Hợp Tiến là một trong những xã xa nhất của huyện Đồng Hỷ với diện tích tự nhiên 54,47km2, trong đó có 3/4 là đồi núi. Dân số ở đây có đến 2/3 là đồng bào dân tộc thiểu số mà chủ yếu là người Dao. Từ một xã miền núi đặc biệt khó khăn, hiện nay, xã Hợp Tiến đã ngày một vươn lên xóa đói giảm nghèo nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Nhớ lại khoảng thời gian từ năm 1996-2002, khi cây vải thiều lên ngôi, toàn xã lúc đó có đến 330ha mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Sau thời điểm năm 2002, vải thiều bắt đầu xuống giá, nhiều hộ đã phải chặt bỏ và tìm hướng đầu tư mới. Trong lúc đó, một số người đã nghĩ đến việc cải tạo vườn vải để chăn nuôi gà thả vườn học theo mô hình chăn nuôi gà tại huyện Yên Thế (Bắc Giang) - địa phương nằm giáp ranh với xã Hợp Tiến. Ban đầu, những hộ này nuôi với quy mô nhỏ, vài trăm con nhưng năng suất không cao vì thiếu kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi không có lãi trong một thời gian dài. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã Hợp Tiến đã tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp phát triển kinh tế. Năm 2005, Đảng bộ xã Hợp Tiến đã thông qua Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó tập trung vào thế mạnh địa phương để phát triển chăn nuôi gà thả vườn và trồng rừng.
Đến thăm gia đình chị Triệu Thị Ban, xóm Suối Khách, một trong những hộ nghèo của xã, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hàng trăm con gà đang tụ lại gần các máng thức ăn. Chị Ban cho chúng tôi biết: Lứa này, nhà tôi nuôi 600 con gà trên diện tích 3.000m2, còn một tuần nữa đàn gà này sẽ được xuất bán, dự tính thu về từ 40-50 triệu đồng. Được biết, trước kia, vợ chồng chị Ban chỉ đi làm thuê và trồng lúa (chủ yếu là giống lúa địa phuơng, năng suất thấp, dưới 40 tạ/ha) nên cuộc sống khó khăn, gia đình chị nhiều năm liền ở trong diện hộ nghèo. Cuối năm 2011, chị chuyển đổi sang nuôi gà Mía thả vườn. Được sự vận động và hỗ trợ về giống, kỹ thuật của xã, chị cũng đã mạnh dạn chuyển sang trồng lúa cao sản, ngô lai cho năng suất cao hơn hẳn những năm trước. Thời điểm này, chị đang chuẩn bị trồng keo tai tượng trên diện tích này, kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn và cấy lúa, chị Ban tin gia đình mình sẽ thoát nghèo vào năm 2014.
Ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết: Trong những năm qua, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn đến các xóm, hộ dân tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích bà con chuyển từ giống lúa thuần Bao thai, Khang dân sang các giống lúa cao sản (HT6, HT9, SH14…) cho năng suất cao, bình quân 49,5 tạ/ha. Toàn xã hiện có 228ha trồng lúa, trong đó có 50ha lúa cao sản. Xã cũng đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông huyện, các công ty giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y tổ chức tập huấn, hỗ trợ bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hàng năm, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi khoa học cho 10/10 xóm (500 - 700 lượt hộ dân). Toàn xã hiện có 15 mô hình trồng rừng từ 10-40ha và khoảng 600 gia trại chăn nuôi 500-2.000 con gà/lứa, 50-120 con lợn/năm.
Nhằm khai thác thế mạnh diện tích đồi rừng, trong hơn 10 năm trở lại đây, xã Hợp Tiến đã tập trung phát triển trồng rừng, trong đó chủ yếu là trồng keo tai tượng và tre phấn. Toàn xã hiện có khoảng 500ha trồng tre phấn, cho thu lãi 15 triệu đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động chuyên khai thác tre. Ngoài bán cho các địa bàn khác phục vụ ngành thủ công đan lát, việc phát triển cây tre phấn còn thu hút các doanh nghiệp mở cơ sở sản xuất tại xã. Toàn xã hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất tăm tre, tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động, với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ. Cây tre phấn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của người dân Hợp Tiến. Anh Ngô Văn Giang, chủ cơ sở chế biến tăm tre tại xóm Cao Phong cho biết: Trước kia, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ. Từ khi trong xã phát triển phong trào trồng tre phấn, tôi đã nghĩ đến việc tận dụng nguồn nguyên liệu này. Năm 2010, sau khi tìm hiểu và nhận được sự hợp tác của một công ty sản xuất tăm tre xuất khẩu tại Hải Dương, tôi đã xây dựng xưởng sơ chế tăm tre này. Hiện nay, xưởng của tôi đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, với thu nhập 100-150 nghìn đồng/ngày công.
Nhờ chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản luợng lúa của xã Hợp Tiến đã tăng từ dưới 2.000 tấn (năm 2005) lên 2.330 tấn (năm 2012); số hộ nghèo của xã Hợp Tiến đã giảm từ 731 trong giai đoạn 2001-2006 còn 530 hộ (hiện nay). Với những kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hợp Tiến đang là huớng đi đúng để xã thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.