Theo quy luật thị trường thì những ngành hàng nào chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thì khi giá trị nhập khẩu tăng ắt giá trị sản xuất nội địa của ngành đó cũng tăng theo. Ở tỉnh ta, hai ngành hàng thể hiện rõ nét nhất quy luật đó là thép và may mặc.
Thép là ngành hàng truyền thống và là thế mạnh của tỉnh từ nhiều năm nay. Mặc dù nguồn nguyên liệu khá dồi dào do có nhiều mỏ quặng sắt trữ lượng lớn, song việc nhập khẩu phôi thép cũng như thép phế hàng năm của các doanh nghiệp ở tỉnh ta vẫn chiếm khá lớn (khoảng 50% tổng giá trị nhập khẩu). Ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị sản xuất thép từ “gốc” đến “ngọn” cũng vẫn phải nhập tới 40% nguồn phôi từ nước ngoài. Tháng 3 vừa qua, giá trị nhập khẩu nguyên liệu sắt thép của tỉnh là 11 triệu USD (tương đương 20,6 nghìn tấn), giảm 4% về lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Song song với đó thì sản xuất mặt hàng thép trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 cũng chỉ đạt 67,2 nghìn tấn, giảm 16,8% sản lượng so với cùng kỳ. Tính chung cả quý I năm nay, kim ngạch nhập khẩu sắt thép của tỉnh đạt 32 triệu USD (tương đương với 20 nghìn tấn phôi thép, 47,4 nghìn tấn thép phế), xấp xỉ cùng kỳ năm trước, sản xuất cũng chỉ đạt 152,6 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ và bằng 15,7% kế hoạch cả năm.
Trong ngành thép của tỉnh hiện nay thì Công ty CP Thương mại Thái Hưng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép. Hết quý I năm nay, doanh nghiệp này đã nhập khẩu gần 100 nghìn tấn nguyên liệu, trong đó có 76 nghìn tấn phôi thép và trên 20 nghìn tấn thép phế. Theo kế hoạch, năm nay doanh nghiệp sẽ nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn thép nguyên liệu. Ông Nguyễn Nam Tiến, Trưởng phòng Tổ chức - Kế hoạch của Công ty cho biết: Do thị trường tiêu thụ đầu năm nay vẫn rất khó khăn nên giá trị nhập khẩu cũng như sản xuất thép của đơn vị chưa đạt như mong muốn. Nếu thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt như mấy năm trước thì lượng hàng nhập khẩu của doanh nghiệp trong quý I vừa qua không dừng lại ở con số gần 100 nghìn tấn mà phải từ 150 nghìn tấn trở lên. Tuy nhiên, Công ty đang phấn đấu cả năm 2013 sản lượng nhập khẩu sẽ vượt 50 nghìn tấn so với năm 2012, tổng doanh thu đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng... Được biết, Công ty CP Thương mại Thái Hưng ngoài cung cấp nguồn phôi và thép phế nhập khẩu cho các nhà máy sản xuất thép trong nước còn tự sản xuất tại Nhà máy cán thép ở tỉnh Hải Dương.
Đặt câu hỏi tại sao năm 2012 vấn đề nhập khẩu và sản xuất thép trong tỉnh dường như không tuân theo quy luật (tức là nhập khẩu tăng tới 44% về lượng, 17% về giá trị so với năm trước nhưng sản xuất lại giảm 8,3%), chúng tôi được ông La Hồng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh giải thích: Năm 2012 là một năm hết sức đặc biệt đối với ngành thép bởi chúng ta có tới mấy chục triệu USD giá trị nhập khẩu do hoạt động tạm nhập tái xuất ở những tháng đầu năm. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã tạm nhập thép thành phẩm sau đó lại xuất đi nên thông số giữa nhập khẩu và sản xuất mới có sự chênh lệch, chứ quy luật vẫn là quy luật. Và việc tạm nhập tái xuất thành phẩm thép là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm thép tồn kho của chúng ta năm vừa qua còn khá lớn.
May mặc là ngành hàng tiêu biểu thứ hai được nhắc đến ở đây. Do đặc thù là ngành hàng chủ yếu gia công, phụ thuộc hầu hết vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài nên giá trị nhập khẩu của ngành này thường rất cao. Năm 2012, toàn tỉnh đã nhập tới 52 triệu USD vải và phụ liệu may mặc, tăng 45% so với năm 2011. Do giá trị nhập khẩu tăng cao nên sản phẩm may mặc sản xuất trong tỉnh năm 2012 cũng đạt sản lượng kỷ lục: 36,2 triệu sản phẩm, tăng 104% so với năm 2011 và vượt 84% kế hoạch năm. Tháng 3 vừa qua, giá trị nhập khẩu vải và phụ liệu hàng may mặc của tỉnh tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tương đương với đó, sản xuất hàng may mặc cũng tăng 12,6%. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thì những tháng đầu năm nay sản xuất và tiêu thụ hàng may mặc gặp nhiều khó khăn nên giá trị sản xuất cũng như nhập khẩu phụ liệu của ngành hàng này chưa đạt được như yêu cầu. Thường vào đầu năm giá trị nhập khẩu và giá trị sản xuất hay chênh nhau, trong đó giá trị nhập khẩu cao hơn. Nhưng tất cả sẽ được cân đối vào thời điểm giữa và cuối năm khi thị trường ổn định hơn.
Như vậy, thông qua 2 ngành hàng tiêu biểu của tỉnh chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng rõ nét giữa nhập khẩu và sản xuất. Qua đó, đối với một số ngành hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập thì có thể chỉ xem giá trị nhập khẩu cũng đủ để đoán biết được giá trị sản xuất nội địa của ngành hàng đó ra sao.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu với tổng giá trị trung bình mỗi năm đạt hơn 300 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là nhập các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất thép, may mặc, phụ tùng máy móc thiết bị, than, hồ điện cực, chế biến thức ăn gia súc, phân bón, vật liệu chịu lửa và giấy lề các loại.
|