Hai mươi chín tuổi, anh Nguyễn Quyết Chiến, xóm Bá Vân 4, xã Bình Sơn, T.X Sông Công đã có trong tay cả một cơ ngơi vững chắc trên chính mảnh đất quê hương mình. Đây chính là thành quả sau 12 năm vừa học vừa làm, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong lĩnh vực sửa chữa cơ khí của anh.
Sinh ra trong gia đình thuần nông nên ngay từ nhỏ, anh Chiến đã hiểu rất rõ nỗi vất vả của cha, mẹ và bà con lối xóm khi những chiếc máy nông nghiệp hỏng hóc, phải mang đi xa để sửa chữa khiến việc đồng áng bị chậm lại. Từ lý do đó, anh đã thi vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành cơ khí. Anh Chiến chia sẻ: Khi ấy, Bình Sơn quê tôi là xã nông nghiệp nên rất cần có cơ sở sửa chữa máy móc, công cụ lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không có cửa hàng sửa chữa nào. Vì vậy, tôi ước ao có thể mở được xưởng cơ khí để lập nghiệp ở quê nhà. Chính từ ước ao ấy, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà tôi đã luôn chăm chỉ học tập, đồng thời xin làm thêm tại các cơ sở tư nhân để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống và nâng cao tay nghề. Năm 2004, tốt nghiệp ra Trường, anh xin làm việc tại Nhà máy cơ khí chính xác ở Hà Nội để tích lũy thêm vốn sống và kinh nghiệm. Năm 2005, cảm thấy tay nghề của mình đã vững vàng, anh Nguyễn Quyết Chiến trở về quê hương thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu.
Với số vốn ban đầu ít ỏi, chỉ 15 triệu đồng, anh Chiến mở xưởng cơ khí với diện tích 50m2 để sửa chữa động cơ điện và máy nông nghiệp. Với kiến thức học ở trường cộng với sự nghiên cứu học hỏi của mình, anh Chiến đã có thể sửa chữa được tất cả các loại “bệnh” của động cơ điện, nhất là một số “bệnh” hay gặp như: hỏng bi, chập cháy phần dây cuốn động cơ, hỏng tụ khởi động, hỏng buồng bơm máy bơm nước... Bên cạnhh đó, các máy nông nghiệp như máy cày, máy xao chè, máy tuốt lúa và đồ điện dân dụng không may bị hỏng anh cũng đều có thể tự sửa chữa hoặc thay thế linh kiện cho bà con. Có tay nghề, cộng thêm bản tính cần cù, nhiệt tình, chu đáo, anh dần tạo dựng được lòng tin với khách hàng trong và ngoài xã. Sau 1 năm, anh đã để dành được 50 triệu đồng để mở rộng quy mô nhà xưởng với diện tích 150m2.
Nói về xưởng sửa chữa cơ khí của anh Chiến, anh Ngô Văn Hùng, xóm Bá Vân 4 cho biết: Mỗi khi máy nông nghiệp hoặc đồ điện trong nhà như quạt, máy bơm, máy phát điện… không may bị hỏng, gia đình tôi nghĩ ngay đến xưởng của anh Chiến, vì vừa gần, lại sửa chữa nhiệt tình, nhanh chóng, giá cả cũng phải chăng. Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ gia đình trong xã đều lựa chọn như thế.
Do làm việc có uy tín, nên ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến cơ sở của anh Chiến, vì thế không chỉ phục vụ bà con trong vùng như trước đây, anh đã nhc Công ty khác trên địa bàn thị xã. Tiếng lành đồn xa, nhiều thanh niên trong vùng đã tìm đến cơ sở của anh Chiến để xin học nghề. Anh chia sẻ: Ngày trước, tôi cũng tay trắng, nhờ lựa chọn ngành nghề phù hợp, bền vững, lâu dài và tổ chức thực hiện tốt nên có được sơ sở kinh doanh được bà con tín nhiệm. Nên giờ, anh em muốn đến học nghề, tôi đi trước học được bao nhiêu đều chỉ lại cho anh em để cùng nhau làm ăn. Với suy nghĩ như thế, nên đến nay, anh Chiến đã đào tạo được cho 12 thanh niên trong và ngoài xã có tay nghề cao, mở được cơ sở sửa chữa riêng của mình.
Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, không chỉ dừng ở việc sửa chữa máy móc, từ năm 2010, anh còn phát triển thêm việc lắp ráp động cơ điện, phân phối sản phẩm máy xao chè, máy bơm nước cho bà con trong vùng. Hiện tại, cơ sở sửa chữa cơ khí, bán máy công cụ sản xuất nông nghiệp của anh có trị giá tài sản gần 200 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của anh Chiến ngày càng cao, từ 8 triệu đồng/tháng năm 2006, đến nay thu nhập của anh đạt từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng.
Không chỉ là thanh niên tích cực tham gia lao động sản xuất tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình, anh Chiến còn là Bí thư đoàn của Chi đoàn xóm Bá Vân 4, anh đã có nhiều đóng góp tích cực cả về vật chất và tinh thần cho các phong trào của xóm Bá Vân 4 nói riêng và xã Bình Sơn nói chung.