Chuyện đời rồi chuyện mình, ông Phạm Văn Quyền, xóm Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) kéo tôi ra chuồng bò khoe chú bê vàng bụ bẫm của gia đình mới mua. Ông bảo: Đời tôi, bò bê nhiều lắm, cứ mua về, vỗ béo, được giá là bán... Vốn đầu tư, tôi vay được từ tiền quỹ của chi hội do hội viên nông dân đóng góp.
Số tiền ông Quyền vay được mỗi năm 1 triệu đồng từ quỹ chỉ đủ trồng cỏ chăn bò, song như một sự “hà hơi, tiếp sức”, vốn quỹ đã góp phần giúp nhiều nông dân như gia đình ông Quyền ổn định cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngô Thị Vân Anh, Thường vụ Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết thêm: Hiện tổng quỹ của Hội Nông dân toàn huyện đạt hơn 1,5 tỉ đồng, vốn do nông dân tự đóng góp. Vốn quỹ tuy không nhiều, nhưng đến được tay hội viên nhanh nhất, lúc cần nhất nên đồng vốn luôn phát huy được hiệu quả kinh tế cao...
Theo ông Trần Văn Nguyên, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh: Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm mục đích hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương và xây dựng Hội Nông dân cơ sở. Chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội giúp nông dân vay vốn phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triến sản xuất, thực hiện các chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, làm cho nông nghiệp phát triển, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, tiến bộ. Trong quá trình triển khai nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn vốn vay qua hoạt động uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Chương tình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT đã có tác dụng thiết thực đối với hội viên nông dân nghèo có vốn sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, tạo niềm tin trong hội viên đối với tổ chức Hội Nông dân.
Trên cơ sở hình thành từ các nguồn: Quỹ Hỗ trợ nông dân cơ sở do cơ sở và huyện quản lý; nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý và nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương phân bổ cho tỉnh quản lý và sử dụng. Hiện tổng các nguồn quỹ này của Hội Nông dân tỉnh đạt hơn 17 tỉ đồng, trong đó cấp cơ sở quản lý hơn 8,5 tỷ đồng (tiền do hội viên nông dân cơ sở hội đóng góp); cấp tỉnh quản lý hơn 2,1 tỷ đồng (thông qua phát hành vé xổ số) và cấp Trung ương giao cho tỉnh 6,5 tỷ đồng. Nguồn quỹ hỗ trợ cấp cơ sở chủ yếu luân chuyển cho hội viên nông dân vay phát triển sản xuất. Còn với nguồn Quỹ Hỗ trợ cấp tỉnh cũng được thực hiện luân chuyển cho hội viên nông dân vay.
Nhiều hội viên được vay vốn đã thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn hơn, có áp dụng khoa học kỹ thuật và hướng tới sản xuất hàng hoá theo nhu cầu thị trường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá. Điển hình như gia đình hội viên Nguyễn Duy Hưng, tổ Quang Vinh 1, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông được vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn theo quy mô gia trại, mỗi năm xuất bán hơn 12 tấn lợn thương phẩm, thu lãi gần 60 triệu đồng/năm. Các hộ vay vốn đã thực hiện theo mô hình hợp tác sản xuất như ở xã Phú Thịnh (Đại Từ) xây dựng được vườn ươm chè cành, có diện tích hơn 2.500m2 để ươm các giống chè cành nhập ngoại, ước tính sau khi xuất vườn thu được 350 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Ở xóm Làng Lường, gia đình hội viên Lý Thị Thuỷ đầu tư vốn làm kinh tế theo mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp dịch vụ đạt hiệu quả cao. Hiện gia đình bà chăn nuôi 10 lợn nái sinh sản, ao thả cá rộng 700m2 và 2 ha rừng sản xuất... mỗi năm gia đình bà đạt thu nhập 80 triệu đồng. Cũng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, một số hộ ở xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã vay để đầu tư chăn nuôi tổng hợp, phù hợp với điều kiện kinh tế và đất đai của địa phương và nhu cầu người tiêu dùng. Điển hình như gia đình hội viên Nguyễn Trọng Đạt, nuôi hươu, ngựa bạch, trâu, bò và gia cầm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn có lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Cùng với nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và cấp cơ sở, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp Trung ương giao cho tỉnh quản lý cũng phát huy được hiệu quả kinh tế cao. Với tổng vốn Quỹ hiện nay là 6,5 tỷ đồng, Hội thực hiện cho vay 19 dự án. Qua kiểm tra việc sử dụng vốn, hầu hết các dự án đều phát huy hiệu quả, đồng vốn đã sinh lời, như Dự án sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại xã Động Đạt (Phú Lương), Dự án chăn nuôi lợn thịt tại xã Hoá Trung (Đồng Hỷ), Dự án chăn nuôi lợn rừng tại xã Vạn Thọ (Đại Từ)... đã tạo được việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Bà Trần Thị Sinh, Chi hội trưởng chi hội nông dân xóm 5, xã Vạn Thọ đã tâm sự với chúng tôi: Nhờ 10 triệu đồng vốn vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp Trung ương, tôi đầu tư nuôi lợn rừng, trong 2 năm vừa qua, tôi đã bán gần 30 con lợn giống, thu gần 40 triệu đồng. Hiện trong chuồng của tôi còn đàn lợn rừng gần chục con. Số vốn vay Quỹ trước đây tôi đã trả xong, đúng hạn và đang làm thủ tục vay đợt mới. Với hội viên nông dân nghèo chúng tôi, thì tiền vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân được ví như “bà đỡ” mát tay, giúp nông dân chúng tôi có nhiều hơn cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.