Chúng tôi trở lại Làng Bảy, xã Tân Dương (Định Hóa) đúng những ngày mưa nên không khỏi lo lắng. Nhưng thật bất ngờ, tuyến đường đất dài 7km từ trụ sở UBND xã đến xóm vốn gập ghềnh, lầy thụt mà tôi từng đi 3 năm trước, nay đã được đổ bê tông rộng gần 4m. Tìm hiểu nhiều hơn về xóm, tôi biết rằng, con đường mới chỉ là một phần trong bức tranh với nhiều gam màu sáng về cuộc sống ngày càng ấm no của người dân nơi đây.
Gặp chị Nguyễn Thị Tiếp, Bí thư Chi bộ Làng Bảy khi chị và chồng là anh La Văn Khen đang phát dọn thực bì, chuẩn bị cho vụ trồng rừng. Gia đình chị Tiếp có hơn 10ha đất đồi rừng (trong đó có 6ha keo). Năm nay, vợ chồng chị dự định trồng hơn 1ha keo lai thay thế cho diện tích rừng tạp không hiệu quả. Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ gay vì nóng, chị Tiếp vui vẻ: Bà con Làng Bảy đang giàu lên nhờ rừng nhà báo ạ. Năm nay, mỗi ha rừng đến tuổi khai thác bán rẻ cũng được từ 30 đến 40 triệu đồng. Cả xóm 57 hộ dân mà có tới hơn 200ha rừng trồng (chiếm 1/3 diện tích cả xã), tổng thu nhập cũng được ngót chục tỷ đồng đấy.
Giá trị rừng được tăng lên rõ rệt (năm 2010, mỗi ha rừng keo ở Làng Bảy bán được khoảng hơn mười triệu đồng) chính nhờ tuyến đường trục chính từ UBND xã tới xóm đã được đổ bê tông rộng rãi và cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2012. Đây là kết quả của Chương trình đầu tư theo Quyết định số 1134/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng khu ATK Định Hóa giai đoạn 2008-2020. Tuyến đường trị giá hơn 6 tỷ đồng không chỉ làm thay đổi căn bản diện mạo của xóm vùng sâu, từng được xếp vào nhóm nghèo nhất ở Tân Dương, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Làng Bảy. Ông Ma Văn Phan, Trưởng xóm Làng Bảy nhớ lại: "Khi chưa có đường mới, đi lại bằng xe đạp, xe máy còn khó chứ đừng nói đến ô tô. Mưa gió trẻ con phải nghỉ học là chuyện cơm bữa. Mặc dù năm nào xóm cũng huy động người dân 2 lần sửa đường nhưng chỉ là biện pháp tạm thời. Nay thì chuyện đó không còn nữa, ngoài tuyến đường trục chính, từ năm 2012 tới nay, bà con trong xóm còn chủ động đóng góp ngày công và hơn 20 triệu đồng để thuê máy gạt mở các tuyến nhánh giúp xe tải có thể đến tận chân rừng. Giao thông thuận tiện nên giá trị mỗi ha rừng đã tăng lên gấp 3 lần so với trước".
Nhớ lại 3 năm về trước khi tôi tới đây, Làng Bảy vừa mới được hưởng nguồn điện lưới Quốc gia, ai cũng vui mừng và hy vọng về một cuộc sống mới. Quả thực, điện đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của bà con thay đổi nhanh chóng. Ở Làng Bảy giờ nhà nào cũng có tivi và đầu chảo để xem truyền hình. Những nhà khá giả còn mua được tủ lạnh, khoan giếng và dùng máy bơm nước thay cho kéo tay. bà con mua 18 chiếc máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, diện tích đất chủ động được nguồn nước để canh tác lúa của xóm đã tăng từ 15ha (năm 2010) lên 26ha. Nhiều gia đình có thể gieo trồng được 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ màu) ở những chân ruộng thấp. Ông La Văn Vàng, một người dân trong xóm cho biết: “Giờ không hộ nào lo thiếu đói nữa, chúng tôi còn có lương thực dư thừa để bán hoặc phục vụ cho chăn nuôi”.
Tư duy sản xuất mới của người dân Làng Bảy còn được thể hiện bằng việc phát triển chăn nuôi gia súc gắn với thế mạnh lâm nghiệp. Hiện xóm có khoảng 20 hộ nuôi dê với tổng đàn khoảng trên 300 con. Hầu hết đều nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên. Gia đình chị Triệu Thị Mùi hiện đang nuôi 15 con dê sinh sản. Chị cho biết: Nuôi dê rất đơn giản, chỉ cần buổi sáng lùa chúng lên rừng, chiều lại lùa về nên không tốn công chăm sóc, các loại bệnh tật cũng ít. Một năm, dê sinh sản 2 lứa, được khoảng 3 con, nuôi lớn có thể đạt khoảng 20kg. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg ở thời điểm hiện tại, một con dê có giá khoảng 2,5 triệu đồng. Từ chăn nuôi dê, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị Mùi có thu nhập trên 15 triệu đồng. Số tiền đáng mơ ước với nhiều hộ dân ở nông thôn miền núi.
Kinh tế phát triển, đời sống của bà con ở Làng Bảy cũng đang đổi thay từng ngày. Minh chứng rõ nhất là nhìn vào mức thu nhập bình quân và tỷ lệ hộ nghèo trong xóm. Từ một xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn, Làng Bảy đã vươn lên trên mức trung bình của xã. Hiện nay, xóm chỉ còn 9/57 hộ nghèo, chiếm 15,8% (tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Dương là xấp xỉ 20%), mức thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người/năm. Phấn khởi hơn, Làng Bảy không còn bị nhắc đến với tên quen thuộc là xóm “ba không” (không điện, không đường và không trường) như trước nữa. Phân hiệu Trường Tiểu học Tân Dương đã được thành lập tại Nhà văn hóa xóm từ năm học 2012-2013 này, giúp các cháu học sinh tiếp cận với con chữ thuận lợi hơn. Hình ảnh lũ trẻ ê a đọc bài mà tôi bắt gặp tựa như nét điểm xuyết trong bức tranh tươi sáng của xóm núi này.