Với tiềm năng lớn về đất lâm nghiệp, những năm gần đây, kinh tế rừng ở xã Liên Minh (Võ Nhai) ngày càng phát huy được vai trò, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Xã đang là địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất huyện Võ Nhai với khoảng 1.800ha.
Ông Nguyễn Xuân Nông, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Thu nhập bình quân đầu người của xã sẽ tăng nhanh trong những năm tới (hiện đạt 5 triệu đồng/người/năm), bởi trên 80% số hộ dân (cả xã hiện có 1.030 hộ) có rừng sản xuất, trong đó nhiều diện tích đã và sắp đến tuổi khai thác. Nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá từ trồng rừng, nhất là tại các xóm như: Nác, Khuân Nang, Nhâu, Vang.
Tiềm năng lớn về đất rừng của xã Liên Minh mới thực sự được khơi dậy khoảng 8 năm trở lại đây. Xã có gần 6.000ha đất lâm nghiệp (tổng diện tích tự nhiên trên 7.300ha), nhưng trước đó chủ yếu là rừng tái sinh tự nhiên (đã được giao khoán cho các hộ) và nương rẫy bạc màu. Nguyên nhân chính là do người dân chưa thấy được hiệu quả của kinh tế rừng. Trước thực trạng này, ngoài công tác tuyên truyền, xã chú trọng phát huy tinh thần tiên phong của đội ngũ cán bộ, làm trước để dân theo (một số cán bộ xã trồng rừng sớm và có diện tích lớn như: Gia đình ông Nguyễn Hữu Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã có gần 10ha; gia đình ông Triệu Văn Lưu, Phó Trưởng Công an xã có 15ha…). Đồng thời, nhân dân trong xã thường xuyên được thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về trồng rừng sản xuất thông qua những chương trình như: Chương trình 327, Dự án 661, Quyết định 147 của Chính phủ… Nên việc trồng rừng dần phát triển thành phong trào, số hộ tham gia trồng mới năm sau luôn cao hơn năm trước. Ví dụ như năm 2009, cả xã có 31 hộ dân đăng ký và trồng được 49ha rừng theo Quyết định số 147 của Thủ tướng Chính phủ (về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015), thì 2012 có 191 hộ đăng ký và đã trồng được 257ha, đó là chưa kể hàng chục ha rừng trồng tự phát. Nhận thức của người dân về kinh tế rừng đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Anh Triệu Long Thọ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Nác (nơi có gần 100% dân số là đồng bào Dao) cho biết: Từ năm 2005 trở về trước, bà con trong xóm chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô trên nương rẫy, năng suất thấp nên phần lớn các hộ thiếu đói từ 5 đến 6 tháng mỗi năm. Nhưng nay xóm Nác gần như không còn hộ đói giáp hạt, một số hộ vươn lên có mức sống trung bình và khấm khá do nguồn lợi từ rừng. Năm 2005, người dân được các kỹ sư của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, được hỗ trợ giống cây và tiền chăm sóc. Từ vài hộ tham gia, đến nay tất cả 120 hộ dân trong xóm đều trồng rừng sản xuất. Không ít hộ có hàng chục ha rừng trồng như gia đình ông Nông Văn An, Bí thư Chi bộ có trên 20ha; gia đình ông Triệu Văn Lưu có 15ha… Được biết, gia đình anh Triệu Long Thọ cũng thường xuyên có hơn 10ha rừng trồng, đã bán tổng cộng gần 5ha rừng keo và bạch đàn thu được trên 150 triệu đồng, nên đã thoát nghèo, mua được xe gắn máy và đầu tư nuôi lợn rừng để tăng thu nhập.
Là một trong những người trồng rừng sản xuất sớm nhất xóm Vang, trong khi dẫn chúng tôi tham quan cánh rừng trồng cây keo, mỡ đã đến tuổi khai thác, ông Nguyễn Bắc Ái tâm đắc bảo: “Gần 1ha rừng này nếu bán ở thời điểm hiện tại có thể thu lãi khoảng 30 triệu đồng, tôi tính bán xong sẽ trồng tiếp cây keo và bồ đề. Khi chưa trồng rừng, gia đình tôi quanh năm vất vả làm ruộng cũng chỉ đủ ăn. Nguồn thu nhập chính từ rừng đã giúp nhà tôi có của ăn của để, có vốn xây dựng chuồng trại nuôi mỗi lứa 50 con lợn thịt”. Nhớ lại lúc mới trồng rừng, ông Ái cho biết: Kinh tế gia đình khó khăn, trong khi trồng rừng đòi hỏi phải bỏ ra khá nhiều công sức và vốn ban đầu, tôi xác định lấy ngắn nuôi dài, trồng từng khoảnh. Cứ như vậy, bán rồi lại trồng, hiện nay gia đình tôi có 7ha rừng trồng với nhiều tuổi cây khác nhau…
Có thể nói, tiềm năng đất rừng của xã Liên Minh đang được “đánh thức”, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Thời điểm này, nhân dân trong xã đã cơ bản chuẩn bị xong đất trồng và đã được cấp đủ cây giống đề bắt tay vào vụ trồng rừng mới - năm nay, xã phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng mới 213ha rừng sản xuất theo Quyết định 147. Ông Nguyễn Xuân Nông cho rằng, người dân đã thấy rõ hiệu quả kinh tế do rừng đem lại, đó là “chất xúc tác” quan trọng nhất để họ tự giác, tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, để tiềm năng đất rừng ngày càng phát huy hiệu quả.