Hết 6 tháng đầu năm nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đạt 38,6% kế hoạch năm. Như vậy, nhiệm vụ của nửa năm còn lại là khá nặng nề bởi thời gian vật chất không có nhiều trong khi phải hoàn thành tới 61,4% kế hoạch.
Đánh giá của ngành Công Thương cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng qua (tính theo giá so sánh năm 2010) mới đạt khoảng 13.312 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch năm, thấp hơn bình quân chung của cả nước và thấp nhất từ trước đến nay. Về vấn đề này, các nhà chuyên môn phân tích, do thị trường tiếp tục khó khăn, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được, dẫn tới hàng tồn kho nhiều khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm công suất, sản lượng. Các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như luyện kim, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng… rơi vào thế bế tắc. Tất cả đã khiến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sụt giảm mạnh mẽ. Cả quý I năm nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng âm, một điều hiếm thấy đối với một tỉnh đang phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp như chúng ta. Mặc dù bước sang quý II, nhất là từ tháng 5 đến nay, ngành Công nghiệp đã có xu hướng tăng trưởng khá dần nhưng khoảng cách tăng mới chỉ đạt 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 23,4% (đã có năm tăng tới 40% trở lên), công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,1%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 4% và công nghiệp cung cấp nước, thu gom rác thải tăng 3,4% (những năm trước đều tăng từ 10% trở lên).
Theo Cục Thống kê tỉnh thì 6 tháng đầu năm nay, những sản phẩm mũi nhọn, tác động lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn lại tăng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ gồm: Thép cán giảm 18%, xi măng giảm 2,5%, sản phẩm may mặc giảm 9,6%, phụ tùng động cơ giảm 14,7%...; điện sản xuất chỉ tăng 2,8%, phân phối điện tăng 4,4%. Sự sụt giảm này là do thị trường khó khăn, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp còn khá lớn. Ở thời điểm này, sản phẩm thép cán của chúng ta đang để tồn kho tới 36 nghìn tấn, xi măng 50,3 nghìn tấn, quần áo may sẵn 5 triệu sản phẩm. Mặc dù một số doanh nghiệp đã giảm giá bán sản phẩm (thép, xi măng), song chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 6 này vẫn giảm tới 7,3% so với tháng trước.
Với kế hoạch đề ra cả năm toàn tỉnh phải đạt giá trị sản xuất công nghiệp là 34.529 tỷ đồng thì 6 tháng còn lại chúng ta buộc phải đạt được con số 21.217 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng 27,3% so với cùng kỳ. Chia bình quân thì mỗi tháng còn lại của năm chúng ta phải đạt trên 3.500 tỷ đồng. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra không phải dễ thực hiện, nhất là khi nền kinh tế hiện nay vẫn chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, theo ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương và ông Hoàng Gia Hinh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh thì khả năng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh về “đích” đúng kế hoạch là hoàn toàn có thể. Lãnh đạo hai ngành này phân tích: Đối với công nghiệp Trung ương phải tăng thêm trên 2.300 tỷ đồng so với năm 2012 (khoảng 14,2%), trong đó riêng Công ty CP Cán thép Thái Trung đã đi vào sản xuất, dự kiến sẽ đóng góp giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng, cộng với hơn 800 tỷ đồng tăng trưởng nội tại của ngành này là có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Với công nghiệp địa phương, mức tăng thêm phải đạt là 2.112 tỷ đồng (khoảng 18,6%), trong đó riêng Dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo cũng hứa hẹn đóng góp khoảng 660 tỷ đồng; Nhà máy luyện gang của Công ty CP luyện kim đen đóng góp 360 tỷ đồng; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác cũng đóng góp khoảng 100 tỷ đồng, số còn lại khoảng gần 1.000 tỷ đồng sẽ do tăng trưởng nội tại đóng góp. Với công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mức tăng thêm không nhiều (khoảng 10%), nhưng cũng có thể trông vào mức đóng góp của các nhà máy may, nhà máy y cụ của nước ngoài và công nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Samsung. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, những tác động tích cực từ các chính sách kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ sẽ khiến thị trường ổn định hơn, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng.
Tuy vậy, trên thực tế để về “đích” đúng hẹn rất cần những giải pháp và hành động mang tính “nước rút” ngay từ lúc này. Theo các nhà chuyên môn thì ngoài những tác động từ chính sách chung của Chính phủ, tỉnh cũng nên quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ riêng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Có thể xây dựng cơ chế ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghiệp trong tỉnh, nhất là sản phẩm vật liệu xây dựng đối với các công trình đầu tư trên địa bàn. Mặt khác, cần tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công của các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để kích thích tiêu thụ sản phẩm. Đối với những công trình trọng điểm, có quy mô lớn của tỉnh cần rà soát, đôn đốc để có thể sớm đưa vào hoạt động, góp phần cải thiện thị trường. Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất “đói” vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nên nhất thiết chúng ta phải có phương án cụ thể để ưu tiên, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, đối với bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động liên doanh, liên kết với nhau cả trong tiêu thụ sản phẩm, lẫn huy động nguồn vốn, đồng thời tương trợ, bảo vệ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Nếu nhìn vào kết quả sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm thì nhiều người không khỏi hoài nghi, liệu tỉnh ta có thể về “đích” đúng kế hoạch? Tuy nhiên, với nhận định khách quan, thuyết phục, dựa trên điều kiện thực tế mà các nhà chuyên môn đưa ra, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào sự khởi sắc trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh những tháng còn lại của năm 2013 này.