Tháng Tư, về xã Thuận Thành (Phổ Yên), đi trên con đường làng trải bê tông, ngắm những ngôi nhà khang trang, những cánh đồng rì xanh màu lúa và sự bận rộn của người thợ đang thi công trên công trường xây dựng. Giữa khung cảnh ấy, tôi có cảm nhận được đầy đủ hơn về sự đổi mới của vùng đất này. Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã tự hào: Cuộc sống của người dân Thuận Thành đã ổn định hơn nhiều so với 10 năm trước đây.
Cái mốc thời gian 10 năm trước mà ông Chủ tịch Hội đưa ra, là bởi những ngày đó, huyện Phổ Yên thực hiện chủ trương lấy đất làm mặt bằng xây dựng khu công nghiệp, mời nhà đầu tư. "Dính dáng" đến đất đai bị thu hồi làm khu công nghiệp, cả xã Thuận Thành có hơn 1.000 hộ, với tổng diện tích đất bị thu hồi là 129 ha, nhiều nông hộ bị mất hết đất sản xuất nông nghiệp. Bài toán an sinh xã hội được đặt ra, Hội Nông dân xã đã cùng với chính quyền sở tại đã có ngay đáp số bằng việc định hướng cho nông dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, như tạo điều kiện cho đi học nghề, chuyển đổi nghề mới. Với Hội Nông dân xã hằng năm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức cho nông dân tham gia các lớp tập huấn nghề đan lát, cây cảnh, chăn nuôi hoặc làm dịch vụ… Ông Nguyễn Mạnh Khoái, xóm Xây Tây cho biết: Năm 2002, Nhà nước lấy của gia đình tôi 4/6 sào đất ruộng để xây dựng khu công nghiệp, tôi đã sử dụng số tiền được Nhà nước đền bù để đi học nghề mộc. Sau đó đi làm thuê, rồi mở một xưởng mộc ở nhà vào năm 2010. Chủ yếu là làm các sản phẩm đồ mộc dân dụng, có lúc tôi phải thuê thêm 8 nhân công làm việc tại xưởng. Cũng nhờ có nghề mới này, cuối năm 2011 gia đình tôi được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của xã.
Ông Khoái là một trong những hội viên nông dân năng động, hết ruộng cày thì mưu sinh bằng cách chuyển sang làm nghề mộc, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân trong vùng. Hơn thế, ông còn tạo được việc làm cho gần 10 lao động địa phương... Rời xưởng mộc của gia đình ông Khoái, tiếng máy cưa, máy tiện còn rền rít sau lưng. Đến xóm Xây Tây, chúng tôi vào nhà bà Nguyễn Thị Thông, hộ nông dân chuyên làm cây cảnh từ 10 năm nay. Bà Thông vồn vã bảo: Nhờ Hội Nông dân tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về ươm trồng, chăm sóc cây cảnh, gia đình tôi đã có một nghề mới để sống… Anh Nguyễn Văn Hoan, con trai bà Thông đưa chúng tôi ra thăm khu vườn cây trước nhà, giới thiệu cho tôi về lai lịch của những cây xanh, si, lộc vừng… và các dáng, thế cây, nghệ thuật tạo hình cho cây. Anh cho biết: Đất đai hạn hẹp nên gia đình tôi mới đầu tư được gần 100 cây cảnh các loại. Hằng ngày chăm sóc và tạo thế, bán 1 cây thì bù lại vào đó 1 cây. Nhờ làm cây cảnh, năm 2012 gia đình tôi đã thoát nghèo.
Ông Quyết cho biết: Năm 2012, Hội Nông dân xã đã có thêm 33 gia đình hội viên thoát nghèo. Xã còn hơn 60 gia đình hội viên nông dân đang cần được hỗ trợ về vốn vay phát triển sản xuất hoặc làm dịch vụ… Việc giảm tỷ lệ gia đình hội viên nông dân nghèo ở xã được coi là một trong những hoạt động, chương trình lớn của Hội. Vì thế trong 5 năm trở lại đây, với gia đình hội viên thiếu đất sản xuất, Hội vận động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hội viên được tham gia các lớp học tập, chuyển đổi nghề mới. Nhờ đó mà nhiều hộ đã trở nên khá giả. Với các hộ còn đất sản xuất, Hội phối hợp với phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, đồng thời chỉ đạo hội viên tăng cường cải tạo đồng ruộng, nơi thuận nước cấy lúa 2 vụ giống mới năng suất, chất lượng cao; chỗ đất gò bãi dành trồng cây ngô, màu và các loại rau thương phẩm. Về chăn nuôi, hội viên nông dân cũng đã dần đưa lợn nái ngoại vào thay thế giống địa phương. Các khu đất trũng được ngăn lại, tạo thành vùng nuôi thả cá theo hướng thâm canh. Nhờ vậy, đời sống kinh tế, tinh thần của hội viên nông dân trong xã nhanh chóng ổn định. Góp phần làm nên một diện mạo mới, sức sống mới cho vùng đất Thuận Thành - cửa ngõ của tỉnh Thái Nguyên.