Xây dựng nông thôn mới - Kinh nghiệm từ Hà Giang

15:22, 28/05/2013

Vào những ngày giữa tháng 5/2013, chúng tôi có dịp cùng Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta dẫn đầu, lên Hà Giang để trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). So với các tỉnh trong khu vực vùng Đông Bắc, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực vượt bậc, mà đặc biệt là cách làm sáng tạo, cụ thể, nên Hà Giang đã có những thành công đáng ghi nhận trong xây dựng NTM.

Từ sự chỉ đạo...

 

Việc đầu tiên cần nhắc đến đó chính là công tác quản lý, điều hành trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM được thực hiện rất quy củ. Năm 2010, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh được thành lập, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, ngoài ra còn có 3 Phó ban, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối nông, lâm nghiệp làm Phó ban Thường trực. Đến tháng 4/2013, để việc lãnh đạo xây dựng NTM hiệu quả hơn, Tỉnh ủy Hà Giang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban và có 5 Phó ban. Cùng với tỉnh, tại 11/11 huyện, thành phố của Hà Giang cũng đã thực hiện việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, trong đó đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo cấp huyện, ngoài cơ quan thường trực còn có các tổ chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo, mỗi tổ có từ 2 đến 3 cán bộ được tăng cường từ các phòng, ban chuyên môn. Tại các thôn, bản đều thành lập được Ban phát triển nông thôn và Ban giám sát thôn, bản. Đây chính là việc làm thể hiện sự vào cuộc một cách cụ thể, sâu sát, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM được hiệu quả hơn.

 

Nhận thấy công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM, tỉnh đã tăng cường việc tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều kênh như: phát hành tài liệu hỏi đáp về xây dựng NTM; phát động thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức thi tìm hiểu về xây dựng NTM. Bên cạnh đó, hàng tháng, hàng quý, tỉnh và các xã xây dựng NTM của Hà Giang đều tổ chức giao ban, đánh giá việc triển khai, qua đó kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề vướng mắc tại cơ sở…

 

 Đến những việc làm cụ thể

 

Công tác lập quy hoạch NTM ở Hà Giang được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến các huyện và cơ sở. Ban quản lý xây dựng NTM tại các xã trực tiếp tham gia vào việc thực hiện quy hoạch, chủ động thảo luận với đơn vị tư vấn để tìm ra phương án quy hoạch tốt nhất. Đặc biệt là quy hoạch của các xã thực hiện theo hướng gắn kết với quy hoạch của huyện, phù hợp với tầm nhìn của tỉnh và khu vực.

 

Cùng với việc lập quy hoạch, các huyện của Hà Giang đã tăng cường thực hiện việc đào tạo nghề cho nông dân, tổng cộng trong hơn 2 năm qua, đã có 3.733 người được đào tạo về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ. Toàn tỉnh đã triển khai được trên 551 mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi, trong đó đặc biệt hướng tới việc sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu. Cùng với đó, tại 11 làng thuộc 11 huyện, thành phố của Hà Giang, trong đó có các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên… đã xây dựng được làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM. Tổng kết qua 2 năm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, toàn tỉnh Hà Giang đã làm được 229km đường giao thông nông thôn các loại; xây mới 6.103 công trình vệ sinh; 1.286 bể nước; láng bó nền nhà cho gần 2.000 hộ dân; di dời 11.000 chuồng trại gia súc ra xa nhà... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân đã tự nguyện đóng góp trên 42 tỷ đồng để chung tay xây dựng NTM.

 

Qua khảo sát thực tế tại Hà Giang, điều chúng tôi nhận thấy là việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở đây được thể hiện bằng những việc làm rất cụ thể. Ví dụ như xã Lũng Phú, huyện Yên Minh đã đề ra “Năm việc của hộ gia đình”, gồm: 1- Xây dựng nhà ở sạch, đẹp, văn minh; 2- Có đường bê tông vào nhà, có cổng, tường rào, khuôn viên xanh; 3- Có công trình phụ đạt tiêu chuẩn, nhà tắm, bể nước ăn; 4- Có chuồng chăn nuôi gia súc xa nhà, có bể đậy nắp kín; 5- Có vườn rau xanh, có 5 cây ăn quả trở lên. Hay như ở xã Phương Thiện, T.P Hà Giang đã tổ chức chấm điểm trong xây dựng NTM tới 100% thôn, bản. Ở đây người dân tự chấm điểm trực tiếp cho nhau, giám sát và giúp đỡ nhau cùng thực hiện, qua đó tạo thành không khí thi đua sôi nổi, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

 

Ghi nhận ở một xã điểm

 

 

Đoàn công tác của tỉnh ta thăm công trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

 

Có dịp xuống Việt Lâm, một xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Vị Xuyên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự vào cuộc bằng những việc làm thiết thực của cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở địa phương đã có tác dụng to lớn như thế nào. Tại công trường làm đường giao thông của xã Việt Lâm, các đồng chí lãnh đạo huyện (Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện…) trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo ngoài công trường. Đồng chí Lê Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên trao đổi: Việc chung tay xây dựng NTM mà chúng tôi đang triển khai là phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, lấy ví dụ với công trình làm đường giao thông qua xã Việt Lâm, huyện đã thành lập 4 tổ công tác gồm lực lượng Công an (1 tổ), quân sự (1 tổ), khối chính quyền (1 tổ), nhân dân (1 tổ), phân công mỗi tổ chịu trách nhiệm làm 1km đường (Nhà nước hỗ trợ xi măng, hỗ trợ tiền công, nhân dân đóng góp vật liệu cát, sỏi). Hàng ngày, các tổ làm và trực tiếp báo cáo tiến độ với đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, qua đó kịp thời đôn đốc, giải quyết những vướng mắc phát sinh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công và kiểm soát được chất lượng của công trình. Trong khâu giải phóng mặt bằng để làm đường, có một cách làm hay đang được huyện Vị Xuyên tích cực thực hiện đó là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ngay tại nhà. Huyện đã thành lập tổ công tác chuyên trách về giải quyết các thủ tục hành chính, khi người dân hiến đất làm đường, cán bộ của tổ công tác này sẽ trực tiếp đến nhà dân để đo đạc diện tích đất thực tế, điều chỉnh lại diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, hoàn chỉnh các thủ tục và có trách nhiệm trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại nhà trong vòng 3 ngày. Cũng nhờ cách làm cụ thể này mà việc giải phóng mặt bằng tại nhiều xã trong huyện không hề có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, khi phát huy được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi”, tuyên truyền cho họ thấy được lợi ích thiết thực của NTM, thì người dân sẽ tích cực tham gia.

 

Có thể thấy Chương trình xây dựng NTM ở Hà Giang đang được triển khai thực hiện rất tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức, do đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện Chương trình quan trọng này. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước, nhưng với những cách làm cụ thể, sâu sát đang áp dụng hiện nay, chắc chắn Hà Giang sẽ có nhiều bước tiến mới trong việc xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung…

 

Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên ngay trong chuyến khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm tại một số địa phương của Hà Giang, đồng chí Đặng Viết Thuần chia sẻ: Thời gian vừa qua, Thái Nguyên đã thực hiện được rất nhiều việc trong xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều vào cuộc, đặc biệt người dân có sự đồng thuận cao. Qua chuyến công tác này, những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của tỉnh bạn sẽ được các đơn vị chuyên môn ở tỉnh ta tiếp thu, nghiên cứu, đề ra cách làm hiệu quả, mang tính bền vững, áp dụng sao cho phù hợp với từng địa phương của Thái Nguyên. Cần nhận thức rõ rằng, đích đến của Chương trình xây dựng NTM là nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân, vì thế những việc làm cụ thể, đặc biệt là những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM cần được phát huy nhiều hơn nữa trên khắp các địa bàn của tỉnh ta, qua đó từng bước thay đổi diện mạo của nông thôn hiện nay, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.