Chăm lo cho sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nông dân

09:18, 10/06/2013

Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh non mơn mởn, rồi về xem cách thức xao chè, đến  khâu cuối cùng là đóng gói sản phẩm, anh Nguyễn Văn Thắng, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên cho biết: “Bây giờ người uống chè khác xưa nhiều rồi. Trước họ chỉ quan tâm xem chè có ngon không, giờ thì mối quan tâm hàng đầu là liệu chè có được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không. Chè của gia đình tôi được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng đã được gia đình đi đăng ký và công khai trên bao bì sản phẩm. Vì thế, sản phẩm của gia đình làm ra tới đâu đều bán hết tới đó. Lợi ích đó có được chính là nhờ gia đình tôi tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp...”.

Theo đồng chí Nguyễn Tá, Phụ trách Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT: “Gia đình anh Thắng là một trong hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được chúng tôi tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều đáng mừng với những cán bộ kỹ thuật như chúng tôi là được nghe người dân nói: giờ chúng tôi mới hiểu nếu như sử dụng các loại thuốc trừ sâu bừa bãi trên các loại cây trồng thì người gánh chịu hậu quả đầu tiên chính là người sản xuất. Điều đó cho thấy, người dân đã thay đổi nhận thức, trong sản xuất nông nghiệp đã biết áp dụng các quy trình kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn để nâng cao năng suất, sản xuất sản phẩm an toàn. Riêng đối với cây chè, đến thời điểm này ở các vùng chè nổi tiếng của tỉnh, như: Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Sông Cầu… đã hình thành được 18 mô hình, tổ hợp tác sản xuất chè an toàn với tổng diện tích trên 20 ha”. Trong quá trình làm việc với tập thể Phòng Trồng trọt rồi đi thực tế cơ sở, chúng tôi thầm cảm phục những kết quả công việc mà các anh, các chị trong Phòng đã và đang triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Phòng đảm nhiệm rất nhiều công việc, như: tham mưu xây dựng kế hoạch về sản xuất cây lương thực, một số loại cây ngắn ngày, cây ăn quả và cây chè; thực hiện các chương trình kỹ thuật về cây lương thực, cây ăn quả, cây chè; đề án phát triển hoa cây cảnh và đề án phát triển rau an toàn; tham mưu cho lãnh đạo về chương trình bảo vệ cây trồng, công tác khuyến nông, quản lý Nhà nước về giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón… Trong khi Phòng chỉ có 5 cán bộ, nhân viên. Khối lượng công việc nhiều như vậy song qua đánh giá hằng năm, tập thể phòng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết có rất nhiều chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực trồng trọt được tập thể Phòng tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh quyết định thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Tiêu biểu như chương trình về cây lương thực. Những năm gần đây, qua xây dựng các mô hình trình diễn, Phòng đã tham mưu cho Ngành để trình tỉnh quyết định chọn những bộ giống lúa tốt đưa vào đưa vào gieo trồng như giống lúa Syn6, Bio404… Nếu như vụ xuân năm trước diện tích gieo cấy lúa lai của toàn tỉnh chỉ đạt từ 15 đến 16% tổng diện tích, thì năm nay ở vụ xuân chiếm 26% trong tổng số 30.079 ha lúa vụ xuân (7.885 ha) vượt 27,3% so với kế hoạch. Nhờ việc đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng nên đã góp phần nâng cao sản lượng lương thực của tỉnh trong những năm gần đây.

 

5 năm qua, Phòng Trồng trọt liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen; năm 2009 và năm 2011, được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen; năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Có được kết quả đó là do Phòng đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ trong Phòng phù hợp với khả năng, nghiệp vụ chuyên môn nhằm phát huy hết khả năng sáng tạo của mỗi người đối với công việc. Đặc biệt, Phòng đã duy trì và thực hiện tốt phong trào thi đua “một người làm việc bằng hai, ba người”. Các phong trào thi đua do Bộ, tỉnh, ngành tổ chức Phòng đều xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá vào lĩnh vực được phân công để thực hiện. Hiện nay, tập thể Phòng đang tập trung thực hiện 3 phong trào thi đua lớn đó là “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Vì sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn” và “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”…

 

Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ kỹ thuật Phòng Trồng trọt. Và niềm vui lớn sau những cố gắng đóng góp của họ cho nền nông nghiệp của tỉnh là vào đúng dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc 11-6-2013, tập thể Phòng vinh dự, tự hào được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng, cũng là sự ghi nhận của cấp trên đối với sự nỗ lực của những con người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nông dân.