Đi chợ vùng cao: no bụng, no mắt

15:47, 25/05/2013

Nào gà giò, ốc hang, cua núi đá; nào rau ngót rừng, bù khai, măng nứa, bí đỏ, su su…tôi khệ nệ khuân về từ phiên chợ vùng cao Võ Nhai. Vậy mà vẫn thấy tiếc, giá có thời gian để mua thêm, ngắm thêm, chơi thêm.

Ăn đến no bụng

 

Đáng ra phải cho chữ chợ vào ngoặc kép vì thực chất nơi này là sân vận động, thường để tổ chức các sự kiện lớn của huyện. Sân rộng lắm, 3 bên là vách núi, đủ sức chứa hàng vạn người. Hôm nay sân biến thành chợ - nơi phô diễn về cái ăn, cái mặc của người Võ Nhai.

 

Vì háo hức nên 6 giờ sáng tôi đã phóng xe từ thành phố lên. Khi bà mé và đoàn các chị, các em vừa đặt những chiếc thạ đầy ắp sản vật vào nơi quy định thì tôi đã có mặt. Chao ôi, tôi không khỏi thốt lên thích thú, vì trước mắt người nội trợ thành phố luôn lo lắng về an toàn thực phẩm là tôi, những thứ đích thực mọc lên từ nương rẫy, được uống nước trời, hút đất lành để lớn như rau ngót rừng, bồ khai, ngọn bí, khoai lang, sắn, măng nứa, su su, mướp đắng, bí đỏ…cứ bày ngộn ngộn. Chẳng mời chào gì, chỉ có nụ cười lấp ló sau chiếc mũ tua rua của đồng bào Mông, sau cái khăn chít hình hộp của cô gái Dao, mà chỗ nào tôi cũng muốn dừng lạị để hỏi, để mua một cái gì đó.

 

Chợ thực sự là nơi phô diễn các món ẩm thực độc đáo của vùng đất có đến 2/3 là núi đá này. Thùng đậu phụ mang đến còn bốc hơi nghi ngút của làng nghề An Long (xã Bình Long). Đỗ tương ngon là của vùng đất núi Lều, xóm Làng Chàng (Tràng Xá); rồi gà đồi, nhím, thịt lợn “chạy bộ”….

 

- Sao ở núi mà lại có cua bể thế này? Tôi buột miệng hỏi khi bất ngờ đứng trước một “xô” cua, con nào con ấy to bằng bàn tay.

 

- Ấy dà, cua núi đá Thần Sa đấy, ngon hơn cua bể nhiều.

 

Cạnh cua là ốc, những con ốc hang to gấp đôi ốc mít bán ở thành phố, cái miệng loe rộng để bám vào vách đá. Tôi nếm thử vài con vừa luộc lên bốc hơi nghi ngút. Chà chà, ngon hơn hẳn ốc thành phố vì thịt dòn và ngọt lịm. Giá bán là 20 nghìn đồng/kg nhưng cứ bốc nặng tay là được chứ chả có cân đâu.

 

Ở góc chợ, người ta mang đến cái chậu to có mấy con cá tằm đang bơi. Cá tầm là đặc sản mới của vùng nước lạnh Mỏ Gà. Muốn ăn loại cá cao cấp này ở nhà hàng phải có tiền triệu. Người bán bảo: 200 nghìn một cân nhưng không cắt, mỗi con chừng 3 kg. – Vậy ai ăn đầu? Tôi hỏi. Mọi người cười ầm ĩ: - Ai cũng thích ăn đầu. Chỗ ấy toàn sụn, là chỗ ngon nhất của con cá tằm đấy.

 

Một điều tôi nhận thấy là chợ bán nhiều loại bánh trái, nhất là bánh làm từ gạo nếp: Bánh chưng, bánh rán, bánh dợm, bánh gio, bánh dày gấc, khảu sli…xếp la liệt. Tôi chú ý đến những chiếc bánh hình chóp nhiều loại to nhỏ, gói bằng lá chuối, lá chít, lá giang khác nhau. Hỏi mấy em người Dao xúm xít quanh gian hàng của Thị trấn Đình Cả, tôi được chỉ dẫn: loại bánh to này gọi là cooc mò, tiếng dân tộc là sừng bò, vì nó giống cái sừng con bò. Loại gói bằng lá chít là bánh gio, gói bằng lá chuối là bánh lẳng. Những thứ này đều chấm mật ăn mới ngon. Tôi mua ăn thử một chiếc cooc mò, hương vị rất ngon vì xôi nếp nương đã dẻo thơm lại thêm mấy hạt lạc bở tơi, bùi ngậy. Nhìn rổ bánh rán chiếc nào chiếc ấy tròn xoe, vàng hươm, tôi hỏi: Bánh nặn kiểu gì mà khéo thế? Mấy chị ở quầy của xóm Làng Chàng khoe: Chúng em làm suốt đêm qua đấy, gọi là bánh hút. Sao có tên lạ thế? Vì chúng em ngâm bánh rán vào mật mía, nó hút mật nên ngọt từ trong ngọt ra đấy. Quả đúng, không có lớp đường rơi lả tả, bánh hút có lớp mật quấn vào bột nếp cái hoa vàng, ăn hết cái này lại muốn ăn cái nữa.

 

Góc chợ đằng kia, các mế nổi lửa đồ chõ mèn mén. Bột ngô trắng mịn, đổ vào chõ đun cách thủy. Thấy tôi tò mò ngắm nghía, các mế bảo: lát nữa qua đây ăn mèn mén nhé. Nhưng tôi lắc đầu: no quá rồi.

 

Ngắm đến no mắt

 

Ở chợ có 2 sạp quần áo, vải vóc to tướng. Người ta bày ra hàng chồng váy Mông bằng nhung đen, cạp hoa, nếp xòe như một đóa hoa; những túi tua rua hạt cườm lóng lánh; những chiếc cổ áo thêu cầu kỳ, xấp vòng bạc to đùng…Trong số các cô gái Mông xúng xính chơi chợ, tôi để ý đến một cô gái trẻ có nụ cười bẽn lẽn, gương mặt tròn, má ửng hồng. - Em tên là Lý ở Mỏ Chì, Cúc Đường - cô thỏ thẻ cho biết vậy. - Váy áo này Lý mua ở đâu thế?. -Em tự làm chứ. - Khéo tay nhỉ? – Em mua vải, những hạt cườm này về xâu, cắt, khâu cho mình, mỗi năm chỉ làm được một bộ thôi. - Bộ như Lý đang mặc đây hết khoảng bao nhiêu tiền?- Hai triệu đồng đấy.

 

Tôi để ý trang phục của người Dao, chỗ phô diễn nổi bật nhất là cái vạt và cổ áo. Người ta chỉ cho tôi bà Đặng Thị Thành - một phụ nữ phúc hậu đang ngồi bán mấy mớ rau rừng, cây lá méo gội đầu - bà ấy thêu cổ áo đẹp nhất vùng. Chiếc áo bà Thành đang mặc rất đẹp, đặc biệt là vạt cổ áo và ngực áo, được thêu bằng chỉ các màu trắng, xanh, vàng, đỏ đen kết thành hình chữ thập, hình quả trám, mịn màng và đều tăm tắp. Bà Thành bảo: Thêu được cái cổ áo như thế mấy ít nhất 6 tháng trời. Ngày trẻ bà thêu suốt, nhưng giờ mắt kém rồi, chỉ thêu cho mình mặc thôi.

 

Ở Võ Nhai có người may quần áo dân tộc nức tiếng nữa là ông Phúc ở Tê Ba Nhất - Mấy cô gái Mông chỉ cho tôi như thế. - Hôm nào chị lên bọn em đưa đến nhà ông Phúc may quần áo, mình mang vải đến, tiền công là 7 trăm nghìn một bộ.

 

Vậy là có đến đây tôi mới biết, những bộ quần áo sặc sỡ của nam nữ Mông, Dao, Tày, Nùng tôi vẫn thấy không hẳn là mua sẵn ở chợ. Họ không tự trồng đay, kéo sợi, dệt vải như trước nữa, nhưng với nguyên liệu mua về, họ vẫn tự mình làm trang phục. Những hạt kim sa tí xíu đính chíu chít, những hạt cườm đủ màu xâu thành sợi tua rua, tùy thẩm mỹ, tài khéo léo mà có được bộ quần áo đẹp hay không.

 

Bỗng góc sân đằng kia vang lên tiếng reo: - Trúng rồi. - Họ làm gì đấy? - Thi bắn nỏ, đi xem thôi.

 

Nhưng tôi lại lắc đầu: No mắt rồi. Về thôi.