Khởi đầu tháng 1/2013 với 23 ngày phải dừng sản xuất, trên 400 lao động nghỉ việc, tưởng hoạt động của Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) sẽ bị chệch choạc kéo dài và không thể đảm bảo kế hoạch sản lượng giao, song qua hơn 4 tháng đầu năm, nhờ giải quyết được những bất lợi và khó khăn nội tại mà hoạt động sản xuất của Nhà máy đã dần ổn định và đi vào nề nếp.
Giải thích về “sự kiện” dừng lò vào đầu năm nay, ông Vũ Văn Úy, Giám đốc Nhà máy cho biết: “Những ngày đầu tháng 1, lượng hàng tồn kho của Nhà máy lên tới trên 40 nghìn tấn các loại, chiếm hơn một nửa lượng tồn kho của cả Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trước tình hình đó, Công ty đã chỉ đạo Nhà máy tạm dừng sản xuất để tránh lượng hàng tồn kho ngày càng lớn, vốn đọng nhiều”. Sau gần 1 tháng tập trung tiêu thụ sản phẩm, trong kho chứa của Nhà máy chỉ còn lại khoảng 18 nghìn tấn thép cán. Lúc này, Nhà máy mới chính thức vận hành trở lại. Tuy nhiên, một loạt những khó khăn, bất lợi lại diễn ra đồng thời khiến hoạt động sản xuất của đơn vị gặp trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu ổn định về nguồn điện sản xuất. Tình trạng mất điện, sụt điện áp, cắt giảm điện do sự cố lại diễn ra thường xuyên, nhất là vào khoảng thời gian từ 20 giờ 30 phút đến 23 giờ hàng ngày. Trong những ngày nắng nóng gần đây, nguồn điện lưới phục vụ sản xuất của Nhà máy lại càng bị sụt áp nhiều. Điện áp của Nhà máy đang dùng là 6kv, nhưng có thời điểm sụt xuống còn 5,2kv. Nếu dùng ổn định cho hoạt động cán thép thì phải duy trì ở mức từ 5,7 đến 5,8kv. Do sản xuất liên tục, nên việc nguồn điện không ổn định sẽ gây nhiều thiệt hại cho Nhà máy. Ngoài việc tốn kém nhiên liệu khởi động lại lò mỗi khi mất điện thì việc sụt áp thường xuyên cũng sẽ làm dừng động cơ, khiến lượng điện tiêu hao lớn, tạo ra nhiều sản phẩm phế liệu. Theo ông Đoàn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch của Nhà máy thì nguồn phế liệu sản sinh ra từ sự cố ngắt điện hoặc sụt áp sẽ không thể đưa vào lò cán lại ngay được mà phải chuyển sang Nhà máy luyện thép để thực hiện một quy trình sản xuất mới nên rất tốn kém. Nhà máy cũng đã báo cáo và kiến nghị vấn đề này nhưng được biết nguồn lưới điện của Thái Nguyên hiện nay vẫn chưa thể ổn định do chủ yếu phụ thuộc vào nguồn điện mua từ Trung Quốc. Suốt những tháng qua, tình trạng mất ổn định về nguồn điện phục vụ sản xuất của Nhà máy vẫn diễn ra mà chưa có biện pháp khắc phục nào.
Trước những khó khăn, bất lợi đó, Nhà máy xác định vẫn phải đảm bảo sản lượng thép cán đề ra. Do nghỉ gần hết tháng 1 nên từ tháng 2 trở đi, Nhà máy đã phải vận hành gần như tối đa công suất để bù vào sản lượng thiếu hụt trước đó. Hơn nữa, thời điểm này hàng hóa tiêu thụ bắt đầu được cải thiện, lượng hàng xuất ra thị trường đều đặn và ổn định hơn trước. Tính từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã sản xuất được trên 64 nghìn tấn thép cán các loại, thấp hơn khoảng 20 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Vũ Văn Úy thì với tốc độ sản xuất như hiện nay, việc Nhà máy hoàn thành chỉ tiêu sản lượng 250 nghìn tấn như kế hoạch đề ra cho cả năm 2013 là hoàn toàn có thể. Bởi những tháng còn lại của năm, nhất là thời điểm cuối quý 3 trở đi tình hình tiêu thụ sản phẩm thép cán thường rất cao. Mà sản lượng của Nhà máy tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tiêu thụ trên thị trường.
Trong những tháng qua, Nhà máy đã khắc phục những khó khăn bằng cách tăng cường tiết kiệm trong sản xuất, chi tiêu, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở những giờ ít bị sụt áp nguồn điện nhằm bù công suất thiếu hụt ở những giờ cao điểm. Tất cả anh em công nhân đều nhận thấy rõ những khó khăn hiện tại, từ đó tự mình có ý thức tiết kiệm trong sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, tránh tối đa việc để dừng lò hoặc cho ra lò những sản phẩm phế liệu. Ngoài ra, lực lượng cán bộ, công nhân trong Nhà máy còn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, mang lại nguồn lợi cho đơn vị. Từ tháng 2 đến nay, Nhà máy đã không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào dẫn đến việc phải dừng sản xuất. Trong những tháng còn lại của năm, Nhà máy cũng quyết tâm không để gián đoạn sản xuất để có thể đạt và vượt sản lượng đề ra.
Trước tình hình khó khăn của Nhà máy, mức lương cũng như đời sống của cán bộ, công nhân toàn đơn vị đã có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, quan điểm của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và cũng là của Nhà máy là bằng mọi giá phải đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Trong tháng 1, khi đơn vị phải dừng sản xuất, Công ty vẫn hỗ trợ cho 450 cán bộ, công nhân của Nhà máy số tiền bằng một tháng lương tối thiểu. Khi quỹ tiền lương năm nay thấp hơn 15% so với năm trước, Nhà máy đã tạo mọi điều kiện để người lao động vẫn được hưởng các chế độ cần thiết. Chế độ ăn ca của cán bộ, công nhân vẫn được duy trì theo hình thức ăn tự chọn với 7 món chính như mọi khi. Khẩu phần ăn cũng không bị cắt giảm, vẫn giữ nguyên mức 18 nghìn đồng/suất. Môi trường làm việc, chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm, chăm lo y tế vẫn được Nhà máy duy trì khá tốt. Các trường hợp ốm đau, nghỉ thai sản hoặc theo chế độ Nhà nước vẫn rất được quan tâm thực hiện… Chính sự quan tâm chu đáo đó mà những tháng qua, mặc dù Nhà máy gặp nhiều khó khăn, song người lao động vẫn vững tin tập trung sản xuất để dần đưa đơn vị trở lại hoạt động ổn định.