Hạng mục Mỏ sắt Tiến Bộ được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đánh giá là đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả của Dự án đầu tư mở rộng Khu gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Vì điều này nên chủ đầu tư đã thành lập cả Ban Chỉ đạo công trường đặt tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) để đốc thúc tiến độ đối với các nhà thầu và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công giải phóng mặt bằng, tái định cư. Mọi nỗ lực của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng trong tỉnh đều hướng tới mục tiêu: Quý IV-2013, Mỏ sắt Tiến Bộ sẽ khai thác được nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của lò cao giai đoạn 2…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Hà, Phó ban Thường trực Ban Quản lý Dự án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Trưởng ban Chỉ đạo công trường Mỏ sắt Tiến Bộ, đến tháng 5/2013, đơn vị đã tiếp nhận 225ha đất “sạch” do UBND huyện Đồng Hỷ bàn giao và hoàn thành khoảng 60% khối lượng xây lắp các hạng mục đã được phê duyệt. Nhưng để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực rất lớn của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên trong tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Ban Chỉ đạo công trường và UBND huyện Đồng Hỷ đã thực sự kiên trì trong công tác dân vận, tổ chức giao ban định kỳ vào ngày 28 hàng tháng để giải quyết những kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có đất, tài sản nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án.
Cách đây hơn 2 năm, người dân ở 2 xóm (Thanh Chử, Ao Long) của xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) kịch liệt phản đối việc thu hồi 2 hồ thủy lợi là Bàn Cờ và Cửa Làn làm nơi trữ quặng đuôi của Mỏ sắt Tiến Bộ vì đây là nơi cung cấp nước tưới cho trên 100ha đất sản xuất của người dân địa phương. Thấy đây là kiến nghị chính đáng của bà con, các ngành liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo công trường Mỏ sắt Tiến Bộ đã họp bàn nhiều lần đi đến thống nhất đầu tư bổ sung hệ thống ống dẫn nước dài trên 2km từ sông Cầu vào Linh Sơn, xây dựng các trạm bơm điều tiết nước (trong thời gian thi công đường ống, nếu cây trồng vì thiếu nước mà không có sản lượng, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ bồi thường toàn bộ). Vấn đề nước tưới cho sản xuất nông nghiệp được giải quyết, một số người dân lại cho rằng khai thác khoáng sản tại khu vực Mỏ sắt Tiến Bộ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường không khí. Một lần nữa, chủ đầu tư, chính quyền địa phương lại nhiều lần họp dân, mời chuyên gia của các cơ quan chuyên môn về khoa học công nghệ của Trung ương đến trực tiếp giải thích, chứng minh việc tuyển rửa khoáng sản bằng phương pháp xả nước không làm thay đổi chất lượng nguồn nước ngầm, không khí tại địa phương. Cùng đó là hàng loạt các yêu cầu của người dân trong vùng Dự án về giá bồi thường tài sản, tái định cư, tạo việc làm cho người dân không còn tư liệu sản xuất, hỗ trợ chênh lệnh vật tư xây dựng (nhận tiền đền bù trước nhưng chưa giao đất tái định cư)… Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: “Dự án lớn nên cả chủ đầu tư và cấp ủy, chính quyền địa phương đều xác định sẽ có nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Do vậy, trong quá trình triển khai Dự án, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải đáp tất cả những ý kiến, kiến nghị chính đáng, đúng pháp luật của người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án. Khó khăn về nguồn vốn nhưng Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã từng bước tháo gỡ, cộng thêm tinh thần làm việc trách nhiệm của cán bộ các ban, ngành của huyện, của xã nên công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được thực hiện đúng quy định của pháp luật, kịp thời so với tiến độ thi công các hạng mục”.
Những kiến nghị của người dân đã được chủ đầu tư, chính quyền thấu hiểu, giải quyết theo hướng các bên đều có lợi nên 58 hộ trong diện phải di dời đã bàn giao đất để vào khu tái định cư, trên 400 hộ có đất, tài sản nằm trong vùng Dự án đã kê khai, chấp thuận nhận tiền đền bù theo từng đợt (hiện chỉ còn 5 hộ ở xã Linh Sơn thắc mắc về giá đền bù đất nông nghiệp phục vụ thi công đường nước). Ông Trần Văn Thể, xóm Làng Phan, xã Linh Sơn cho biết: “Thời gian đầu ra ở khu tái định cư, gia đình tôi ai cũng thấy bí bó vì nơi ở cũ rộng, nhiều cây xanh. Nhưng ở lâu thành quen, nhất là hạ tầng khu tái định cư đồng bộ nên đời sống sinh hoạt hàng ngày của các hộ khá thuận tiện”.
Về phía Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã hoàn tất việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng hơn 102/120 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 3 khu tái định cư; đốc thúc thi công các hạng mục như: Nhà máy tuyển quặng (kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng); hệ thống điện công nghiệp (20 tỷ đồng); hệ thống dẫn nước (kinh phí đầu tư 18 tỷ đồng) và đường giao thông nội bộ (5 tỷ đồng)… với tổng vốn đầu tư cho Dự án này là 427 tỷ đồng. Theo ông Phan Văn Thái, Phó ban Chỉ đạo công trường Mỏ sắt Tiến Bộ: Các hạng mục thi công của Dự án Mỏ sắt Tiến Bộ đều được xếp theo thứ tự ưu tiên về độ cấp bách. Đến tháng 11 tới, lò cao giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên chính thức vận hành nên bắt buộc trong quý IV-2013, Nhà máy tuyển quặng phải đi vào hoạt động để có nguyên liệu. Cấp thiết như vậy nên chúng tôi yêu cầu đơn vị trúng thầu thi công Nhà máy tuyển quặng là Công ty TNHH Hồng Cẩm tăng ca để rút ngắn thời gian thi công, sớm bàn giao để vận hành hoạt động.
Mỏ sắt Tiến Bộ được quy hoạch trên diện tích 300ha tại 2 xã: Linh Sơn, Khe Mo của huyện Đồng Hỷ và sản lượng khai thác dự tính là 300.000 tấn quặng/năm để cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên liên tục trong 30 năm. Đây là hạng mục quyết định tính hiệu quả của Dự án mở rộng Khu gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chủ đầu tư, cơ quan chức năng các cấp từ tỉnh đến Trung ương.