Việc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa khởi công Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung với quy mô vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình, tỉnh đã có bước ngoặt sau 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Tiềm năng và 3 rào cản lớn
Thái Nguyên có vị trí địa lý rất thuận lợi trong mối liên hệ với các tỉnh miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội. Ngay từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết s37-NQ/TW, xác định phát triển Thái Nguyên thành một trong những trung tâm quan trọng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Từ năm 2009 đến nay, trong các chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã định hướng, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để Thái Nguyên thật sự trở thành đầu mối liên kết, tạo sức mạnh cho khu vực.
Tuy nhiên hiện nay, tỉnh ta vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh mới có 40 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 370 triệu USD. Trong quá trình triển khai, có tới 16 dự án (với hơn 64% tổng vốn đầu tư) phải dừng, vì không có năng lực và kinh doanh không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các nhà đầu tư quốc tế thiếu mặn mà với một địa phương giàu tiềm năng, lợi thế như Thái Nguyên?
Thái Nguyên đã xác định được câu trả lời, đó là vì ba rào cản lớn: Thứ nhất, hạ tầng và kết cấu giao thông còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 3 - con đường huyết mạch nối Thái Nguyên và vùng Việt Bắc với Hà Nội - luôn trong tình trạng ùn tắc do quá tải về lưu lượng xe. Không ít nhà đầu tư đến rồi đi cũng vì nguyên nhân này. Thứ hai, tư duy kinh tế, trình độ khoa học, năng lực chỉ đạo, điều hành, có lúc, có nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, hạ tầng các KCN triển khai đầu tư còn chậm, chưa đồng bộ, quỹ đất sạch hạn chế... Các KCN, dù đã quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa mang tầm chiến lược, đón đầu được xu hướng đầu tư khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tháo “nút” bằng những giải pháp đồng bộ
Để tháo 3 “nút thắt” nói trên trong quá trình phát triển, tỉnh ta từng bước thận trọng nhưng cương quyết và tập trung mọi nguồn lực để hành động. Thứ nhất, về vấn đề giao thông, đã khởi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên mang dấu ấn của năm 2009. Thêm nữa, các cấp chính quyền trong tỉnh tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện trên 100 dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 37, Quốc lộ 3 và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, hạ tầng ngoài hàng rào các KCN… Thứ hai, sự chuyển đổi tư duy kinh tế hiện đại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, được thể hiện rõ nét trong các chính sách phát triển. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn cả trong và ngoài nước, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Hàng loạt cơ chế chính sách tăng sức hấp dẫn đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đã được thực thi đồng bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Hình ảnh một tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển năng động dần được hình thành và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Thứ ba, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án quy hoạch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, như: Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch hồ Núi Cốc quy mô 10.000ha; quy hoạch Khu đô thị phía Tây thành phố với diện tích trên 2.000ha... Đặc biệt, Dự án Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình có quy mô trên 8.000ha được khởi động từ năm 2008 trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, tỉnh Thái Nguyên đã kiên trì hỗ trợ nhà đầu tư vượt qua các thời điểm khó khăn, tích cực đồng hành cùng xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án thứ cấp. Kết quả, Tập đoàn Samsung đã chính thức đầu tư vào KCN Yên Bình với số vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD và giai đoạn hai đang được hoàn tất thủ tục đầu tư khoảng từ 1,2 đến 2 tỷ USD nữa vào Thái Nguyên. Như vậy, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2013, Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Sự kiện khởi công Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại KCN Yên Bình diễn ra cùng thời điểm Thái Nguyên lần đầu tiên lọt vào Top 20 địa phương có chỉ số điều hành tốt trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2013, và trùng hợp hơn khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ được thông tuyến. Đặc biệt, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung còn một điểm chung là thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) nhanh kỷ lục: Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung quy mô diện tích 100ha chỉ thực hiện trong vòng 57 ngày và Dự án đường cao tốc đoạn qua Thái Nguyên (dài 36km) cũng chỉ trên 3 tháng đã hoàn thành GPMB. Đó là kết quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của nhiều năm, Thái Nguyên đã thực hiện được hàng loạt những giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ
Từ dấu ấn Tổ hợp công nghệ cao Samsung, có thể tin rằng tỉnh ta đang chủ động đón nhận một làn sóng đầu tư FDI mới để tiến nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Về lâu dài, Thái Nguyên sẽ phát triển dựa trên các ưu thế cạnh tranh sẵn có như: Quy hoạch hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, chuyên môn hóa cao và nguồn nhân lực đông đảo có tay nghề cao. Đó cũng chính là các lợi thế so sánh của tỉnh để hoàn thành nhiệm vụ do Trung ương, Chính phủ giao cho, thực sự xứng đáng với vai trò trung tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và từng bước hội nhập quốc tế.