Tình hình khó khăn trong nước và thế giới đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ thép. Nhưng nhờ chính sách khuyến mãi, kích cầu, ngành Thép đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan.
Tín hiệu lạc quan
Do ảnh hưởng của tình hình khó khăn trong nước và thế giới, sản xuất và tiêu thụ thép trong thời gian qua cũng đã gặp không ít khó khăn. Công suất sản xuất một số sản phẩm như: Thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cuộn cán nguội của các doanh nghiệp đều giảm. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải sản xuất cầm chừng. Đáng chú ý, việc xuất khẩu sản phẩm thép cũng gặp khó khăn khi các nước áp dụng nhiều chính sách bảo hộ, hạn chế nhập khẩu...
Đứng trước nhiều khó khăn, việc tìm hướng đi sao cho có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho là bài toán khó của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, hiện tiêu thụ thép trong nước đang có nhiều tín hiệu khả quan.
Sau hơn một năm sản xuất và tiêu thụ đình trệ, thị trường thép quý I/2013 có dấu hiệu hồi phục. Thị trường thép đã có sự tăng giá trở lại do ảnh hưởng của giá nguyên liệu luyện kim trên thị trường thế giới. Trong tháng 3/2013, giá thép trong nước đã tăng phổ biến từ 220.000 - 300.000 đồng/tấn so với giá bán bình quân từ đầu năm 2013. Hiện giá bán lẻ thép tại một số địa phương tại miền Bắc dao động ở mức từ 16 -18 triệu đồng/tấn, tại miền Nam giá từ 16,5 - 18,2 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, cung - cầu quý I/2013 ngành Thép có bước khởi sắc, tiêu thụ tháng 3 tăng đáng kể. Theo Bộ Xây dựng, lượng thép sản xuất của toàn ngành trong tháng 3 đạt khoảng 270.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với tháng 2/2013 nhưng giảm 80.000 tấn (20%) so với cùng kỳ năm 2012.
Về sản xuất thép của quý I/2013 đạt 867.000 tấn, giảm 30.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Về tiêu thụ tháng 3/2013 đạt khoảng 260.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với tháng 2/2013; tính chung trong quý I/2013, tiêu thụ thép đạt 910.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ.
Về thép nhập khẩu, theo số liệu Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu tính đến tháng 3 đạt 800.000 tấn, giá trị 574.000 USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy đã giảm nhưng lượng thép nhập khẩu vẫn còn khá cao so với sản lượng thép và tiêu thụ trong nước. Trong đó, riêng Tổng công ty Thép Việt Nam, sản lượng thép nhập khẩu các loại của Tổng công ty trong quý I đạt khoảng 303,2 nghìn tấn, giảm 13,7% so với cùng kỳ.
Có thể nói, những tín hiệu khởi sắc đang giúp ngành Thép có thêm niềm tin vào sự cải thiện của thị trường. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc tiêu thụ đang có những chuyển biến tích cực đã giúp cho sản xuất trở lại bình thường. Với yếu tố tích cực này, thêm vào đó, hiện đang là mùa xây dựng nên chắc chắn tiêu thụ những tháng tiếp theo sẽ ổn định hơn; từ đó, góp phần giảm bớt những khó khăn và phục hồi sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp thép.
Tăng cường các giải pháp
Bên cạnh những dấu hiệu quả quan thì hiện lượng thép tồn kho vẫn lớn. Tính đến 15/3, cả nước còn khoảng 330.000 tấn tồn kho, tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Đây đang là khó khăn lớn đối với ngành Thép. Hơn thế nữa, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, dấu hiệu phục hồi mong manh trong khi lượng cung vượt cầu quá xa, cùng với sức ép của thị trường do thép Trung Quốc giá rẻ vẫn nhập vào Việt Nam quá nhiều, khiến cho thép nội phải cạnh tranh gay gắt, từ đó, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong nước.
Hầu hết doanh nghiệp thép đều nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn khó khăn đối với ngành Thép. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có những giải pháp để thúc đẩy thị trường thép gia tăng sản lượng.
Theo đó, cần phải đặt ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc, cụ thể là loại bỏ thuế hải quan đối với phôi thép nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước; cần phải thiết lập các thông số tiêu chuẩn hóa cho các sản phẩm thép để tránh làm mất tính cạnh tranh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng trên cơ sở ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, cần kiểm soát chặt chi phí đầu vào cho sản xuất; kiểm soát giá cả và ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp ngành Thép…
Được biết, trong năm 2013, toàn ngành Thép đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2% đến 3%. Mong rằng, với các giải pháp tích cực trong thời gian tới, ngành Thép sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy kinh tế phát triển.