Đối với xã vùng cao Nghinh Tường (Võ Nhai), việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đang là nhu cầu rất bức thiết. Đó là niềm mong mỏi bấy lâu của nhân dân, cũng là tiêu chí rất khó với xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Hà Chiến Thuật, Bí thư Đảng ủy xã Nghinh Tường khẳng định như vậy.
Chúng tôi đã được trải nghiệm thực tế khó khăn này tại con đường chính dẫn đến xóm Na Hấu. Cách trung tâm xã Nghinh Tường gần 8km đường rừng, xóm Na Hấu có 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Trung tâm xóm nằm cheo leo trên lưng núi (với hơn 10 nóc nhà sàn), chỉ cách tuyến đường trục từ Bản Cái sang tỉnh Lạng Sơn (đang thi công) chừng 1km nhưng một phần hành trình, chúng tôi phải cuốc bộ sau khi đi xe máy đến hết đoạn đường cấp phối mới được làm cuối năm 2012 (từ nguồn vốn Chương trình 135). Con đường đất dốc ngược và lầy lội, lởm chởm đá mà theo một cán bộ xã dẫn đường thì chỉ người bản địa mới dám “cưỡi” xe máy qua đây. Vừa đi vừa phải dừng nghỉ, chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả vì giao thông và cảm thông hơn với niềm mong mỏi, khát khao của người dân nơi đây về một con đường có thể đi lại thuận tiện…
Vậy nhưng, Na Hấu chưa phải là xóm khó khăn nhất xã Nghinh Tường về giao thông, mà phải kể đến các xóm như: Bản Nưa, Hạ Lương, Nà Châu… Phần lớn đường vào trung tâm các xóm, cụm dân cư vẫn là những con đường đất hẹp, men theo triền núi, bờ ruộng, băng qua suối, có những xóm bị cô lập hoàn toàn khi mưa lũ. Thực trạng giao thông như vậy đã gây trở ngại lớn đến việc phát triển kinh tế, của người dân và kéo theo nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí khác, nhất là tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi và thu nhập của (Nghinh Tường mới đạt 3 tiêu chí NTM, là một trong 2 xã đạt thấp nhất huyện).
Theo thống kê thì tổng chiều dài đường vào trung tâm các xóm của xã Nghinh Tường sẽ phải cứng hóa là gần 20km, chưa tính đường vào các cụm dân cư. Địa hình của xã bị chia cắt mạnh bởi đồi núi và nhiều dòng suối. Do vậy để cứng hóa được những con đường này, buộc phải san lấp tả ly, đồng thời phải xây dựng hệ thống cầu hoặc ngầm qua suối. Them vào đó, nguồn vật liệu làm đường bê tông không thể khai thác tại chỗ, mà phải vận chuyển từ nơi khác đến, gặp nhiều khó khăn. Các yếu tố này dẫn đến nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn. Đơn cử như đoạn đường vào trung tâm xóm Hạ Lương, đã được phê duyệt thiết kế năm 2011. Chỉ có chiều dài gần 2km, thiết kế là đường cấp phối nhưng công trình này cần tới trên 5 tỷ đồng (hiện đang chờ vốn). Hay chỉ một đoạn đường cấp phối gần 600m vào xóm Na Hấu đã “ngốn” 2,5 tỷ đồng.
Nghinh Tường có diện tích đất tự nhiên lớn (843ha), dân cư phân bố rất thưa thớt (xã hiện có 648 hộ với 3.006 nhân khẩu). Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chiếm tới trên 42%, thu nhập bình quân đầu người ước chỉ đạt 5 triệu đồng/người/năm (chưa bằng ½ mức chung của huyện). Vì vậy, việc làm đường bê tông theo cơ chế đối ứng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế là sau 2 năm triển khai xây dựng NTM, xã Nghinh Tường chưa làm được mét đường bê tông nào theo cơ chế này. Năm 2012, xã được huyện phân bổ 200 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn, nhưng buộc phải trả lại vì tất cả các xóm đều đồng loạt… lắc đầu, do không có khả năng đối ứng.
Ông Hà Chiến Thuật cho biết thêm: Trong khi chờ các nguồn vốn đầu tư, xã đã và đang phát huy nội lực trong nhân dân, bằng cách phát động các đợt cải tạo, đào đắp mới và phát quang các tuyến đường dân sinh, mỗi năm từ 1 đến 2 lần, qua đó mở mang để chuẩn bị dần mặt đường (2 năm qua, nhân dân trong xã đã đóng góp 6.004 ngày công). Khi có vốn đầu tư, chúng tôi sẽ tiến hành làm từng đoạn ngắn, để phù hợp với sức dân. Cùng với đó, xã cũng đang tích cực vận động nhân dân hiến đất để chuẩn bị mặt bằng (Nghinh Tường là một điểm sáng của huyện Võ Nhai trong công tác giải phóng mặt bằng - qua 2 năm xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã hiến được trên 63.000m2 đất). Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đối với một xã khó khăn, việc đóng góp đối ứng của nhân dân rất hạn chế như Nghinh Tường là cần nhận được nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ… Anh Triệu Văn Thành, người dân xóm Na Hấu cho biết: “Nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác đã không ngần ngại khi hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường. Chúng tôi không mong mỏi gì hơn là có được con đường thuận tiện để đi lại, mua bán, qua đó có cơ hội thoát nghèo…”.
Theo ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai thì Nghinh Tường cũng như các xã đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn sẽ được huyện tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn thông qua các chương trình mục tiêu, nhất là đầu tư vào giao thông. Cùng với đó, huyện tăng cường thực hiện và chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tham gia đóng góp dưới nhiều hình thức, nhất là hiến đất và ngày công để làm đường. Có như vậy, hạ tầng giao thông nông thôn của các xã này mới từng bước được cải thiện, qua đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời đáp ứng các tiêu chí NTM.