Áp dụng quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trong sản xuất chè, rau, củ, quả đã được tỉnh ta thực hiện từ năm 2008 và đến nay đã được nhân rộng ra nhiều mô hình. Tuy nhiên, quy trình này mới chỉ được áp dụng trong chăn nuôi từ tháng 4/2012 với 3 trang trại chăn nuôi tham gia, trong đó có 2 trang trại chăn nuôi lợn và 1 trang trại chăn nuôi gà.
Để được “mục sở thị” mô hình chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP, chúng tôi đã đến trang trại chăn nuôi gà của anh Trịnh Văn Thi ở xóm La Chưỡng, xã Tân Quang (T.X Sông Công). Sau 8 tháng áp dụng quy trình này, tháng 12/2012, trang trại của gia đình anh đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP do đảm bảo được các yếu tố như vị trí xây dựng trang trại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; chuồng trại được thiết kế hợp lý; con giống có nguồn gốc rõ ràng; làm tốt công tác vệ sinh trong chăn nuôi; ghi nhật ký, lưu trữ hồ sơ đẩy đủ để truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm…. Chị Nguyễn Thị Hương Lan, vợ anh Thi chia sẻ: Hiện nay trang trại của gia đình có 7.000 con gà lông trắng. Áp dụng quy trình này, tôi thấy gà ít mắc bệnh hơn trước rất nhiều, tỷ lệ gà bị chết giảm từ 5% xuống còn 2%. Đặc biệt, từ khi nuôi gà theo quy trình này, vợ chồng tôi đã nâng cao ý thức trong việc mua gà giống là phải có nguồn gốc rõ ràng; tiêm vắc-xin và cho gà uống thuốc phòng bệnh theo định kỳ; sử dụng thức ăn, nước uống sạch sẽ; hàng ngày thu gom chất thải để xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường...
Anh Hoàng Thanh Thủ, Trưởng phòng Kiểm nghiệm phân bón, thức ăn chăn nuôi (Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Đây là trang trại được Trung tâm chúng tôi lựa chọn thực hiện thí điểm việc chăn nuôi theo quy trình VietGAP và là trang trại đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đơn vị cấp giấy chứng nhận là Trung tâm Chất lượng nông, lâm sản vùng 1 (Hải Phòng). Ngoài mô hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng lựa chọn trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Lân ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) và bà Trần Thị Mai, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) thực hiện thí điểm việc chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Trong đó, trang trại của ông Lân nuôi 2.500 con lợn thịt/lứa, trang trại của bà Mai nuôi 5.000 con lợn thịt/lứa (1 năm nuôi khoảng 3, 4 lứa). Trang trại của bà Mai được cấp giấy chứng nhận VietGAP tháng 2/2013, trang trại của ông Lân được cấp giấy chứng nhận vào đầu tháng 5/2013. Đơn vị cấp giấy chứng nhận là Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm nhận định: Chăn nuôi theo quy trình VietGAP sẽ tạo ra sản phẩm thịt lợn, gà an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Đặc biệt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP rất thuận lợi bởi việc giám sát được chặt chẽ hơn do các trang trại chăn nuôi tập trung. Do đó, người dân có thể yên tâm khi sử dụng sản phẩm này.
Dù có những ưu điểm nêu trên nhưng quá trình thực hiện các mô hình này đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể là trình độ của các chủ trang trại chưa đồng đều nên việc tiếp cận quy trình VietGAP cũng chưa được đồng đều, có chủ trang trại chưa ghi nhật ký đầy đủ, không cập nhật đủ thông tin. Một thực tế nữa là nhu cầu được sử dụng sản phẩm thịt an toàn của người dân trong tỉnh là khá lớn. Chị Lê Huyền Trang, một người dân ở tổ 19, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho hay: Chúng tôi sẵn sàng mua sản phẩm thịt lợn, gà an toàn với giá cao hơn giá lợn, gà bán trôi nổi ngoài chợ. Nhưng hiện nay, chúng tôi chưa biết tìm đến đâu để mua các sản phẩm thịt an toàn. Khi người chăn nuôi sản xuất được thịt an toàn, người tiêu dùng có nhu cầu thì đó là điều kiện để tỉnh ta nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi. Tuy nhiên, theo anh Thủ, do còn mắc ở khâu phân phối sản phẩm nên thịt “sạch” vẫn chưa đến được với người tiêu dùng. Hiện, chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn một cách có hệ thống (một số sản phẩm rau an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh đã có các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, được người tiêu dùng đón nhận). Tỉnh ta lại chưa có khu giết mổ tập trung để đưa các sản phẩm thịt an toàn quy về một mối. Vì vậy, sản phẩm thịt an toàn và không an toàn đều bán trôi nổi ngoài thị trường nên giá bán hai loại sản phẩm này tương đương nhau. Trong khi đó, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, người chăn nuôi chịu chi phí đầu tư cao hơn do phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tiêm phòng cho vật nuôi…
Khi sản phẩm VietGAP chưa được đánh giá đúng với giá trị thực, chưa mang lại hiệu quả kinh tế thì việc duy trì và nhân rộng mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, để nhân rộng mô hình, tỉnh ta nên có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn. Theo đó là quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các lò giết mổ tập trung... Cùng với đó là tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và có chính sách hỗ trợ tập huấn sâu rộng đến người tiêu dùng và người sản xuất vì trong thực tế, nếu người tiêu dùng không phải là cán bộ làm trong ngành Nông nghiệp thì hâu như không ai biết thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là gì; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP…