Sử dụng đất và những vấn đề đặt ra: Bài 3: Lo cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất

08:57, 13/03/2013

Với tổng số gần 600 dự án được cấp phép đầu tư trong toàn tỉnh và hàng nghìn héc ta đất các loại phải thu hồi thì chắc hẳn chúng ta cũng hình dung ra phần nào số lượng hộ dân trong diện bị ảnh hưởng. Khi phải bàn giao đất phục vụ các dự án, nhất là đất sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân chắc chắn bị xáo trộn không ít. Chính vì vậy, để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân bị thu hồi đất luôn là vấn đề cấp thiết?

Khi cuộc sống người dân “treo” cùng dự án

 

Dư luận nhân dân địa phương thời gian qua nhắc nhiều đến Dự án Khu B Khu công nghiệp Điềm Thuỵ (Phú Bình - Phổ Yên) do Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư vì tiến độ triển khai Dự án này quá chậm, gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho nhiều hộ dân liên quan. Sau hơn 3 năm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hiện tại Dự án vẫn gần như chưa có chuyển động gì nhiều. Dự án có tổng diện tích 170ha, nhưng giai đoạn đầu, chủ đầu tư chỉ mới chi trả một phần tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 23ha. 97 hộ dân bị ảnh hưởng hiện giờ vẫn chưa được bồi thường đầy đủ để di chuyển nhà cửa, ổn định cuộc sống. Bà Hà Thị Sâm, một người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án cho biết: Nhà cửa của gia đình tôi dột nát đã mấy năm nay nhưng không dám xây lại vì trong diện phải di dời. Cứ mưa to, gió lớn là phải di tản sang nhà hàng xóm trú tạm vì sợ sập nhà thiệt hại tính mạng… Bà Sâm mong muốn được nhận nốt tiền bồi thường và chuyển ra khu tái định cư. Tuy nhiên, hiện tại những mong muốn chính đáng của gia đình bà Sâm chưa thể thực hiện ngay được bởi thiếu vốn nên nhà đầu tư chưa xây dựng được khu tái định cư cho người dân.

 

Cùng chung nỗi lo như bà Sâm, ông Nguyễn Xuân Hùng, một trong 97 hộ dân vùng Dự án bức xúc: Đã 3 năm nay gia đình tôi phải sống trong cảnh thắc thỏm, chuồng trại chăn nuôi không dám xây, nhà cửa cũng không dám sửa. Dự án “treo” nên cuộc sống của chúng tôi cũng “treo” luôn... Còn gia đình ông Dương Thuỷ Bình có 100m2 đất thổ cư và 140m2 đất vườn nằm trong vùng quy hoạch Dự án. Từ khi Dự án có mặt ở địa phương đến nay gia đình ông như ngồi trên đống lửa vì trên đất thổ cư mà không được xây dựng, bán thì càng không thể, trong khi ông rất cần đất xây nhà. Đất vườn thì cũng để cỏ mọc chứ không dám trồng cây lâu năm.

 

Trên đây chỉ là một trong nhiều dự án “treo” đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trên địa bàn. Qua trường hợp trên cho thấy đã đến lúc chúng ta cần rà soát, có biện pháp giải quyết kịp thời các trường hợp dự án “treo”, xử lý nghiêm, tránh thiệt thòi cho Nhà nước, doanh nghiệp và người trực tiếp bị ảnh hưởng.

 

Đã có chính sách ưu tiên, nhưng…

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng Tài chính đất và Bồi thường giải phóng mặt bằng (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay, từ năm 2010 tỉnh ta đã triển khai các chính sách ưu đãi để hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho những hộ dân bị thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp. Chế độ hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người mất đất được quy định cụ thể như sau: Với những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất được hỗ trợ 8.000 đồng/m2 đối với đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Nếu phải di chuyển nhà ở còn được hỗ trợ ổn định đời sống trong 6 tháng với mức 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cũng được quy định cụ thể: Với những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất (không thuộc diện được hỗ trợ đất trong địa giới hành chính phường, đất nông nghiệp trong khu dân cư) thì sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng tiền tương đương mức 2,5 lần giá đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong đó, tuỳ từng đối tượng cụ thể tỉnh ta lại có những chính sách hỗ trợ riêng. Ví dụ, đối với các hộ nghèo bị thu hồi đất nông nghiệp và phải di chuyển chỗ ở, ngoài việc được hưởng các chính sách như trên còn được hỗ trợ thêm 84 tháng để ổn định cuộc sống, sản xuất với mức 180 nghìn đồng/khẩu/tháng… Với những hộ nhận khoán đất của nông, lâm trường tuy không được bồi thường, khi thu hồi đất nhưng lại được hỗ trợ để ổn định đời sống bằng mức giá đất nông nghiệp bị thu hồi. Ngoài ra, đối với từng dự án cụ thể, đặc thù lại có chế độ hỗ trợ riêng.

 

Được biết, về chính sách hỗ trợ đối với những hộ bị thu hồi đất nông nghiệp ở tỉnh ta so với các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Vĩnh Phúc có phần nhỉnh hơn. Đó là điều đáng mừng, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc triển khai chính sách và thực hiện các cam kết đối với những hộ dân bị ảnh hưởng của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, của chủ dự án đến đâu và như thế nào. Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ của tỉnh chỉ vào được cuộc sống khi các nhà đầu tư có thực lực, dự án không bị “treo” quá lâu và chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng thực sự vào cuộc. Như vậy, những hộ dân mất đất nông nghiệp mới có thể nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất khi tư liệu sản xuất là đất ruộng không còn hoặc bị thụt giảm đáng kể. Ngược lại, hệ lụy trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong các vùng dự án là rất lớn và khó lường.

 

Cách làm hiệu quả

 

Với tỉnh ta, có lẽ Dự án mỏ đa kim Núi Pháo là dự án có quy mô lớn nhất với số lượng ảnh hưởng lên tới trên 3 nghìn hộ dân (hơn 15 nghìn nhân khẩu và khoảng 9 nghìn lao động). Mặc dù đã có thời gian bị chậm tiến độ do thay đổi chủ đầu tư, vướng mắc trong GPMB, nhưng phải thừa nhận công tác thực hiện hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất của Dự án này đáng để nhiều nhà đầu tư học theo. Cụ thể, ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ chung của tỉnh, chủ Dự án này còn bố trí thêm kinh phí (tất nhiên là không được trừ vào tiền thuê đất) để hỗ trợ người dân. Chẳng hạn như với những hộ tự lo tái định cư sẽ được hỗ trợ thêm suất đầu tư hạ tầng với giá trị từ 25 triệu đồng đến 80 triệu đồng/suất. Cùng với đó còn có suất phục hồi kinh tế cho những hộ bị thu hồi nhiều đất (dưới 360m2 được hỗ trợ 4.000 đồng/m2, từ 360m2 đến 720m2 được hỗ trợ 6 triệu đồng); một suất “ngôi nhà chuẩn” trị giá không dưới 10 triệu đồng cho những hộ nghèo phải di dời nhà ở; hỗ trợ tuyển dụng lao động vào làm việc tại Dự án… Chỉ trong một thời gian ngắn, Dự án này đã triển khai xây dựng 2 khu tái định cư mới là Nam Sông Công và Hùng Sơn 3 với diện tích hàng chục héc ta, giúp 700 hộ dân bị thu hồi đất có nơi ở mới. Dự án cũng đã tuyển dụng 550 lao động là người dân địa phương bị ảnh hưởng, đào tạo nghề cho 230 người là con em các hộ bị thu hồi đất. Tính đến nay, Dự án đã dành 1.200 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù, hỗ trợ GPMB. Tuy hiện nay công tác GPMB của Dự án này vẫn còn một vài vướng mắc do một số hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng dù đã nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ, tiền thưởng theo quy định, nhưng có lẽ đây vẫn là một trong những dự án được triển khai bài bản, nghiêm túc nhất trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này.

 

Chắc chắn, nếu dự án nào cũng có cách làm hiệu quả như Dự án Núi Pháo thì có lẽ những lo lắng, hoang mang và cả sự bất ổn của không ít người dân bị thu hồi đất, nhất là đất canh tác nông nghiệp, sẽ không còn diễn ra như đối với nhiều trường hợp đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

 

Ông Nguyễn Xuân Lập, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đại Từ: Theo tôi, các địa phương nên chỉ đạo cơ sở đứng ra bảo lãnh với ngân hàng cho các hộ dân bị thu hồi đất được vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cũng nên vận động các hộ dân trong xóm, xã tương trợ nhau bằng cách cho những gia đình bị thu hồi đất được thuê, mượn hoặc cùng canh tác với ruộng của nhà mình, ít nhất là trong thời gian đầu bị thu hồi đất...

 


 

Ông Trịnh Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Thành (Phổ Yên): Đối với các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề, chúng tôi còn tạo điều kiện về thủ tục cho họ được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư phát triển các ngành nghề như, trồng hoa, nghề mộc, cơ khí, sửa chữa điện tử, điện lạnh... để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.