Tháng 3/2010, mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đầu tiên của tỉnh được triển khai tại xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) trên diện tích 3ha, với 50 hộ dân tham gia trồng 6 loại rau (ngót, bí, cải ăn lá, bắp cải, cà rốt, đậu đỗ). Sau một năm thực hiện (3/2011), các hộ dân tham gia mô hình đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000ha đất sản xuất rau, trong đó có 2.000ha đất rau sản xuất rau chuyên canh. Đây là một thuận lợi để tỉnh ta sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân. |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm cho hay: Thành công từ mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác rau của người dân. Trước đây, bà con có thói quen phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) định kỳ cho rau, thuốc chưa bảo đảm thời gian cách ly đã thu hoạch. Nhưng nay, các hộ dân đã dùng đúng thuốc, đúng bệnh và chỉ khi có sâu bệnh mới phun thuốc BVTV, thu hoạch sản phẩm đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, qua thực hiện mô hình này, người dân đã dần có thói quen sử dụng các loại phân vi sinh để cải tạo đất; ghi chép nhật ký canh tác để sản phẩm có thể truy nguyên nguồn gốc; có ý thức thu vỏ thuốc BVTV...
Về phía người dân cũng rất hào hứng khi tham gia mô hình này. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân trong xóm chia sẻ: Phương thức sản xuất này không chỉ tạo ra sản phẩm “sạch”, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính chúng tôi – những người sản xuất rau chuyên canh. Và hơn thế, hiệu quả kinh tế cũng tăng lên 20-30% so với cùng một đơn vị diện tích trồng rau trước đây.
Điều đáng mừng là sau 2 năm được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, đến nay, các hộ dân ở xóm Cậy vẫn duy trì được hình thức sản xuất này (bà con tự đóng góp kinh phí để xin cấp giấy chứng nhận). Sản phẩm rau an toàn của các hộ dân trong xóm cũng đã tiếp cận được với thị trường. Có mặt tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau an toàn trên đường Chu Văn An (T.P Thái Nguyên), nơi có bán rau an toàn xóm Cậy, chúng tôi nhận thấy người mua khá đông dù giá bán mỗi kg rau, củ quả ở cửa hàng này cao hơn các loại rau sản xuất theo phương thức truyền thống khoảng 30-40%. Chị Lê Thị Hạnh, một người dân ở tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ khi biết có cửa hàng này, tôi thường xuyên mua rau ở đây. Sử dụng rau an toàn trong các bữa ăn sẽ bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài xóm Cậy, hiện nay, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP đang được duy trì tại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ), trên diện tích 2,2 ha, với các loại rau cải, súp lơ, đậu đỗ, mướp. Đến cuối tháng 12 năm nay, Giấy chứng nhận VietGAP cho 2,2ha rau ở Bến Đò mới hết hiệu lực. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho hay: Nhu cầu về sử dụng sản phẩm rau an toàn của người dân rất nhiều. Tuy nhiên, một thực tế là từ năm 2010 đến nay, ngoài 2 mô hình vừa nêu trên thì tỉnh ta chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, thậm chí còn bị “teo” đi. Đơn cử như mô hình sản xuất rau an toàn ở xóm Nhị Hòa, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP từ tháng 12-2010, nhưng 1 năm sau, khi Giấy chứng nhận hết hiện lực thì mô hình cũng kết thúc theo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tỉnh ta chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP là do các hộ sản xuất rau chưa tự bỏ tiền ra để đăng ký chứng nhận VietGAP mà chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ (tất cả các mô hình chứng nhận VietGAP) đều là tiền của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án). Ông Hà Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp nói: Để nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì điều quan trọng nhất là tỉnh ta phải nâng cao nhận thức của người sản xuất về vấn đề này thông qua các lớp tập huấn của ngành Nông nghiệp và các phương tiện thông tin, đại chúng. Theo đó, các hộ dân cần liên kết, hình thành các tổ hợp tác, cùng đóng góp tiền để có kinh phí làm thủ tục xin ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận bởi đây chính là “giấy thông hành” giúp sản phẩm của nông dân không chỉ đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà còn có thể xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, tỉnh ta cũng cần quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn làm cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm rau an toàn theo quy trình VietGAP; tăng cường công tác kiểm tra, rút kinh nghiệp để nhân rộng mô hình...
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các hộ sản xuất rau an toàn thì người bán hàng trên địa bàn tỉnh cũng phải nghiêm túc trong việc cung ứng sản phẩm để bảo đảm quyền lợi và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện nay, có cửa hàng giới thiệu rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP đang trà trộn các loại rau không nằm trong danh mục đã được cấp Giấy chứng nhận để bán cho người tiêu dùng. Cụ thể, xóm Cậy chỉ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP 6 loại rau, nhưng có cửa hàng bán các loại rau không nằm trong danh mục 6 loại rau này nhưng vẫn đề là rau an toàn của xóm Cậy...