Cây ngô lai trên đồng đất Thái Nguyên

14:28, 27/04/2013

Người dân trong tỉnh bắt đầu được tiếp cận với các giống ngô lai từ năm 1991, nhưng phải đến năm 2004, 2005, cây ngô lai mới thật sự được lên ngôi trên đồng đất Thái Nguyên. Đến nay, giống ngô lai đã chiếm tới 98% trong cơ cấu  giống ngô của tỉnh.

Đạt được kết quả trên không đơn giản chút nào khi mà bao đời nay, người dân đã quen với lối canh tác cũ, luôn để ngô giống từ vụ này sang vụ khác. Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Người dân mình là cứ phải mắt thấy, tay sờ mới dám làm theo. Khi tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng cũng như năng suất và hiệu quả kinh tế của cây ngô lai, bà con cứ bán tín, bán nghi. Chỉ đến khi thu hoạch, thấy năng suất ngô lai cao, chất lượng tốt, lúc đó mọi người mới yên tâm đầu tư, thâm canh các giống ngô mới.

 

 

Theo chia sẻ của anh Phương thì cùng với việc tuyên truyền, vận động, hơn chục năm qua, ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương đã xây dựng nhiều ô mẫu trồng các giống ngô lai để người dân tham quan và mạnh dạn làm theo. Điều đáng mừng nhất bà con dân dân tộc Mông ở trên núi cao của Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai… cũng đã có cái nhìn thay đổi với cây ngô lai. Năm 2000, khi đến với bản người Mông Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), chúng tôi thấy người dân nơi đây trồng giống ngô địa phương, năng suất thấp, nhưng 12 năm sau, khi quay trở lại nơi này, bà con đã trồng các giống ngô lai NK 4300, ĐK 888, ĐK 999… Anh Lý Văn Ló, Trưởng bản Lân Đăm cho biết: Trước đây, trồng 10kg ngô giống, sau mấy tháng vất vả chăm bón, chúng tôi chỉ thu được 5,6 tạ ngô hạt, nhưng nay, chỉ trồng 3,4 kg giống ngô lai mà thu được 1 tấn ngô hạt rồi (người dân Lân Đăm không tính năng suất ngô theo sào hay mẫu mà tính theo số lượng hạt giống ngô tra xuống đất).

 

Khi cây ngô lai được đưa vào gieo trồng đại trà đồng nghĩa với việc năng suất, sản lượng ngô của tỉnh tăng lên. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta trồng khoảng 16 đến 18 nghìn ha ngô. Nếu như năm 2000, năng suất ngô mới đạt khoảng 35-37 tạ/ha thì đến nay, năng suất ngô đã đạt trên 42 tạ/ha. Riêng năm 2012, toàn tỉnh trồng được gần 18 nghìn ha ngô, sản lượng đạt xấp xỉ 75,5 nghìn tấn, vượt 8,8% kế hoạch năm, chiếm gần 20% trong tổng sản lượng cây lương thực có hạt của tỉnh. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cây ngô góp phần rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất lương thực (cây có hạt) hằng năm của tỉnh. Do đó, thời gian tới, cây ngô lai vẫn sẽ được chú trọng phát triển. Theo lý giải của ông Dũng, cây ngô lai phát triển đại trà trên đồng đất Thái Nguyên là do loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và thâm canh, có thể sống được trong mọi điều kiện kể cả khi thời tiết khô hạn. Thêm vào đó, với trên 600 nghìn con lợn và 7 đến 8 triệu con gia cầm mỗi năm (90% đàn lợn, gia cầm của tỉnh nuôi với quy mô nhỏ lẻ, tại nông hộ), lượng cám phục vụ chăn nuôi là rất lớn và số ngô thu được mỗi năm sẽ giúp nông dân trong tỉnh tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi. Đặc biệt, so với các loại cây trồng khác, sau khi thu hoạch, việc bảo quản ngô hạt rất dễ dàng, có thể để từ vụ này, sang vụ khác, từ năm trước, sang năm sau. Hơn nữa, trồng ngô cũng mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.

 

Ông Dũng cũng khẳng định, Thái Nguyên sẽ không trồng ngô trên nương rẫy vì như thế sẽ hủy hoại rừng, đất rừng. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tận dụng các diện tích đất soi, bãi, đất trồng 1 hoặc 2 vụ lúa để trồng ngô. Khi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay thì việc đưa các giống ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với hạn hán, sâu bệnh sẽ được chú trọng. Việc trồng ngô lai để phục vụ chế biến (chế biến thành thức ăn gia súc, gia cầm; thực phẩm ngũ cốc giàu dinh dưỡng)… cũng sẽ được quan tâm hơn bởi sản xuất ngô lai theo hình thức này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Với điều kiện tự nhiên của Thái Nguyên, hoàn toàn thích hợp cho sản xuất ngô lai, nhất là với các huyện như Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và vùng Tứ Tân (Phú Bình), điều kiện canh tác lúa hạn chế khi thường xuyên bị khô hạn nhưng ngược lại thích hợp trong việc trồng ngô. Tuy vậy, sản xuất ngô trong tỉnh vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ, phân tán, nhất là các vùng miền núi, khó cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đồng bộ nên để tăng năng suất cây ngô, ngoài việc tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học, giống mới thì điều cốt lõi phải tạo ra các vùng chuyên canh rộng lớn để sản xuất theo hàng hóa, giảm chi phí đầu vào và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Thời gian tới, tỉnh dự định sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất ngô lai tập trung để tạo ra nguồn hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường và các nhà máy chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

 

Phát triển cây ngô lai là đi đúng với chủ trương và định hướng của tỉnh. Dù vậy, trồng ngô sẽ làm giảm độ phì nhiêu của đất, làm cạn kiệt đất màu. Do đó, ngành Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân phải tích cực cải tạo những diện tích đất trồng ngô bằng phân chuồng, phân xanh. Với diện tích đất trồng 1 hoặc 2 vụ lúa, thì cần trồng xen canh giữa các vụ trồng ngô bằng các loại cây họ đậu, khoai tây để trả lại độ phì nhiêu cho đất…