Nói dễ, làm khó và những quyết tâm

09:36, 27/05/2013

Dọc theo Quốc lộ 37 qua địa phận huyện Đại Từ, điều dễ nhận thấy là trên những thửa ruộng màu mỡ trước kia giờ đã “mọc lên” công trường, nhà máy, khu dân cư hiện đại… Đó là sự phát triển phù hợp với quy luật, khi đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng đằng sau những hình hài của sự thịnh vượng, vẫn còn đó khoảng 8.000 lao động đang cần phải chuyển đổi nghề nghiệp vì thiếu đất sản. Bài toán khó giải đang là một thách thức đối với huyện Đại Từ.

“Cái khó bó cái khôn”

 

Đại Từ là một trong những vựa lúa chính của tỉnh với trên 70% số dân vẫn sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây chè, tỷ lệ lao động trong độ tuổi ở mức cao, chiếm khoảng 56,4% dân số. Song trong những năm gần đây, từ các chính sách thu hút đầu tư hiệu qủa, Đại Từ đã “mở cửa” đón nhiều dự án, doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển, đồng nghĩa với đó là 1.414,061ha đất nông nghiệp bị thu hồi để bàn giao đất cho các dự án, khiến 10.240 hộ bị ảnh hưởng (tính từ năm 2005 đến nay); dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 2.282,234ha và. Khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, có khoảng 8.000 lao động thiếu việc làm, trong đó có trên 3.000 lao động chưa qua đào tạo nghề. Một số xã bị thu hồi với diện tích lớn, như: Hà Thượng 608ha, Phục Linh hơn 102ha; Lục Ba gần 100ha; Hùng Sơn gần 100ha; Cát Nê hơn 115ha…Trong khi đó, qua khảo sát, điều tra mới đây của huyện Đại Từ, nhu cầu thu hút lao động vào làm việc của 110 doanh nghiệp trên địa bàn, hầu như các doanh nghiệp đều không có nhu cầu tuyển dụng, một số doanh nghiệp có nhu cầu thì lại đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Trước thực trạng đó, huyện Đại Từ đã đề ra mục tiêu: Trong giai đoạn 2011-2015, sẽ đào tạo nghề cho 8.500 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 3.150 người, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 5.350 người; huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 2.700 lao động/năm trở lên…

 

Những vấn đề về đào tạo và giải quyết việc làm nếu chỉ nghe nói thì tưởng chừng rất đơn giản: Các đối tượng có nhu cầu học thì huyện tổ chức các lớp học; khi có tay nghề thì xin việc làm phù hợp với khả năng, trình độ… Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy, khi triển triển khai mới thấy nảy sinh nhiều bất cập và khó khăn. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và kế hoạch 2013-2015,  huyện Đại Từ đã thẳng thắn nhìn nhận: Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức về học nghề, số theo học trung cấp nghề, cao đẳng nghề còn ít; chất lượng đào tạo nghề còn thấp, hiệu quả chưa cao; chưa gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; số người có việc làm sau học nghề và làm đúng nghề đạo tạo còn thấp; ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như ngành thêu ren, may mặc, chăn nuôi một số loại con đặc sản, lái xe…  Kinh phí cấp hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, tiền hỗ trợ các đối tượng lao động nông thôn học nghề theo Đề án còn thấp; thời gian cấp kinh phí vừa thiếu vừa muộn so với kế hoạch đề ra. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do nhận thức của người dân về vai trò của học nghề đối với tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn hạn chế, thậm chí là chưa đúng, chưa đầy đủ. Bản thân người lao động sau khi học nghề không muốn đi làm xa nhà; trình độ tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị cần sử dụng lao động…Ngược lại, có doanh nghiệp lại không tuyển dụng người có bằng cấp mà chỉ tuyển dụng lao động phổ thông cũng gây nên những khó khăn cho công tác dạy nghề của huyện…

 

Tiếng nói từ cơ sở

 

Để hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của những người lao động trước vấn đề đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp, chúng tôi gặp anh Tạc Văn Đại, ở xóm 2, xã Hà Thượng (Đại Từ). Anh cho biết: Trước kia, gia đình tôi ở xóm 5, xã Hà Thượng, nay phải chuyển lên đây ở do toàn bộ đất sản xuất đã phải bàn giao cho Dự án Núi Pháo. Tiền đền bù được hơn 1 tỷ đồng, gia đình tôi đã gửi cả vào ngân hàng. Nhưng miệng ăn núi lở, ruộng đất không còn, phải kiếm lấy cái nghề để mưu sinh, nhưng điều đó không hề đơn giản. Năm nay tôi gần 50 tuổi nghĩ đến chuyện đi học nghề cũng thấy ngại, thôi thì mình chủ động tìm lấy một công việc gì phù hợp với sức khỏe, điều kiện để làm và cuối cùng tôi quyết định đi làm bảo vệ cho một doanh nghiệp. Còn anh Hoàng Văn Sĩ, 30 tuổi ở xóm 1, xã Hùng Sơn, học hết lớp 12, anh không đi học nghề mà ở nhà làm nông nghiệp. Nay ruộng đất cũng đã bàn giao hết cho Dự án Núi Pháo, gia đình anh tạm thời mưu sinh bằng nghề buôn chè. Anh bày tỏ: Tôi cũng muốn học một cái nghề gì đó, nhưng chỉ sợ học xong rồi lại không xin được việc làm thì uổng phí công sức, thời gian lại tốn kém tiền bạc vì mấy người bạn của tôi đều có bằng cấp cả mà có xin được việc làm đâu? Bác Nguyễn Ngọc Cường, cũng ở xóm 1 cởi mở: Tôi tuổi đã cao, nhưng sức khỏe vẫn còn tốt. Nghĩ đến chuyện đi học nghề thì ngại lắm. Thôi thì chỉ học kinh nghiệm làm ăn. Ngày nào còn sức khỏe còn mong muốn được cùng con cháu lao động, làm ăn, lao động cho tôi niềm vui và sức khỏe. Mọi việc mình nên chủ động, chứ cứ trông chờ vào các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của nhà nước thì không nên…

 

Tại UBND các xã Hà Thượng, Hùng Sơn (2 địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án), chúng tôi đem những tâm tư đó chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo xã, ai cũng bày tỏ sự thấu hiểu và cảm thông với những người nông dân khi mất một phần đất sản xuất hoặc không còn đất để canh tác, bên cạnh đó cũng là những trăn trở về trình độ nhận thức, trình độ tay nghề, quan niệm của người nông dân về học nghề và việc làm… Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng cho biết: Đó chính là bài toán hóc búa mà cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ, dù hiện tại số lao động thất nghiệp ở địa phương không nhiều. Nguyên nhân, riêng Dự án Núi Pháo và các nhà thầu đã giải quyết được việc làm cho hơn 300 lao động địa phương, họ cũng rất tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, giải quyết việc làm…Nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động, một số nhà thầu sẽ hết việc, trên dưới 200 lao động phổ thông sẽ không còn việc làm. Để giải quyết việc làm cho số lao động này, chúng tôi đang xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng rau an toàn theo hướng trang trại, gia trại; xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ; phối hợp với Dự án Núi Pháo tiếp tục mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trưởng đầu ngành, các hội, đoàn thể… theo kiểu cầm tay chỉ việc như: Hội Phụ nữ phụ trách phát triển cây lương thực có hạt và mô hình rau an toàn; Hội Nông dân phụ trách phát triển cây chè, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap; Hội Làm vườn, Đoàn Thanh niên phụ trách việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; Hội Cựu Chiến binh phụ trách mảng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…  Dù biết vấn đề này là rất khó nhưng phải quyết tâm làm cho bằng được.

 

Giải pháp và hy vọng

 

Với những gì chúng tôi mắt thấy, tai nghe, tuy rằng chưa thể phản ánh bao quát toàn bộ “bức tranh” về vấn đề đào nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt đối với những lao động bị thu hồi đất bàn giao cho các dự án trên địa bàn huyện Đại Từ, nhưng cũng phần nào cho thấy từ người lao động đến lãnh đạo các địa phương đều rất quan tâm ntới đến vấn đề này. Chỉ có một bộ phận lao động nông thôn còn hạn chế về nhận thức và rất cần có một sự định hướng đúng đắn hơn nữa để họ có thể lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của gia đình cũng như vùng đất nơi họ sinh sống.

 

Để khắc phục những tồn tại, UBND huyện Đại Từ đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp làm tốt công tác tham mưu, đưa ra nhóm giải pháp khả thi như: tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về dạy nghề, đào tạo nghề; tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề; tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề và hướng tới đào tạo nghề theo nhu cầu của của đơn vị sử dụng lao động; lựa chọn ngành nghề và tổ chức dạy nghề cho phù hợp với  từng khu vực, từng địa phương hỗ trợ người lao động tham gia các mô hình phát triển kinh tế mới để chuyển dịch dần cơ cấu lao động; huy động người sản xuất giỏi, thợ lành nghề tham gia tổ chức dạy nghề; huy động thương nhân, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện, bao tiêu sản phẩm; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH; công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy nghề phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các hoạt động và ở tất cả các cấp… Hy vọng với những giải pháp này, trung bình mỗi năm huyện Đại Từ sẽ giải quyết việc làm mới cho từ 2.700 lao động trở lên; trên 80% tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm; cơ cấu kinh tế đến năm 2015: công nghiệp xây dựng 42,71%; dịch vụ 35,1%; nông nghiệp 22,19%… theo như mục tiêu đã đề ra.