Xã Hòa Bình có nhiều thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển cây chè. Hiện, toàn xã có hơn 730 hộ thì gần 90% số hộ tham gia trồng chè. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng sản phẩm của loại cây trồng này, nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP và đưa lò quay inox vào chế biến chè.
Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè đang kỳ trổ búp ở các xóm Tân Thành, Đồng Vung, Phố Hích, ông Lường Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ: Không biết cây chè đã bén rễ trên đất này từ bao giờ nhưng thời điểm cây chè phát triển mạnh nhất là vào năm 1990. Nhà nào ít cũng có một vài sào, nhà nào nhiều thì tính bằng ha. Được thiên nhiên ưu đãi, lại có kinh nghiệm trong việc trồng chè, các hộ dân ở Hòa Bình ngày càng chú trọng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất để đưa cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương thông qua hình thức cải tạo, thay thế các vườn chè già cỗi. Trung bình mỗi năm toàn xã trồng mới được gần 10ha chè, thay thế được khoảng 2ha chè già cỗi bằng những giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… Bên cạnh đó, bà con còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, chế biến chè do Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức; đặc biệt, năm 2009, xóm Tân Thành đã thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Tân Thành, gồm 20 hộ dân chuyên sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thay cho phương thức làm truyền thống kém hiệu quả. Đến nay, HTX này vẫn đang hoạt động tốt và tạo được sự uy tín đối với người tiêu dùng. Hiện tại, xã Hòa Bình có trên 210ha chè kinh doanh, trong đó có gần 10ha chè an toàn đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Đến thăm xưởng chế biến chè của ông Lê Huy Phúc, Chủ nhiệm HTX Tân Thành để tìm hiểu về cách sản xuất chè theo quy trình VietGAP chúng tôi được biết: Để có được sản phẩm chè an toàn, ngay từ khâu chăm sóc cần phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, không được sử dụng phân hóa học mà phải dùng phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định (mỗi lứa chè khi phun thuốc sau 8 đến 10 ngày mới thu hái). Chè hái về phải để lên nong nia hoặc đổ ra tấm bạt cho sạch sẽ, rồi dùng tôn quay inox để xao chè chứ không được dùng tôn sắt, như vậy chất lượng chè mới ngon, sản phẩm chè đạt mức an toàn. Trung bình mỗi cân chè thành phẩm có giá bán từ 200 đến 250 nghìn đồng, cao hơn chè sản xuất theo quy trình bình thường từ 50-100 nghìn đồng. Dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, gia đình tôi còn bán với giá 350 nghìn đồng/kg. Hiện, trên 1ha chè của gia đình, mỗi năm cho thu hoạch 9 lứa, mỗi lứa được 2 đến 3 tạ chè khô, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Được biết, nếu so với quy trình sản xuất trước đây thì việc thực hiện theo quy trình sản xuất chè an toàn sẽ tiết kiệm được khoảng 30% chi phí mà chất lượng lại cao hơn hẳn. Vì thế, một số hộ dân ở Hòa Bình đã đầu tư đưa lò quay inox vào chế biến chè. Ưu điểm của loại lò quay này là nóng lâu, giúp tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt là sản phẩm chè ngon, nước không bị đỏ, chè không bị ám khói hay có mùi tanh như xao bằng tôn quay sắt. Thời gian sử dụng của lò quay xao inox cũng cao hơn, nếu như một lò quay xao bằng sắt thường chỉ sử dụng được trong vòng 2 năm thì lò quay xao inox có thể sử dụng được khoảng 6 năm mới phải thay mới. Tuy nhiên, chi phí cho một lò quay xao bằng inox khá cao (khoảng 7 triệu đồng), nhiều hơn gấp 3 lần so với lò quay xao thường nên nhiều hộ dân vẫn chưa dám đầu tư. Hiện cả xã mới có khoảng gần 50 hộ sử dụng lò quay xao chè bằng inox, còn trên 600 hộ vẫn đang sử dụng lò quay xao chè bằng sắt. Để nâng cao chất lượng chè và khuyến khích người dân sử dụng lò quay xao chất liệu mới, cuối năm 2011, huyện Đồng Hỷ đã dành 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình nông thôn mới để xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Tham gia mô hình có 18 hộ dân ở xóm Phố Hích, mỗi hộ được hỗ trợ 75% kinh phí để mua tôn inox và làm ống khói phục vụ cho xao chè. Ông Phạm Minh Thành, xóm Phố Hích cho biết: Trước đây gia đình tôi sử dụng tôn quay sắt, mỗi lần mang chè đi bán thường bị khách chê là màu nước không đẹp, rồi bị ép giá. Nhưng từ ngày xao chè bằng tôn quay inox, chè làm ra đến đâu là bán hết đến đó, giá cả bao giờ cũng cao hơn khoảng 40 nghìn đồng so với chè xao bằng tôn quay thường.
Có thể nói, việc nâng cao chất lượng chè bằng các phương pháp trên đã giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế của cây chè. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và, kinh nghiệm nhiều năm trồng chè, hy vọng sản phẩm chè ở Hòa Bình sẽ ngày càng nâng lên và được nhiều người biết đến.