Hiệu quả tín dụng nhìn từ một mô hình

14:49, 04/04/2013

Vừa ngỏ ý muốn được tiếp cận với một số gia đình hộ nghèo vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đã thoát nghèo, ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD), Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đồng Hỷ đã mời chúng tôi đi thực tế ở xã Nam Hòa - nơi có nhiều hộ nghèo nhất huyện nhưng công tác quản lý, sử dụng vốn rất hiệu quả, vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong đợt tổng kết 10 năm NHCSXH.

Đồng Hỷ có 18 xã, thị trấn thì có 18 điểm giao dịch. Theo quy định hàng tháng, đại diện Ngân hàng sẽ đến giao dịch ở mỗi xã vào 1 ngày để làm các công việc: giao ban phổ biến các chính sách tín dụng mới; thu nợ, thu lãi, làm thủ tục cho vay mới và giải quyết các vướng mắc từ cơ sở... Ngày 15 hằng tháng là đến phiên của xã Nam Hòa. Lúc chúng tôi đến, anh Trần Nhật Linh, Tổ trưởng Tổ tín dụng của PGD NHCSXH huyện đang phổ biến các chính sách tín dụng đến UBND xã, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV). Bên ngoài các hộ dân đã đến khá đông đợi làm thủ tục trả nợ, lãi đến hạn; vay mới. Không khí thật tấp nập, ai cũng phấn khởi.

 

 

Ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Giảm nghèo của xã nói với chúng tôi: Nam Hòa có 22 xóm thì có tới 11 xóm đặc biệt khó khăn. Xã có 2.900 hộ thì có tới 83% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu dân tộc Sán Dìu). Đời sống người dân chủ yếu trông vào trồng lúa nước và cây công nghiệp. Vì vậy, cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao (chiếm đến 47%). Từ khi có NHCSXH triển khai cho vay đến xã, các hộ dân đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi (hộ nghèo vay với lãi suất 0,65%/tháng) để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, những năm qua, ở xã đã có nhiều dự án được triển khai như: Dự án ODA; Dự án PLan; các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Thông qua các dự án, nhất là Dự án Plan, người dân được hướng dẫn cách trồng rừng, kinh doanh, bảo vệ môi trường bằng trồng rừng...) đã góp phần thay đổi nhận thức của họ. Người dân đã biết tận dụng thời cơ, vay vốn tín dụng (những năm gần đây, mỗi năm dư nợ trên dưới 20 tỷ đồng từ nguồn vốn NHCSXH và khoảng 10 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã giúp bà con có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là mô hình trồng rừng và chăn nuôi. Trước năm 2000, cả xã chỉ có 162 ha rừng PAM, nay đã có 647ha rừng chủ yếu trồng cây keo; có nhà đã cho thu nhập hàng trăm triệu từ trồng rừng. Trước, mỗi nhà chỉ nuôi vài chục con gà nay đã nhiều nhà nuôi đến hàng trăm con, xã có 8 trang trại gà, có trang trại nuôi hàng nghìn con gà... Từ đó đã góp phần không nhỏ nâng cao mức sống người dân. Do tiêu chí hộ nghèo thay đổi, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã không giảm nhiều so với trước nhưng mức sống của hộ nghèo ở xã đã khác xưa rất nhiều (trên 90% số hộ có nhà xây; 94% số hộ có xe máy; 95% số hộ có tivi) .

 

Đến thăm một hộ nghèo được vay vốn ngân hàng vừa thoát nghèo, chúng tôi đã cảm nhận được hiệu quả của đồng vốn đến với người nghèo. Gia đình chị Đàm Thị Phương ở xóm Mỹ Lập được vay từ nguồn vốn 167 hỗ trợ nhà ở, được anh em giúp đỡ thêm nên đã xây được ngôi nhà xây 3 gian chắc chắn. Bên cạnh đó, năm 2010, chị được vay 15 triệu đồng mua 1 con trâu giống, sau 2 năm con trâu đã đẻ thêm 2 con. Từ chăn nuôi lợn và tiền chồng chị đi làm thuê tích cóp được, chị đã trả cho ngân hàng được 5 triệu đồng; khoản lãi mà chúng tôi nhìn thấy là 3 mẹ con con trâu vẫn còn. Chính vì vậy chị đã được công nhận thoát nghèo cuối năm 2012. Còn gia đình anh Hoàng Văn Nam, cùng xóm Mỹ Lập cũng vay 15 triệu đồng để trồng chè. Anh không nhớ diện tích chè của gia đình là bao nhiêu, nhưng anh tính được là trước kia, khi chưa có vốn đầu tư vườn chè của anh chỉ cho thu hái 25 đến 30kg chè búp/lứa; nay có vốn đầu tư đã cho thu hoạch 80 kg chè/lứa. Thấy được hiệu quả từ cây chè, đầu năm nay anh, chị đã đầu tư trên 4 triệu đồng để cải tạo đất, trồng mới 5 sào chè cành. Tuy được vay trong 3 năm, chưa đến hạn trả nợ nhưng anh, chị cũng đã dành tiền từ bán chè được 5 triệu đồng để trả ngân hàng. Gia đình anh, chị cũng vừa được công nhận thoát nghèo năm 2012...Cho vay hộ nghèo chỉ là một trong 9 Chương trình tín dụng được PGD NHCSXH triển khai tại Nam Hòa, các Chương trình tín dụng khác cũng phát huy hiệu quả cao.

 

Trên đây chỉ là một trong những xã và những hộ điển hình của huyện Đồng Hỷ được PGD NHCSXH Đồng Hỷ đầu tư vốn tín dụng ưu đãi làm ăn có hiệu quả. Theo Giám đốc Lê Văn Hồng: Với doanh số cho vay trong 10 năm (2003-2012) là 341.983 triệu đồng, Phòng Giao dịch CSXH Đồng Hỷ đã triển khai 9 chương trình tín dụng đến 100% xã, thị trấn, xóm, bản. Do các xã quản lý, sử dụng vốn đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, đã giúp cho 6.351 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện hiện nay còn 18,16% (bình quân mỗi năm giảm 2,5%, riêng năm 2012 giảm 3,17%); 20.478 lao động có việc làm; 4.021 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tiếp tục học tập ở các trường chuyên nghiệp; xây dựng được 5.468 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.534 hộ nghèo được xây nhà theo Chương trình 167. Qua đó đã góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

 

 

Chị Lý Thị Hồng Sâm, xóm Mỹ Lập, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ): “Trước đây tôi muốn đầu tư phải vay bên ngoài với lãi suất cao từ 3% đến 5%/tháng, đối với hộ nghèo như tôi không dám đầu tư làm gì nên cứ nghèo quanh năm. Nay được vay vốn NHCSXH với lãi suất 0,65%/tháng, tôi có điều kiện đầu tư trồng chè, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho chúng tôi được vay vốn với lãi suất thấp để thoát nghèo bền vững”.