Về thăm xóm Đình Cường, xã Hoàng Nông (Đại Từ) vào những ngày mưa đầu hạ, chúng tôi không khỏi lo lắng vì nhớ lại nỗi gian nan khi vượt qua con suối nước lớn đầy đá "mồ côi" 3 năm trước. Nhưng thật ngỡ ngàng, Đình Cường nay đã đổi thay rất nhiều, cầu và đường bê tông đã được làm để nối liền xóm với trung tâm xã, và trong xóm, nhiều nhà 2 tầng đã mọc lên thay thế cho những ngôi nhà tạm trước kia.
Đình Cường là xóm nằm phía Tây trung tâm xã Hoàng Nông với 45 hộ, 172 nhân khẩu. 100% hộ dân trong xóm là đồng bào dân tộc Dao. Theo như các cụ cao tuổi trong xóm kể lại, Đình Cường được thành lập từ 4 gia đình người Dao vào khoảng năm 40 của thế kỷ trước. Ông Dương Trung Ngọc, Bí thư Chi bộ xóm Đình Cường cho biết: "Xóm đảo" là cái tên của những người dân xã Hoàng Nông đặt cho Đình Cường. Bởi lẽ, sau mỗi trận mưa lớn, Đình Cường lại trở thành vùng "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vì một bên là dãy núi Tam Đảo, một bên là dòng nước xiết của suối Cái. Nhưng bây giờ tên gọi "xóm đảo" chỉ để mọi người nói vui vì Đình Cường năm ngoái đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 cây cầu bắc qua dòng suối Cái.
Nhắc lại những khó khăn khi chưa có cầu, ông Ngọc cho biết thêm: Trước đây, chúng tôi vất vả lắm. Vào mùa mưa nước lớn, muốn vận chuyển hàng, chúng tôi phải gói chặt vào trong túi nilon, sau đó đẩy trôi qua dòng suối. Những ngày đó, có xe đạp cũng phải vác lên vai mà lội, chân phải lần qua những hòn đá "mồ côi" to bằng cái mũ cối, sang được đến bờ bên kia thì người cũng ướt hết. Khổ nhất là trẻ con, cứ sau mỗi trận mưa lại phải nghỉ học ở nhà. Nhớ nhất là trận lũ cách đây khoảng 8 năm, nước lớn nên trẻ con trong xóm phải nghỉ học cả tuần. 10 năm trước cũng có một người trong xóm chết vì bị nước cuốn trôi khi đang vượt suối.
Trước đây là thế nhưng hiện nay, đời sống của nhân dân trong xóm đã khấm khá hơn rất nhiều. Đưa chúng tôi đi thăm xóm, ông Ngọc chỉ con đường bê tông thẳng tắp nối từ cầu vào giới thiệu: Đến nay, 2/3 đường giao thông trong xóm đã được bê tông hóa. Làm được đường bê tông là do Nhà nước có cơ chế đối ứng nhân dân chỉ cần đóng góp 40%, tính ra làm 200m đường bê tông từ suối Cái tới đầu xóm mỗi nhân khẩu chỉ phải nộp hơn 100 nghìn và toàn xóm góp khoảng 200 công lao động. Ngoài ra, trong xóm nhà nào cũng có xe máy, ti vi, máy xao, vò chè, nhiều nhà có tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh. Hiện nay, chỉ còn 1 hộ trong xóm ở nhà tạm còn lại các hộ đã xây được nhà kiên cố, 4 hộ xây được nhà 2 tầng. Nhân dân có cuộc sống no đủ hơn nên trẻ em trong xóm cũng được học hành đầy đủ, 100% trẻ em học hết THCS, 70% hoàn thành chương trình THPT và 3 năm gần đây, xóm cũng có 4 em học sinh đỗ đại học.
Tìm hiểu thêm về Đình Cường, chúng tôi được biết xóm chỉ có hơn 10ha chè, 8ha lúa, đất đồi rừng rất ít vì tính từ diện tích đất ở của người dân lên núi Tam Đảo khoảng 200m là diện tích đất của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Làm thế nào mà người dân trong xóm vươn lên được như vậy, thắc mắc của chúng tôi đã được ông Bàn Văn Thắng, Trưởng xóm Đình Cường giải thích: Có đời sống khấm khá như ngày hôm nay là do nhân dân xóm Đình Cường chăm chỉ, chịu khó và tiết kiệm. Ở Đình Cường, gia đình nào cũng nuôi thêm con gà, con lợn, trồng rau, cấy lúa nên đủ ăn, còn lại bà con tích cực trồng chè để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, những năm qua, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ trực tiếp các giống lúa lai, chè cành, vật tư phân bón cho người dân. Do vậy, nhân dân trong xóm đã mạnh dạn thay đổi giống chè trung du già cỗi bằng giống chè lai như LDT1, Kim Tuyên, Long Vân…, đưa vào sử dụng các giống lúa lai như Nhị Ưu 838, TBR - 1… Đến nay, 30% diện tích chè trong xóm đã được thay thế bằng chè cành, 40% diện tích lúa sử dụng các giống lúa lai cho năng suất cao. Ngoài ra, toàn xóm cũng đã có 18 chiếc máy cày nên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã được cơ giới hóa.
Trước khi chia tay nhân dân xóm Đình Cường, chúng tôi vẫn còn một chút băn khoăn: Trong cuộc sống hối hả hiện nay, phong tục truyền của dân tộc Dao bà con lưu giữ thế nào? Ông Dương Trung Ngọc, Bí thư Chi bộ xóm tươi cười nói: Những phong tục truyền thống của cha ông để lại, chúng tôi luôn bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được xóa bỏ. Vào các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống, cưới hỏi nhân dân trong xóm đều mặc quần áo truyền thống dân tộc, chúc tụng nhau theo đúng phong tục xa xưa. Vào dịp đó mời các anh trở lại đây để cảm nhận bản sắc văn hóa dân tộc Dao xóm Đình Cường chúng tôi.
Lời mời chân thật, hồn hậu của những người dân tộc miền sơn cước ấy đã khiến trong lòng chúng tôi ai cũng thấy bịn rịn. Hẹn một ngày trở lại để ngắm nhìn những cô thôn nữ dân tộc Dao xúng xính trang phục dân tộc dạo chơi trên quê hương Đình Cường giàu đẹp. Đó hẳn sẽ là một bức tranh làm mê đắm lòng người.