Tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp

10:45, 09/05/2013

Những năm trước cụm từ “Cánh đồng một giống” - cánh đồng cấy duy nhất một giống lúa vẫn còn xa lạ với nông dân Thái Nguyên. Nhưng vụ xuân năm nay, khi Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XD NTM) tỉnh chỉ đạo một số địa phương thực hiện mô hình này, nhiều hộ dân đã tham gia rất hào hứng.

Theo lời giới thiệu của ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn Phòng điều phối Chương trình XD NTM tỉnh, chúng tôi tìm đến xã Cổ Lũng (Phú Lương), địa phương đang thực hiện mô hình này. Vừa đề cập đến “Cánh đồng một giống”, Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Ánh rất hào hứng: Lúa bắt đầu uốn câu rồi. Đi thực tế, các chị sẽ được tận mắt ngắm cánh đồng lúa xanh ngút tầm mắt. Để khuyến khích các hộ dân tham gia mô hình, mỗi sào lúa, ngoài 3kg phân kali do tỉnh hỗ trợ, xã cũng hỗ trợ bà con 2kg phân kali.

 

 

Đúng như lời ông Ánh chia sẻ, 14ha cấy giống lúa Syn 6 của 76 hộ dân ở xóm Làng Phan đang ở giai đoạn ngậm sữa tươi tốt lá, bông lúa xanh mỡn. Ông La Văn Thanh, cán bộ khuyến nông huyện Phú Lương, người được giao nhiệm vụ phụ trách xã Cổ Lũng nói: Có được thành quả như ngày hôm nay, chúng tôi cũng phải vất vả lắm. Lúc đầu đi vận động, nhiều người không muốn tham gia vì nghi ngờ hiệu quả của mô hình này. Nhưng rất may mắn, các ban, ngành, đoàn thể của xóm Làng Phan vào cuộc rất tích cực, ngoài vận động các hộ dân, trưởng, phó xóm, đại diện các ngành, đoàn thể cũng trực tiếp tham gia mô hình nên đã “đả thông” được tư tưởng cho bà con.

 

Vừa trò chuyện, ông Thanh vừa đưa tay chỉ cho chúng tôi xem cánh đồng đối diện, nơi không áp dụng quy trình “một giống”. Đúng là cánh đồng cấy một giống và cánh đồng cấy nhiều giống lúa có sự khác biệt rõ rệt. Cánh đồng cấy một giống, lúa lên đều tăm tắp, còn cánh đồng cấy nhiều giống lúa, chỗ thấp, chỗ cao, có chân ruộng, lúa đã uốn câu, nhưng có nơi, lúa mới bắt đầu trỗ. Bác Vũ Văn Tân, một người dân tham gia mô hình này cho hay: Gia đình tôi cấy gần 2 sào. Hiệu quả rõ nét nhất là lượng giống và phân bón cho lúa đã tiết kiệm được khá nhiều. Trước đây, mỗi sào lúa, tôi phải sử dụng hết 1 kg lúa giống và khoảng 8-10kg phân đạm/sào/vụ, thì nay đã giảm xuống còn 7 lạng lúa giống (tiết được 30 nghìn đồng/sào) và 6-7kg phân đạm/sào/vụ. Còn anh Hoàng Văn Dương, Phó trưởng xóm, người có 1,3 mẫu lúa nằm trong mô hình này cho rằng: Toàn bộ diện tích lúa này làm đất, gieo mạ, cấy (cấy 1 dảnh, theo kỹ thuật cải tiến thâm canh SRI) nên bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đưa nước vào ruộng dưỡng lúa, thu hoạch sẽ cùng một thời điểm, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, nguồn nước tưới và thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất lúa. Đặc biệt, việc phun thuốc bảo vệ thực vật cùng thời điểm sẽ giúp cho hiệu quả phòng bệnh được cao hơn, tránh lây lan dịch từ chân ruộng này sang chân ruộng khác.

 

Được biết, Cánh đồng một giống là một trong những mô hình của Đề án Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân do Ban Chỉ đạo Chương trình XD NTM tỉnh chỉ đạo thực hiện. Là năm đầu tiên thực hiện nhưng đã có nhiều địa phương tham gia, trong đó có Cỗ Lũng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các xã như Phấn Mễ (Phú Lương); Cù Vân, Bản Ngoại (Đại Từ); Phú Thượng (Võ Nhai) tham gia. Trong đó, Đại Từ có 40ha, Phú Lương: 50ha, Võ Nhai: 30ha. Qua kiểm chứng thực tế, đến nay, toàn bộ diện tích lúa trên đều phát triển rất tốt, nhiều khả năng, năng suất lúa sẽ cao hơn các vụ trước rất nhiều. Theo ông Trần Nho Hưởng: Mô hình “Cánh đồng một giống” mở ra hướng đi mới, tạo hướng phát triển đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân, mô hình này giúp cơ quan quản lý Nhà nước chủ động được việc chỉ đạo thực hiện cơ cấu giống, mùa vụ.

 

Chỉ còn gần 1 tháng nữa, 120ha lúa tham gia mô hình được thu hoạch. Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình để từ đó, nhân ra diện rộng ở vụ mùa và các vụ lúa tiếp theo. Theo đó, việc nhân rộng mô hình này dự kiến sẽ được thực hiện trên nhiều loại giống cây trồng khác nhau, trong đó, cây chè, cây kinh tế chủ lực của tỉnh cũng đã được tính đến.

 

Dồn điền, đổi thửa hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã được tỉnh ta thực hiện nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, khi mô hình “Cánh đồng một giống” thành công và nhân rộng,  việc san gạt bờ vùng, bờ thửa, áp dụng mạnh cơ giới hóa vào sản xuất có thể được thực hiện. Đây là tiền đề để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần vào thực hiện thành công Chương trình XD NTM trên địa bàn tỉnh ta.