Theo ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương thì chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành trên cơ sở từ ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng… sang phát triển công nghiệp chế biến và các dạng công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao là định hướng và cũng là đòi hỏi cần thiết trong lĩnh vực công thương của tỉnh hiện nay. Để chuyển dịch cơ cấu nội ngành một cách hiệu quả, một yêu cầu được đặt ra là phải tập trung thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đã có. Vì như thế mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trong tiến trinh hội nhập và phát triển bền vững.
Qua tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động những năm gần đây của ngành Công Thương, có hai việc được cho là thành công nhất: Thứ nhất, đã hoàn thiện hệ thống các quy hoạch ngành và bước đầu triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đề ra. Ngành cũng đã từng bước cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, góp phần tạo dựng và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Thứ hai, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có những ảnh hưởng xấu, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh vẫn tăng trưởng cao hơn trung bình của cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng bình quân 18,7%, trong khi cả nước chỉ đạt 13,8%. Năm 2012, dù chưa đạt được kế hoạch đề ra, song cũng tăng 7,2% so với năm 2011, trong khi cả nước là 5,8%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2012 so với năm 2011 cũng vượt gần 3% bình quân chung cả nước.
Mặc dù kết quả đạt được của ngành Công Thương là đáng ghi nhận, song thực tế để phát triển mạnh mẽ và bền vững theo đúng xu thế của thời đại thì việc phát triển công nghiệp chế biến và các dạng công nghiệp hỗ trợ theo hướng công nghệ cao là rất quan trọng. Bởi, từ trước đến nay, chúng ta chỉ tập trung phát triển ngành công nghiệp nặng với hệ thống máy móc, thiết bị cồng kềnh, giá trị sản xuất lớn nhưng lợi nhuận thu lại không tương xứng. Mặt khác, việc phát triển ngành khai khoáng, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng đã để lại rất nhiều tác động xấu, trong đó tác động lớn nhất chính là ô nhiễm môi trường. Còn ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng công nghệ cao thì gần như ngược lại hoàn toàn.
Nhận thấy rõ vấn đề này, những năm gần đây tỉnh đã rất chú trọng thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Một minh chứng rõ nét nhất chính là việc Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn Samsung Electronics đang được triển khai đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình. Cùng với đó, tỉnh rất quan tâm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ở những doanh nghiệp truyền thống như: Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Mani Hà Nội, Công ty Diezel Sông Công… Để chuyển dịch và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, ngành Công Thương đã đề xuất với tỉnh một số giải pháp quan trọng. Trong đó, trước tiên là việc quan tâm kêu gọi, ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ có kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám giá trị gia tăng lớn, đồng thời tăng tỉ lệ nội địa hóa gắn với các ngành sản xuất linh kiện, phụ liệu, sửa chữa, bảo dưỡng…, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành này. Tiếp theo, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ có lợi thế trên cơ sở trình độ khoa học công nghệ cao, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Tập trung sản xuất các sản phẩm linh - phụ kiện ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, linh – phụ kiện điện tử, dệt may, da giày. Chủ động liên kết để đầu tư phát triển sản xuất đồng đều, có sự phối hợp giữa công nghiệp trung ương và địa phương. Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu trên cơ sở chuyển từ hình thức gia công sang sản xuất, xuất khẩu trực tiếp để gia tăng giá trị. Tỉnh cũng sẽ khuyến khích, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dệt may đầu tư về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển ứng dụng công nghệ cao, đầu tư có chọn lọc, theo trọng điểm, tránh tối đa việc đầu tư dàn trải. Việc cần nhất là các dự án thu hút mới đều phải được đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo về tiến độ đầu tư, thụ hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt và ổn định sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch đề ra. Hiện tại, tỉnh đang có 6 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp nằm ở tất cả các địa phương trong tỉnh với quỹ đất sạch còn dồi dào. Đây là điều kiện tốt để các nhà đầu tư lựa chọn.
Trao đổi thêm về khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2013 của ngành Công Thương, ông Đinh Khắc Hiển khẳng định: 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tương đương so với cùng kỳ năm trước, song từ tháng thứ 5 trở đi tăng trưởng sẽ lớn hơn nhiều vì có bổ sung năng lực mới tăng thêm (Nhà máy Cán thép Thái Trung, Nhà máy luyện gang của Công ty CP Luyện kim đen, Dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo… đi vào hoạt động). Do vậy, việc hoàn thành kế hoạch năm 2013 là rất khả thi.