Ngay trước cửa trụ sở làm việc của Hợp tác xã Chè Tân Hương (HTX), tôi thấy bên bàn trà những chén, ấm bày la liệt, mỗi loại ấm được pha ủ trong đó 1 loại trà. Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX cho biết: Đó là cách thử trà, giới thiệu chất lượng từng loại sản phẩm chè khách quan nhất của HTX với khách hàng.
Vừa nói, bà Hiệp vừa chuyên ra chén các loại trà khác nhau. Nhấp lên môi, nóng hôi hổi, lại thấy có vị hương dìu dịu ngọt ngào. Nhìn chén trà sóng sánh xanh, bà Hiệp tự hào: Thông qua HTX, nhiều gia đình nông dân sinh sống ở xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) thoát cảnh nghèo khó.
-Bà có thể dẫn chứng được không? Tôi hỏi vui.
-Có thể lắm, nhưng không nên anh ạ. Vì trong HTX, chúng tôi sống thân thiện, gắn bó với nhau, hằng ngày giúp đỡ nhau lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Mà đã giúp nhau thì… không nên kể.
Tôi hiểu, cư dân vùng chè, hằng ngày mở mắt đã thấy cây chè, nhắm mắt lại còn thấy hương chè thơm tỏa, đọng vào nghĩ suy nên lòng người chín chắn, sâu sắc. Nhất là khi trên vùng đất Phúc Xuân này, cây chè đã gắn bó với con người cả trăm năm nay. Cùng thời gian, cây chè chứng kiến bao thăng trầm đời người cùng những đổi thay xã hội. Cũng có lúc cây chè bị người dân bỏ hóa không muốn thu hái, bởi chè làm ra không nuôi sống con người. Rồi cũng ngay trên vùng đất lô nhô từng ngọn đồi báp úp, có 1 người đàn bà vì chè mà nhiều đêm không ngủ, nghĩ suy để phôi thai, hình thành nên HTX Chè Tân Hương bây giờ.
Lúc đó, năm 2001, sản phẩm chè của nông dân vùng Phúc Xuân chất ứ trong nhà, không có nơi tiêu thụ. Có nhà hết chịu nổi, ngậm ngùi phá bỏ bớt diện tích chè để trồng cây ăn quả. Còn bà Hiệp, người đàn bà năng động, sống đằm thắm như hương vị cây chè không chấp nhận thua cuộc, bà đến một số hộ dân trồng chè vận động tham gia HTX, cùng liên kết để tạo ra một số lượng sản phẩm lớn hơn, có chất lượng hơn rồi từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè quê hương.
Cùng với bà Hiệp, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Chủ nhiệm HTX cũng hừng hực một nghĩ suy: Các xã khác trong vùng chè Tân Cương xây dựng được thương hiệu, tại sao mình lại không?... Hưởng ứng lời vận động của bà Hiệp và bà Nhài, ngay năm đầu thành lập, HTX đã có 46 thành viên tham gia, mỗi xã viên đóng góp 150.000 đồng vốn theo điều lệ HTX. Nhưng cộng lại tổng vốn hoạt động của HTX chỉ có 6.080.000 đồng, vì có xã viên nghèo không đóng đủ như quy định.
Đều là láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau nên mọi người chấp thuận, cùng góp sức, góp công xây dựng HTX. Nhưng không giống HTX của thời “đánh trống giong công”. Vào HTX, xã viên chủ động sản xuất và mang sản phẩm chế biến thô bán cho HTX rồi chế biến thành sản phẩm tinh bán ra thị trường. Để bảo đảm có mối tiêu thụ sản phẩm chè ổn định cho xã viên, bà Hiệp, bà Nhài “dắt nhau” về Hà Nội, qua Hải Phòng, đến Quảng Ninh và nhiều tỉnh phía Bắc để tiếp thị, tìm bạn hàng. Do đó nhiều doanh nhân miền Bắc tìm về thu mua chè của HTX. Vì thế nhiều người dân trong vùng đã đăng đơn với Ban Chủ nhiệm xin làm xã viên. Cao điểm nhất, năm 2005, số lượng xã viên của HTX lên tới 72 người.
Đông, nhưng không mạnh. Sản phẩm chè làm ra tồn đọng từ ngay các hộ. Chỉ hơn 1 năm sau, nhiều xã viên lặng lẽ rút lui ra khỏi HTX. Còn lại chưa đầy 30 xã viên, song mọi người gắn bó, với quyết tâm từng bước xây dựng HTX phát triển bằng chính sản phẩm chè đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước. Bà Hiệp tâm sự: Quy trình làm chè an toàn phải bắt đầu từ khâu chăm sóc, thu hái rồi mới đến khâu chế biến. Do đó HTX thường xuyên mời cán bộ chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp về mở các lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn cho xã viên kỹ thuật chăm sóc, thu hái và chế biến sản phẩm. Thông qua đó xã viên không chỉ nâng cao được năng lực sản xuất, mà còn nâng cao được ý thức sản xuất, như việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; không vất bừa bãi chai lọ, vỏ thuốc bảo về thực vật ngoài lô chè; các lô chè được cắm biển báo về diện tích, mã hộ, tên giống chè.
Bằng sự đoàn kết của xã viên, HTX đã nhanh chóng hoạt động ổn định trở lại. Từ chỗ sản phẩm đựng trong bao tải, túi bóng, HTX đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm các loại máy ủ hương, máy hút chân không, máy đóng gói và đầu tư cho xã viên lưới để chè tươi, thùng đựng rác, sọt hái chè... Cứ lặng lẽ cùng năm tháng, kiên trì như cách người trồng chè lên hương, đến cuối năm 2011, sản phẩm chè của HTX được một tổ chức phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận hoạt động trên phạm vi quy mô toàn cầu trong lĩnh vưc cấp chứng chỉ sản xuất các sản phẩm chè tốt, đã chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu). Bà Lê Hồng Vân - Trưởng đại diện và là đơn vị hỗ trợ thực hiện chứng nhận cho biết: Sau cà phê và ca cao, đây là sản phẩm chè đầu tiên của Việt Nam được chọn để cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified.
Hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified của HTX chè Tân Hương đã tập hợp được 32 xã viên tham gia, với diện tích 10,25 ha chè, số vốn kinh doanh đạt 500 triệu đồng. Bà Hiệp cho biết thêm: Sản phẩm chè xanh của HTX có 3 loại: Chè búp đặc biệt, chè tôm nõn và chè đinh. Sản phẩm được đóng gói theo đơn đặt hàng của người mua, gói nhỏ nhất 15 gam/gói, 10 gói/túi. Loại to 500 gam/túi. Trên bao bì ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất và thời hạn sự dụng…Năm 2012, HTX đạt sản lượng bán ra 9 tấn chè búp khô, đạt doanh thu sau thuế 2 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2013, HTX đạt sản lượng bán ra 5 tấn, đạt doanh thu sau thuế hơn 1 tỷ đồng. Dự kiến năm 1013, HTX đạt sản lượng bán ra 12 tấn, đạt doanh thu sau thuế 3 tỷ đồng.
Bà Nhài tự hào nói: Để làm ra sản phẩm chè búp xanh thượng hạng và Tân Hương trà đạt tiêu chuẩn UZT Certified, HTX chúng tôi đã xây dựng được những nương chè không rác thải, mọi xã viên đều có kỹ năng thực hành sản xuất tốt, có ý thức bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Hiện sản phẩm chè của các xã viên trong HTX bán ra thị trường có giá từ 170.000 đồng/kg trở lên, cao hơn từ 20-30% so với việc sản xuất, chế biến chè theo cách làm truyền thống của người dân trong vùng chè Phúc Xuân.