Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khả quan

09:03, 08/05/2013

Sản xuất công nghiệp (SXCN) đã có dấu hiệu hồi phục, dự kiến trong những tháng tiếp theo SXCN sẽ khả quan hơn, đó là nhận định của đại diện Bộ Công Thương trong những tháng tới.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số SXCN 4 tháng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 2,1%, chế biến, chế tạo tăng 5,5%, ngành sản xuất,...

 

 

Một số ngành như: than sạch, khí hóa lỏng, ti vi, ô tô... tuy tốc độ sản xuất vẫn trong tình trạng giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm dần so với những tháng đầu năm, điều này cho thấy, xu hướng sản xuất đang phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, khiến nhập siêu 4 tháng năm 2013 đạt gần 1 tỷ USD, có thể coi là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của sản xuất.

 

Trong khi đó, theo ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn T.P Hà Nội dấu hiệu phục hồi SXCN đã thể hiện rõ khi chỉ số SXCN của Hà Nội trong 4 tháng qua đã có mức tăng trưởng 4,7% và có một lượng lớn doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại.

 

Mặc dù hoạt động sản xuất đã có dấu hiệu hồi phục nhưng cũng như nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo. Hiện chỉ số sản xuất của một số ngành như: Vải dệt thoi, kim loại, linh kiện điện tử và điện tử dân dụng xe có động cơ... đều giảm so với cùng kỳ.

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên có không ít chính sách hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, mặc dù ngân hàng công bố hạ lãi suất nhưng lãi suất doanh nghiệp tiếp cận được vẫn còn cao, thời gian vay ngắn. Điển hình như các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản, trước áp lực lưu thông dòng vốn, nhiều doanh nghiệp sau khi thu mua hàng 2 - 3 tháng chưa tìm được đầu ra, nên đành phải bán tháo để đáo nợ.Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang yêu cầu, trong những tháng tiếp theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện, đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, từ đó giải quyết hàng tồn kho; Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, góp phần thúc đẩy sản xuất…