “bờ xôi, ruộng mật”, chúng tôi đã về quê lúa Phú Bình, đến khảo sát thực tế tại xã Điềm Thuỵ, một trong những địa phương có nhiều dự án quy mô lớn đang triển khai của huyện. Ông Dương Đại Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện tại, toàn xã đang có 1.079ha đất nông nghiệp, trong đó có 420ha đất trồng lúa. Trước đây, đất trồng lúa của xã chiếm tới 70-80% diện tích đất nông nghiệp, nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn có nhiều công trình, dự án, nhà máy, xí nghiệp mọc lên, khiến diện tích trồng lúa thụt giảm đáng kể. Trung bình mỗi năm, xã Điềm Thụy mất từ 8-10ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất của huyện thì xã sẽ phải có trách nhiệm giữ bằng được 420ha đất lúa còn lại.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Bình, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện còn 9.000ha, trong đó có 7.600ha đất trồng lúa. Huyện được tỉnh giao từ nay đến năm 2020 phải giữ được 7.100ha đất lúa.
Những khó khăn đặt ra
Ở miền quê lúa Phú Bình, trước đây khi còn là huyện thuần nông, vấn đề bảo vệ đất lúa ít được bàn đến. Nhưng hiện nay, khi ngành công nghiệp, xây dựng phát triển, lực hút đầu tư trở nên mạnh mẽ hơn thì việc giữ đất lúa đang là bài toán cấp bách đặt ra đối với địa phương. Số liệu thống kê của huyện cho thấy, thời gian gần đây, trung bình mỗi năm huyện mất từ 25-30ha đất trồng lúa, chủ yếu dành cho các dự án đầu tư mới, phục vụ xây dựng hạ tầng dân sinh… Trong năm 2012, riêng xây dựng đường giao thông nông thôn, toàn huyện cũng đã mất 27ha đất, trong đó có 5ha trồng lúa. Bên cạnh đó, 3 dự án là: Xây dựng Nhà máy may TDT, Nhà máy may TNG và Nhà máy kẽm Việt Bắc cũng đã lấy đi khoảng 26ha đất trồng lúa của huyện, trong khi huyện lại đang triển khai hàng chục dự án lớn, nhỏ khác. Cùng với đó là các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Đây không phải là những khó khăn riêng của huyện Phú Bình mà là thực trạng chung của tất cả các địa phương trong tỉnh. Các vùng sản xuất lúa như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phổ Yên… đều đang phải nghĩ cách để giải được bài toán khó này. Bởi được biết, theo quy định thì những dự án, công trình nào do Chính phủ phê duyệt thì khi lấy vào diện tích đất trồng lúa sẽ không phải bố trí quỹ đất lúa khác thay thế giống như các dự án do tỉnh phê duyệt. Trong khi đó, năm 2012, tỉnh ta lại có 43 công trình, dự án đủ cơ sở pháp lý (do Chính phủ phê duyệt) để không phải bù đổi đất lúa theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đều cho rằng, phải giao chỉ tiêu cụ thể về giữ diện tích đất trồng lúa đến từng xã, xóm, nếu nơi nào để mất thì phải quy trách nhiệm cụ thể và xử lý thật nghiêm tập thể, cá nhân có trách nhiệm ở nơi đó. Mỗi địa phương phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Ban chỉ đạo cần lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần rà soát lại các dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn, nếu có thể điều chỉnh được theo hình thức lấy lại diện tích đất trồng lúa đã mất thì phải thực hiện ngay. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm chỉnh việc bù đổi đất lúa nếu bắt buộc phải chuyển đổi đất lúa…
Rõ ràng, vấn đề giữ lấy “bờ xôi, ruộng mật” đang đặt ra cấp thiết. Và để thực hiện được việc này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, bằng những giải pháp thiết thực cùng chung tay giải bài toán khó trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Chúng ta không thể làm ngơ khi an ninh lương thực của mỗi địa phương, của cả quốc gia có nguy cơ bị đe doạ. Hơn nữa, khi mất đất trồng lúa sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân.
Bài 3: Lo cuộc sống cho người bị thu hồi đất