Tiên Hội hiện đang được xem là một trong những xã tiêu biểu của huyện Đại Từ về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp. Tuy chỉ mới áp dụng vài năm gần đây, nhưng thực tế cho thấy việc đưa KHKT vào sản xuất ở xã nông nghiệp này đã không chỉ giúp nông dân tiết kiệm phần lớn sức lao động so với trước mà đời sống của họ cũng từng bước được cải thiện.
Gia đình ông Vũ Văn Tâm, xóm Tiên Trường 2, là một trong những hộ điển hình của xã về đưa tiến bộ KHKT vào canh tác. Ông Tâm cho biết: Gia đình tôi có 5.000m2 chè, 50 cây bưởi Diễn, 20 cây cam Canh, 30 cây nhãn cao sản nên vấn đề nước tưới rất cần được chú trọng. Qua xem báo, nghe đài và được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn, 4 năm trước, tôi đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước bằng van xoay để rút ngắn thời gian và công sức lao động. Được biết, ông Tâm đã chắt chiu, vay mượn khoảng 35 triệu đồng để xây bể chứa nước (dung tích 50m3) và mua một số thiết bị phục vụ tưới nước như máy bơm, ống nhựa, dây điện. Từ khi đưa hệ thống tưới nước bằng van xoay vào sản xuất, nhiều diện tích chè của gia đình ông trước đây năng suất thấp (khoảng 1 tạ chè búp khô/lứa), giờ đã tăng lên 2 tạ chè búp khô/lứa, thu về từ 25 đến 30 triệu đồng. Thay vì trước đây phải mất cả tuần mới tưới hết được diện tích canh tác, thì giờ chỉ mất khoảng một ngày. Ông Tâm hồ hởi: Chỉ cần cắm điện rồi về uống nước, hệ thống máy bơm sẽ tự hoạt động. Trong khoảng thời gian rỗi rãi đó, mình có thể kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vi sinh dạng lỏng nhằm tăng khả năng hấp thụ thức ăn, giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Hiện, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ canh tác nông nghiệp. Được biết, trước đây gia đình ông Tâm rất khó khăn, nhưng từ năm 2011 trở lại đây đời sống của gia đình ông đã khấm khá hơn rất nhiều.
Trường hợp tiếp theo chúng tôi muốn nhắc đến là gia đình bà Bùi Thị Tiếp, xóm Đồng Chung. Gia đình bà đã mua về 2 chiếc máy gặt đập liên hợp vừa để thu hoạch lúa của nhà, vừa để phục vụ bà con trong xóm, xã. Bà Tiếp cho biết: Trước đây, mỗi vụ thu hoạch lúa, người nông dân phải chi phí nhiều khoản, từ thuê gặt khoảng 100 nghìn đồng/sào; gánh, vận chuyển lúa từ ruộng lên bờ khoảng 130 nghìn đồng/buổi; chở về nhà khoảng 50 nghìn đồng/chuyến; tuốt lúa 50 nghìn đồng/sào. Vậy, tổng chi phí mất trên 300 nghìn đồng/sào. Hiện nay, với máy gặt đập liên hợp, chi phí trên chỉ còn khoảng 140 nghìn đồng/sào, rẻ tới hơn một nửa so với trước. Người nông dân có ruộng chỉ cần mang bao tải ra chờ nhận thóc về mà thôi.
Trên đây chỉ là hai trong số cả trăm trường hợp ứng dụng thành công các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở xã Tiên Hội. Tính đến nay, toàn xã đang có 83 chiếc máy cày tay, 3 máy gặt đập liên hợp và 15 máy tuốt lúa. Hầu hết các hộ trồng chè, cây ăn quả trong xã đều sử dụng phương pháp tưới bằng van xoay tự động... Ông Hoàng Văn Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hội cho biết: Trước đây, khi vẫn sử dụng những biện pháp canh tác cũ, người nông dân rất vất vả mà hiệu quả lại không cao. Hiện nay, tiến bộ KHKT ngày càng được bà con ứng dụng nhiều hơn đã góp phần giải phóng sức lao động, tăng thu nhập và tiết kiệm được nhiều chi phí không cần thiết trong sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hội chia sẻ: Những năm gần đây, nhất là năm 2012 vừa qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng xấu của thời tiết; giá vật tư, phân bón tăng cao; sâu bệnh phát triển phức tạp. Tuy nhiên, nhờ biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất mà năm qua năng suất cây trồng trên địa bàn xã đã không bị thụt giảm, một số loại cây trồng như lúa, chè vẫn đạt và vượt sản lượng so với năm trước. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của xã đạt trên 2.265 tấn, trong đó vụ xuân vượt kế hoạch 5%, vụ đông vượt 9%. Cả xã có 281,8 ha chè kinh doanh, năm qua đã trồng mới, trồng thay thế được thêm 12,7 ha chè, vượt 27% kế hoạch… Nhờ ứng dụng thành công tiến bộ KHKT mà nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khấm khá, xây được nhà kiên cố, trang bị được tin vi, mô tô, xe gắn máy, đun nấu bằng bếp gas, có hộ đã sử dụng máy điều hòa, bình nóng lạnh… Chỉ riêng xóm Thiên Trường 1 (có 85 hộ), qua báo cáo của xóm, hiện cũng đã có trên 80% số hộ có xe mô tô, xe gắn máy, trên 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại. Cả xóm hiện chỉ còn 9/85 hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2012 và giảm trên 10 hộ so với năm 2011.
Thực tế cho thấy, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất được xem là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống người nông dân. Chỉ qua vài nét chấm phá ở một xã nông nghiệp như Tiên Hội cũng đủ cho chúng ta thấy tính cần thiết và quan trọng của việc ứng dụng KHKT của người dân hiện nay. Được biết, xã Tiên Hội đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xã ứng dụng thêm các biện pháp kỹ thuật mới, đầu tư thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đưa xã trở thành một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Từ.