Năm 2012, sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng của tỉnh đạt trên 82 nghìn tấn, tăng 14% so với năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển chăn nuôi của tỉnh. Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân chính là “rào cản” khiến cho hiệu quả sản xuất chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng. Chăn nuôi manh mún, thiếu tập trung cũng làm cho việc kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn…
Nhiều năm nay, chăn nuôi ở tỉnh vẫn phát triển rất manh mún, hộ nào có điều kiện thì chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô hằng trăm con mỗi lứa; những hộ không có điều kiện thì chăn nuôi vài ba con hoặc vài chục con/lứa. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ngoại 5, 6 năm nay ở xóm Phúc Lộc, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mỗi năm, gia đình chăn nuôi khoảng 20-40 con lợn nái và 200-400 con lợn thịt. Tuy nhiên, ở đây, số hộ chăn nuôi quy mô lớn như gia đình tôi chưa nhiều. Đầu tư lớn nhưng cũng rất lo bị thất bại vì dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn lợn.
Lo lắng của anh Thắng là có cơ sở vì ở xóm Phúc Lộc còn rất nhiều hộ chăn nuôi lợn khác, thậm chí có hộ chỉ nuôi vài ba con mang tính chất cải thiện là chính, chưa chú ý đến phòng dịch nên dịch bệnh rất dễ phát tán. Và đây cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, phát triển chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ đang kìm hãm ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển. Theo nhận định của ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện Đề án phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2013-2020 của tỉnh chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề này. Do đó, ngay sau khi đươc UBND tỉnh phê duyệt, ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai Đề án này.
Được biết, mục tiêu của Đề án này là phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi mạnh cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 36,9% năm 2012 lên 40% vào năm 2015. Cụ thể, quy mô đàn trâu: 68 nghìn con; đàn bò: 32 nghìn con; đàn lợn là 690 nghìn con; đàn gia cầm là 9,5 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại trên 123 nghìn tấn. Cơ cấu giá trị sản xuất đàn vật nuôi: gia súc 65%; gia cầm 28%; đại gia súc 5%; các loại vật nuôi khác 2%. Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm với tỷ lệ đàn lợn nạc hóa trên 50%; nái ngoại chiếm 20%; nái lai 50%; bò lai Zebu 43,8 %; có 550 trang trại theo tiêu chí mới.
Đến năm 2020, tỷ trọng của ngành Chăn nuôi sẽ chiếm 50% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp với mục tiêu giảm quy mô đàn trâu xuống còn 65 nghìn con, đàn bò 30 nghìn con, tăng đàn lợn lên 800 nghìn con, đàn gia cầm 13 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 156,3 nghìn tấn…
Cùng với đó, Đề án này cũng hướng tới mục tiêu từng bước quản lý tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm, công tác thú y; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh; triển khai lập và thực hiện tốt quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm vụ đề ra là như vậy tuy nhiên, để đạt kết quả như mong muốn không phải là chuyện giản đơn, nhất là khi tư duy chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm đã “ăn sâu, bén rễ” trong suy nghĩ của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh mấy chục năm qua. Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng: Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ngành sẽ phát triển đàn vật nuôi theo thế mạnh từng vùng. Trong đó, vùng đối với vùng núi, vùng khó khăn, chủ yếu phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp điều kiện chăn nuôi như trâu nội, bò lai Zê-bu, dê, lợn Móng Cái, nhóm giống gà địa phương... Đối với vùng trung du, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm năng suất cao như: trâu lai, lợn ngoại, nhóm gia cầm siêu thịt, siêu trứng… Đối với vùng đô thị như T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, giảm tối đa chăn nuôi chuyển dần về các huyện còn quỹ đất giành cho chăn nuôi, duy trì phát triển chăn nuôi tại các xã ngoại thành…
Cùng với đó, Ngành sẽ quan tâm phát triển các điểm cung ứng giống, truyền tinh nhân tạo giống trâu, bò, lợn để tăng tỷ lệ bò lai Zêbu, lợn nạc hóa và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn trâu… Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới, việc quy hoạch đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung sẽ đảm bảo lâu dài, ổn định đến tận huyện, xã, tạo sự yên tâm, thuận lợi cho những nhà đầu tư phát triển chăn nuôi. Kéo theo đó là chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả, nhất là tại các vùng trung du, đồi gò... sang phát triển chăn nuôi trang trại.
Để chăn nuôi phát triển ổn định, vấn đề bảo vệ đàn vật nuôi và bảo vệ môi trường cũng được tính đến. Tiêm phòng các loại bệnh cho đàn vật nuôi là ưu tiên số một. Kế đến là quan tâm vệ sinh sát trùng tiêu độc, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; quy hoạch và hỗ trợ đầu tư để hình thành cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc… Đặc biệt, 100 % các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải lập cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, thiết lập một chuỗi khép kín cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất, khâu phân phối đến tiêu thụ, đảm bảo nguồn ra ổn định cũng như mức giá thành hợp lý cho người chăn nuôi... Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, trạm, trại, các hộ chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi trong vùng quy hoạch và tham gia công tác phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm một phần kinh phí để phát triển giống, thụ tinh nhân tạo, xử lý môi trường...