Xử lý nợ xấu: Vấn đề không riêng của Ngân hàng

15:28, 22/04/2013

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), Chi nhánh Thái Nguyên, đến ngày 31/3/2013, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn từ nhóm 3 đến nhóm 5 (NHNN xếp 5 nhóm nợ: nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), nhóm 2 (nợ cần chú ý); nhóm 3 (dưới chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ), nhóm 5 (có khả năng mất vốn) đã trích lập Quỹ Dự phòng rủi ro (DPRR) là 237 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,14% tổng dư nợ (tổng dư nợ đến thời điểm này trên 18 nghìn tỷ đồng)...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu ngân hàng trong thời gian qua là do nhiều doanh nghiệp vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, song do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước làm cho doanh nghiệp (DN) không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến ngừng hoạt động thậm chí phá sản. Kéo theo một số DN vay vốn NH đầu tư cho sản xuất, kinh doanh không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng như cam kết.

 

 

Tuy nhiên, ngày 21/1/2013, NHNNVN lại có Thông tư số 02/2013/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/6/2013) về phân loại tài sản có, phương pháp trích lập Quỹ DPRR và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng mới, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì nợ xấu sẽ có xu hướng tăng lên do rất nhiều khoản không bị coi là nợ xấu hiện nay sẽ được xếp vào nợ xấu. Ví dụ như: nhiều khoản nợ trước đây được coi là an toàn, như nợ đang thu hồi theo kết luận của thanh tra... nay xếp vào nhóm nợ thứ 3. Còn các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được sẽ xếp nợ xấu nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần 2; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 3 trở lên, kể cả chưa bị quá hạn, hoặc đã quá hạn… đều xếp vào nhóm nợ có nguy cơ mất vốn. Theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNNVN, Chi nhánh Thái Nguyên: "Việc đưa ra tiêu chuẩn mới về phân loại nợ xấu để tiến tới thông lệ Quốc tế như vậy sẽ làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi". Song, nợ xấu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: DN bị xếp vào nợ xấu, không trả được nợ sẽ khó mà vay được món mới để đầu tư phát triển tiếp; các ngân hàng phải trích trích Quỹ DPRR rủi ro nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh (vì nợ nhóm 3 phải trích tới 20%; nợ nhóm 4 trích tới 50%; nợ nhóm 5 trích tới 100%); nguồn vốn không được khơi thông, tác động xấu đến phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, các ngân hàng đã và đang tích cực có phương án để xử lý nợ xấu nhằm giảm nợ xấu theo hướng: trích lập quỹ DPRR (là điều bất đắc dĩ); tái cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn; thận trọng hơn trong cho vay các món mới...

 

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Chi nhánh Lưu Xá cho biết: Đối với các khách hàng đang sản xuất, kinh doanh vẫn có khả năng phục hồi nhưng do hàng tồn kho, bán chậm thì Ngân hàng tiếp tục cơ cấu cho đơn vị theo hướng: tiếp tục cho vay nhưng gia tăng điều kiện tín dụng; bổ sung tài sản đảm bảo của cá nhân chủ DN và doanh nghiệp; quản lý nguồn thu; yêu cầu DN tích cực thu hồi công nợ, giải quyết hàng tồn kho; khách hàng chưa có nợ xấu tiếp tục hỗ trợ  DN thông qua các chương trình lãi suất ... Còn ông Hà Mậu Quý, Phó Giám đốc Ngân hàng cổ phần Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CNTN cho biết: Chi nhánh đang đánh giá lại toàn diện DN để tiếp tục hỗ trợ bằng việc giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp DN vượt qua khó khăn (ví dụ Chi nhánh đã đang làm "cầu nối" tiêu thụ sản phẩm cho các DN đang quan hệ tín dụng với Ngân hàng. Chẳng hạn như: vận động Công ty 472 giúp tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng cho Công ty cổ phần Bê tông; Công ty cổ phần Tiến Bộ được tham gia một số gói thầu của Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh để tiêu thụ dàn giáo...). 

 

Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu hiện đang gặp vướng mắc nhất là về đất đai (liên quan đến tài sản đảm bảo (TSĐB) thế chấp ngân hàng); sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp... Ví dụ như: Nhà máy cán Gia Sàng, vay của Ngân hàng Công thương Lưu Xá đã phát sinh nợ xấu 13,2 tỷ đồng (mới tính dư nợ gốc); tại VietinBank, Chi nhánh Thái Nguyên là 21 tỷ đồng. Do cổ đông lớn, không có sự thống nhất cao; cổ đông cá nhân chưa rõ ràng nên tiến độ xử lý chậm. Các NH chỉ còn cách trông chờ vào Đại hội cổ đông để tìm một phương án tối ưu giải quyết công ty, từ đó mới thu hồi được nợ. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc tích cực của tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết nhanh các vướng mắc về đất đai (vì tài sản là đất thuê), không những giải quyết quyền lợi của NH (thu hồi được nợ) mà còn giải quyết quyền lợi của người lao động, nợ ngân sách, nợ bảo hiểm.  Hoặc Khách sạn Tân Hải Long của Doanh nghiệp Nhân Thịnh cũng đang có nợ xấu của BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cần phải xử lý bằng tài sản đảm bảo, song cũng vướng mắc về đất đai. Trên diện tích khách sạn có nhiều lô đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có một số Giấy chứng nhận trước đây đã cấp diện tích đất thổ cư rất lớn (đến 2 nghìn m2), nên giá bán vào thời điểm đó được tính 100% là đất thổ cư. Nay hạn mức đất thổ cư chỉ còn vài trăm m2, nếu phát mại tài sản thì với hạn mức hiện tại bán theo giá đất thổ cư nên giá trị thu hồi thấp. Từ đó, dẫn đến tranh chấp giữa các bên nên 6 tháng qua vẫn chưa giải quyết được. Nếu tỉnh không có sự chỉ đạo các ngành chức năng (Tài nguyên & Môi trường; nếu cần khởi kiện phải có các cơ quan Tư pháp) vào cuộc tích cực sẽ khó xử lý vướng mắc về đất đai; xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến hoạt động NH và thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho NH thu hồi nợ, giảm nợ xấu. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho để trả nợ ngân hàng và có phương án kinh doanh mới, có khả thi để tiếp tục tiếp cận với gói vay mới; tích cực hợp tác với ngân hàng để xử lý các vướng mắc… Nếu các doanh nghiệp không giải quyết được nợ xấu thì NH cũng khó cho vay mới tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh để có cơ hội giải quyết nợ nần.

 

Xử lý nợ xấu trước hết là trách nhiệm thuộc về NH và các doanh nghiệp, song cũng rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Vì vậy, rất mong tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, cấp liên quan cùng vào cuộc để xử lý nợ xấu nhằm khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện mở rộng  tín dụng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


 

Ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNNVN, Chi nhánh Thái Nguyên: "Với chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, CNTN tiếp tục chỉ đạo các NH chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, phân loại nợ, mức trích, phương pháp trích lập quỹ DPRR và việc sử dụng DPRR để xử lý nợ rủi ro. Triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai; không thực hiện cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng...".