Độc quyền sản xuất vàng miếng: Bộ Tư pháp xét tính pháp lý

09:50, 12/05/2013

Bộ Tư pháp vừa có văn bản trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, liên quan đến cơ sở pháp lý khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, đoàn thành phố Hà Nội, đã kiến nghị: Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ không quy định cụ thể giao cho công ty nào sản xuất kinh doanh vàng miếng. Trong khi đó, Quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức và quản lý vàng miếng lại giao cho công ty SJC sản xuất kinh doanh vàng miếng.

 

Theo đại biểu này, việc ban hành Quyết định 1623 gây bức xúc trong dư luận, các doanh nghiệp và nhiều đại biểu Quốc hội. Và với việc ban hành quyết định này, Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật hay không?

 

Trong Công văn số 2825/BTP-VP ngày 11/4/2013 về việc trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Bộ Tư pháp khẳng định Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN là có cơ sở pháp lý.

 

Theo Bộ Tư pháp, tại khoản 3, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng khẳng định rõ một trong những nguyên tắc về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

 

Đồng thời, tại điểm b, khoản 3, điều 16 nghị định này cũng quy định: “Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, phương thức thực hiện sản xuất trong từng thời kỳ”.

 

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngày 23/8/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có quy định “Ngân hàng Nhà nước giao Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC gia công vàng miếng theo các quy định tại quyết định này”.

 

Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND Tp.HCM, trong trường hợp cần thiết chuyển đổi quyền quản lý và sở hữu sẽ đơn giản, tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước so với việc thành lập một doanh nghiệp mới để thực hiện hoạt động này.

 

Mặt khác, vàng miếng là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến dự trữ ngoại hối của Nhà nước, có tác động lớn đến việc quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, do đó, cần phải được quản lý một cách chặt chẽ.

 

Thông tin Ngân hàng Nhà nước gửi đến cơ quan báo chí cũng nêu rằng: “Thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy việc ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và Quyết định 1623/QĐ-NHNN là hợp lý. Mặc dù giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn so với thị trường thế giới nhưng đã đi vào ổn định, không còn xuất hiện tình trạng “sóng vàng”, đẩy lùi tình trạng liên kết để làm giá, đầu cơ trên thị trường; khắc phục tình trạng gom giữ ngoại tệ để mua vàng, kiểm soát được tỷ giá một cách ổn định, tạo điều kiện để đưa thị trường vàng đi vào khuôn khổ.

 

Từ những căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên cho thấy việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN là có cơ sở pháp lý, đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về thẩm quyền tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng”.